Đạo đức xã hội

C.B.L 19/10/2018 02:37

Hôm qua, vào công cụ tìm kiếm tin tức với từ khóa “Quảng Nam”, tôi như muốn ngộp thở bởi lượng thông tin quá dày về vi phạm an ninh trật tự. Lực lượng công an đã bắt được nghi phạm sát hại thầy lang. Một thanh niên ở Thăng Bình vừa rời ghế trường phổ thông đã tham gia buôn bán ma túy đá và bị bắt. Một đứa trẻ ở Đông Giang sau khi cướp hơn 500 nghìn đồng của một bà cụ, sợ bị phát hiện đã đâm nhát dao chí mạng vào nạn nhân. Thanh niên ở Phú Ninh cũng vừa đoạt mạng sống của một phụ nữ vì nhớ lại chuyện nạn nhân cấm mình yêu đương...

Thật khủng khiếp, chỉ vài vụ nổi lên đầu tiên của trang kết quả tìm kiếm đã khiến tôi thêm nỗi bất an. Đó là chưa đọc thêm những “câu chuyện đó đây” về các vụ cướp giết mà dường như ngày nào cũng xảy ra, vẫn có cảm giác như đang sợ sệt một điều gì đó rất mơ hồ. Theo nhận định, tình hình tội phạm đang có xu hướng gia tăng cả về số vụ và tính chất nghiêm trọng. Đã xuất hiện loại tội phạm phi truyền thống, hành vi man rợ. Một tỉnh lẻ như Quảng Nam, giờ đây cũng xuất hiện nhiều kiểu vi phạm pháp luật mới lạ, lạnh lùng và bất ngờ trong tâm lý của người dân. Ở nông thôn, nhiều xóm làng đang lo lắng, bất an với nạn ma túy, trộm cắp vặt. Ở quê mà nuôi con gà con vịt cũng không được vì sợ mất trộm. Mà thực tế tôi còn chứng kiến có người mất đến 50 con gà trong một đêm. Hôm qua, một người quen ở quê còn điện kể, gia đình anh vừa mất... một chiếc cối đá nặng đến hàng tạ, trị giá chỉ khoảng 200 nghìn đồng. Thật là hết chỗ nói! 

Vì sao tội phạm gia tăng? Nhiều nhà “xã hội học” nhận định do áp lực trang trải cuộc sống, thất nghiệp nhiều, do tín dụng đen, số người nghiện ma túy gia tăng... Và một lý do đặc biệt hơn, rằng đạo đức xã hội đang bị xuống cấp. Tôi nhớ lại nỗi tiếc nuối của nhà báo Nguyễn Hàng Tình trong một bài viết về nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Tây Nguyên. Đó là những kho lương thực dự trữ được xây ngay khu vực nương rẫy như là chỉ dấu kiến trúc của miền sơn cước. Nhưng nay “Vàng son cơn cước đã phai”, đồng bào không dự trữ lương thực ở đây nữa vì sợ mất trộm. Tác giả chua chát rằng, “hình ảnh mà tôi từng thấy như thế ở Tây Nguyên đã trở thành kỷ niệm của một thuở loài người còn thuần khiết”. Hay như một bài viết gần đây của GS.Đặng Hùng Võ trên tờ Vnexpress có cái tựa “Lòng dân” cũng nêu hiện tượng đáng quan tâm. Đó là cảnh thu nhập không đủ cho sinh hoạt cơ bản còn phổ biến ở nhiều nơi, với nhiều người. Vào đời, đi kiếm việc làm đã khó, muốn có việc thì tài năng là chưa đủ mà còn phải “chi”. Lập gia đình xong, không phải ai cũng có chỗ an cư, đến hộ khẩu cũng phải “chạy”... Và nhiều thứ khác nữa, khiến cảm giác bất an luôn đồng hành với không ít người. Liệu có sự liên tưởng nào không theo kiểu nguyên nhân - kết quả giữa đạo đức xã hội và hiện tượng “chạy”, “chi” đang khá phổ biến; hay nét văn hóa thuần khiết của con người đang mai một dần?

Đạo đức xã hội, ở khía cạnh nào đó cũng được đo đếm bằng niềm an lạc của người dân. Niềm an lạc đó, tiếc thay không song hành với sự phát triển như ta đang thấy!

C.B.L

C.B.L