Xây dựng gia đình không bạo lực
Trong 10 năm qua, việc thi hành Luật Phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ) trên địa bàn tỉnh luôn gắn với phong trào xây dựng gia đình văn hóa.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân trao bằng khen của UBND tỉnh cho các gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc. Ảnh: D.L |
Chia sẻ kinh nghiệm
Là gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc, ông Nguyễn Đình Hoan (thôn 4, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước) ngoài chăm lo đời sống gia đình mình còn có nhiều đóng góp trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương. Từ năm 2000, xã Tiên Cảnh phát động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, ông Hoan cùng thành viên trong gia đình luôn thực hiện tốt tất cả nội dung địa phương đề ra. Ông Hoan sở hữu ngôi nhà cổ hơn 100 năm tuổi nên luôn ý thức giữ gìn, bảo tồn những giá trị văn hóa do cha ông để lại. Cảnh quan từ nhà ra ngõ đến vườn sạch đẹp với ngõ đá chè tàu, trồng hoa, cây cảnh, cây ăn quả đặc trưng, giữ gìn giếng nước cổ xưa...
“Gia đình tôi tham gia tích cực vào các phong trào tại xã, nuôi dạy con ăn học, có công ăn việc làm ổn định, sống thuận hòa yêu thương nhau. Bản thân tôi cùng góp sức với thôn, xã vận động bà con chấp hành lối sống văn hóa, lành mạnh, không để trong gia đình xuất hiện tình trạng bạo lực dưới bất kỳ hình thức nào. Khi có chủ trương làm du lịch sinh thái, nhà tôi luôn rộng cửa đón chào người dân, khách du lịch tới tham quan, học hỏi kinh nghiệm xây dựng vườn sạch nhà đẹp. Mỗi năm thu nhập hơn 65 triệu đồng từ kinh tế vườn, đời sống khá lên cùng với bà con” - ông Hoan nói. Từ nguồn thu của gia đình, ông Hoan luôn dành một phần cùng với bà con trong thôn giúp những hoàn cảnh khó khăn lúc ốm đau, hoạn nạn.
Tại thôn Xuân Cang (xã Quế Châu, Quế Sơn), câu lạc bộ “Gia đình phát triển bền vững” đã được xây dựng 6 năm qua, với sự tham gia của 40 cặp vợ chồng, sinh hoạt định kỳ theo quý và năm. Câu lạc bộ trở thành cánh tay nối dài của địa phương tuyên truyền chính sách pháp luật, xây dựng gia đình hạnh phúc. Ông Bùi Tấn Cường - Chủ nhiệm câu lạc bộ cho biết: “Hình thức sinh hoạt của câu lạc bộ có thể là học tập chuyên đề, hái hoa dân chủ, hội thi nhân dịp lễ hay ngày kỷ niệm, tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao... Ở trong thôn, gia đình tôi là một “địa chỉ tin cậy” giúp nạn nhân bị BLGĐ có nơi tạm lánh an toàn. Chúng tôi còn tư vấn, hòa giải cho các gia đình khi có mâu thuẫn. Từ đó góp phần giúp các gia đình xây dựng cuộc sống hạnh phúc, xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương”.
Lồng ghép các phong trào
Sáng 18.10, UBND tỉnh tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng chống BLGĐ và tuyên dương gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân chủ trì hội nghị. Trong 10 năm qua, toàn tỉnh xảy ra 4.591 vụ BLGĐ, trong đó năm 2009 xảy ra 715 vụ thì đến năm 2017 giảm còn 327 vụ. Giai đoạn 2013 - 2018, cả tỉnh có 347.095 gia đình đạt danh hiệu văn hóa (tỷ lệ 87,8%). Dịp này UBND tỉnh tuyên dương 45 gia đình, 5 thôn/khối phố văn hóa tiêu biểu; tặng bằng khen 5 tập thể và 10 cá nhân đạt nhiều thành tích trong 10 năm thực hiện Luật Phòng chống BLGĐ. |
Ông Tào Viết Hải - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, phong trào xây dựng gia đình văn hóa luôn gắn với phòng chống vấn nạn BLGĐ ở cơ sở. “Qua 10 năm triển khai Luật Phòng chống BLGĐ đã góp phần nâng cao thực hiện bình đẳng giới, xây dựng gia đình văn hóa ở khu dân cư. Nhiều phong trào xây dựng gia đình văn hóa được thực hiện hiệu quả như xây dựng “Gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, “Gia đình 5 không, 3 sạch”, “Gia đình nông dân hạnh phúc”, “Gia đình hội viên gương mẫu”, “Ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo”. Người bị BLGĐ đã được trợ giúp kịp thời cả về vật chất, tinh thần tại các “địa chỉ tin cậy”. Xây dựng gia đình văn hóa cùng với phòng chống BLGĐ giúp cho cuộc sống ở khu dân cư ổn định, phát triển lành mạnh” - ông Hải nói.
Sở LĐ-TB&XH đã lồng ghép nội dung phòng chống BLGĐ trong các chương trình giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới. Chị em phụ nữ được giải quyết việc làm tại các nhà máy, xí nghiệp trong tỉnh nên có điều kiện chăm sóc gia đình, con cái tốt hơn. Các chương trình, dự án hỗ trợ giảm nghèo chú trọng đảm bảo sinh kế cho các gia đình, đặc biệt là chị em phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa được hỗ trợ để phát triển kinh tế gia đình. Các cơ sở bảo trợ xã hội kịp thời vào cuộc, trợ giúp các nạn nhân bị BLGĐ, cung cấp các dịch vụ xã hội cho nạn nhân cần được hỗ trợ khẩn cấp.
DIỄM LỆ