Đền thờ hai vị thánh nơi chân trời góc bể

Phóng sự TƯỜNG MINH 20/10/2018 02:00

Thiên nhai hải giác - chân trời góc bể, cùng trời cuối đất… là cách người xưa ví von về quần đảo Hải Nam, nay là một “Hawaii của phương Đông” ở Trung Quốc. Chốn này, không nhiều người biết rằng có hai danh nhân nức tiếng thiên hạ, một là Tô Đông Pha đời Tống, một là Đào Tấn đời nhà Nguyễn của Việt Nam được người dân lập “sanh từ” (đền thờ người lúc còn sống) để tưởng nhớ ân đức và những việc làm cao cả của họ.  

Một góc đảo Hải Nam nhìn từ trên cao.
Một góc đảo Hải Nam nhìn từ trên cao.

Cửa quỷ, xứ ma, nhà tù khổng lồ…

Hải Nam, hòn đảo ở phía cực Nam của Trung Quốc từng được gọi là Quỳnh Nhai hoặc Quỳnh Châu trong những thư tịch cổ. Nó gắn liền với câu hỏi lớn kiểu “Quỳnh Châu thị hà xứ, tích cận quỷ môn quan?” (Quỳnh Châu ở nơi nao, phải chăng gần xứ ma/cửa quỷ?) bởi sự xa xôi hoang hóa đến mức không thể hình dung ra được trong thực tế. Đến mức người Trung Quốc thời ấy mặc nhiên coi đây là chốn “thiên nhai hải giác”, tức là chốn cùng trời cuối đất, chân trời góc bể. Đây cũng là vùng đất đã đi vào lịch sử Trung Quốc từ năm Nguyên Phong thứ nhất (khoảng năm 110 trước Công nguyên), khi nhà Tây Hán thành lập Châu Nhai quận. Người Lê, sau đó là người Miêu là các cư dân ban đầu tại Hải Nam. Họ được cho là hậu duệ của các bộ lạc Bách Việt, đã định cư trên đảo này từ 7 đến 27 nghìn năm trước.

Người Lê hiện nay (và cả người Miêu nhập đến sau đó) đã trở thành thiểu số, sinh sống rải rác sâu trong các vùng núi tại 9 huyện thị ở khu vực giữa và phía nam của Hải Nam. Có nơi, họ được gom thành những “bảo tàng sống” như “Làng dân tộc Lê và Miêu” - một điểm đến của du khách khi đến đảo Hải Nam. Cũng như nhiều dân tộc thiểu số khác ở Việt Nam, người Lê - Miêu ở Hải Nam vẫn theo chế độ mẫu hệ. Nhưng thú vị là trẻ em người Lê khi 6 tuổi được xăm hình ở cổ chân với hoa văn đặc trưng của từng gia đình. Để lớn lên dù có phiêu bạt đến tận chân trời góc bể khác thì trai gái có cùng hình xăm vẫn không được lấy nhau. Người Lê còn có phong tục chúc phúc khá thú vị là cứ mỗi khi khách bước qua ngưỡng cửa thì hai cô gái đẹp sẽ kéo tai khách. Đáp lại, khách cảm ơn bằng cách giơ cao ngón tay cái lên. Người Miêu thì thu hút sự chú ý của du khách bằng cách treo đầu trâu ở cửa ngõ. Nhà nào càng giàu có, có vai vế trong làng thì đầu trâu càng nhiều.

Xuyên suốt các thời phong kiến Trung Quốc, đảo Hải Nam là một nhà tù thiên nhiên khổng lồ, nơi chuyên dùng để lưu đày, giam giữ những thành phần bất hảo, đặc biệt là những người bất đồng chính kiến với triều đình đương thời để cho nhụt chí hoặc chết dần mòn nơi đảo hoang thì càng tốt. Một trong những điểm đến nổi tiếng nhất đảo Hải Nam mà tôi có mặt sau khi đáp xuống sân bay là Ngũ Công tự - được xây từ đời Thanh (1889) để tưởng nhớ 5 tù nhân nổi tiếng của Trung Quốc từng bị lưu đày ở đây. Người đầu tiên là Lý Đức Dụ, một danh tướng đời Đường. Bốn người còn lại là Lý Cương, Triệu Đĩnh, Lý Quang, Hồ Toàn - bốn đại thần và cũng là nạn nhân của gian thần Tần Cối đời Tống.

Đền Ngũ Công còn được gọi là “Hải Nam đệ nhất lầu” là tòa nhà có hai tầng cao hơn mười mét, bên trong có các cột gỗ cao, bên ngoài được sơn màu đỏ và được phủ ngói đen trầm mặc. Trong khuôn viên đền còn có con suối Phù Túc chảy qua Vườn Quỳnh, tương truyền được phát hiện ra bởi Tô Đông Pha - cũng là tù nhân ở đây - nước ngọt và trong, được mệnh danh là dòng suối tuyệt nhất đảo Hải Nam. Bên trong đền, mỗi bài vị kèm một bức tượng thờ cao lớn, uy nghi, nhìn không thấy dấu vết của những đắng cay, tủi nhục mà họ từng nếm trải trong những tháng năm tù tội. Hôm đó có người thắc mắc sao tội nhân của triều đình lại được người dân lập đền thờ? Họ Vương - một người có phận sự ở ngôi đền này giải thích, đại ý họ đến đây ở những thời đại khác nhau nhưng khắc sâu trong ký ức hậu thế là hình ảnh của việc lập trường, dạy học, mở mang thủy lợi, giúp dân làm ăn phát triển văn hóa…

Và “sanh từ” của hai vị Thánh sống!

Nhắc chuyện Tô Đông Pha thời nhà Tống mới nhớ, thật ra, người này mới chính là tù nhân nổi tiếng nhất ở đảo Hải Nam. Ông cùng cha (Tô Tuân) và em mình (Tô Triệt) là ba trong số 8 đại văn hào lớn nhất (bát đại gia) Trung Quốc suốt bảy thế kỷ từ thế kỷ 7 đến 13. Tô Đông Pha năm đó đã gần 60 tuổi, do không ủng hộ những chính sách cải cách của những Vương An Thạch, Chương Đôn… nên đã bốn lần bị cách hết chức tước và đày ải từ Nam Kinh đến đảo Hải Nam. “Đường xa vạn dặm”, có lẽ là để nói về hành trình đi bộ của những tù nhân bị lưu đày từ Nam Kinh đến đảo Hải Nam như Tô Đông Pha và nhiều người khác. Cũng có thể hình dung như Lý Đức Dụ ngày đầu tiên đến đây đã ngửa mặt lên trời rồi hạ bút than rằng “(nơi đây) chim bay còn phải mất nửa năm (mới đến)”!

Đầu trâu trong “Làng dân tộc Lê và Miêu”.
Đầu trâu trong “Làng dân tộc Lê và Miêu”.

Đặc biệt trong số các tù nhân từng bị lưu đày đến đây, gần như mỗi Tô Đông Pha là có ghi lại nhật ký. Nhờ vậy đời sau như tôi mới có cái để hình dùng về Hải Nam một thời “lam sơn chướng khí với nạn ruồi vàng muỗi vắt luôn đói ăn, có ngày từng phải hớp ánh nắng ban mai cho lại người”. Hay “Đêm đầu tiên đến Hải Nam đốt đèn lên thấy mối bu lại đặc phòng. Vật gì cũng mốc meo, đồ sắt đồ đồng mấy tháng là gỉ sắt hết. Bao giờ mới thoát khỏi được hòn đảo này? Nhưng rồi tôi thấy có nhiều ông bà già trên đảo thọ cả tám chín chục tuổi, trăm tuổi. Con kỳ nhông có thể sống trong cát bỏng, trứng tằm vùi dưới tuyết mà không hư. Các nông dân vô học có thể không biết gì đến bí mật của hóa công nhưng theo bản năng mà thích ứng với thời tiết hoàn cảnh như kỳ nhông như trứng tằm. Vũ trụ bốn bề mênh mang là nước vậy thì đâu mà chẳng phải trên một hải đảo?”.

Để rồi Tô Đông Pha quyết tâm sống vui khi vừa viết sách vừa mở trường học để truyền thụ học vấn, quảng bá thi, thư, lễ, nhạc làm công việc giáo hóa văn minh cho những người Lê vốn đang rất lạc hậu. Và 4 năm sau, người Lê ở Hải Nam đã lập “sanh phần” thờ sống Tô Đông Pha để ghi ơn sau khi cha con ông hết hạn lưu đày trở về Nam Kinh. Ân đức của Tô Đông Pha và những vị đại thần gặp nạn đối với người Lê, với đảo Hải Nam cao vời không kể hết. Nhưng trên cả, như lời của người quản lý đền thờ Tô Đông Pha nói với tôi lúc chia tay, rằng nhà tù ở chốn cùng trời cuối đất này không những không làm Tô Đông Pha nhụt chí, chết mòn mà còn tạo thêm cho ông sức sống mãnh liệt hơn…

Lại nghe bảo ở Hải Nam còn một “sanh từ” khác, thờ nhà soạn tuồng kiệt xuất của Việt Nam là cụ Đào Tấn. Chuyện xảy ra vào năm 1883, khi nhà thơ, nhà từ khúc, nhà soạn tuồng kiệt xuất Đào Tấn đang làm Phủ doãn Thừa Thiên, được chép lại trong “Đào Tấn qua thư tịch” (do Vũ Ngọc Liễn chủ biên, NXB Sân khấu 2006) rằng: “Lối ấy cụ có tâu cứu trợ nạn thuyền Hải Nam hơn 400 người về Tàu, được bọn nạn thương gửi tạ ơn cụ bức trướng bốn chữ “Công Hoằng Vĩnh Viễn” và lập sanh từ ở Hải Nam đề câu liễn “Tứ bách dư nhơn tồn hoạt mạng; Vạn thiên lý ngoại kiến sanh từ”.

Đại ý là năm ấy, với uy tín của mình, Phủ doãn Thừa Thiên Đào Tấn có tâu vua và tổ chức cứu trợ, đưa về Hải Nam hơn 400 người buôn thuyền gặp nạn. Những người đó sau khi về nhà an toàn đã gửi bức trướng tạ ơn ghi “công đức ngài lưu lại mãi mãi”. Đồng thời lập đền thờ sống cụ Đào Tấn ở đảo Hải Nam, trong đền có ghi hai câu liễn: “Hơn bốn trăm người còn mạng sống; Ngoài muôn ngàn dặm lập đền thờ sống”. Điều này cũng có nghĩa như Tô Đông Pha đời trước, cụ Đào Tấn cũng là vị Thánh sống của một bộ phận cư dân đảo Hải Nam bởi lối hành xử đầy đạo nghĩa giữa con người với con người, không phân biệt cương giới, sắc tộc!

Tiếc là tôi chỉ “nghe bảo” thế thôi bởi những ngày ngắn ngủi ở Hải Nam cùng những người có thể hỏi đã không thể cho tôi biết thông tin cụ thể về ngôi “sanh từ” này để tìm đến viếng cụ một nén nhang. Nên đành học theo lời trong hai bức liễn, bốn phương cúi lạy cụ xa ngoài muôn ngàn dặm…

Phóng sự TƯỜNG MINH

Phóng sự TƯỜNG MINH