Kiêng cữ sau sinh: Áp lực của nhiều mẹ trẻ
(QNO) - Phụ nữ sau sinh thường kiêng khem rất nhiều thứ. Từ chuyện ăn uống đến ngủ nghỉ, sinh hoạt… tất cả đều phải thực hiện theo những nguyên tắc nhất định. Điều này, gây không ít áp lực cho những bà mẹ trẻ.
Kinh nghiệm dân gian
Trên thực tế hay tại các diễn đàn, trang mạng xã hội, hội nhóm mẹ và bé, những vấn đề xoay quanh việc mang thai và sinh nở với các kinh nghiệm dân gian luôn là chủ đề được nhiều người quan tâm. Khi y học ngày càng hiện đại thì con người có thể cập nhật được nhiều kiến thức khoa học để biết được đâu là phương pháp hay và đúng, lựa chọn áp dụng như thế nào để không gây hại cho sức khỏe cả mẹ lẫn bé. Tuy nhiên, hiện vẫn có rất nhiều sản phụ bị chính những người chăm sóc gây áp lực bởi những bài thuốc, mẹo vặt và những kinh nghiệm dân gian.
Là một người phụ nữ hiện đại, chị Nguyễn Thị Diễm Trinh (phường Trường Xuân, TP.Tam Kỳ) đã gặp không ít khó khăn trong chuyện sinh nở của mình. Nguyên nhân chủ yếu xoay quanh việc bất đồng quan điểm trong việc chăm sóc sau khi sinh của chị và các thành viên trong gia đình. “Từ khi mang thai, để chuẩn bị tốt cho việc sinh nở, tôi đã tìm hiểu kiến thức và các phương pháp khoa học có lợi cho cả mẹ và bé. Nhưng mẹ chồng và cả mẹ ruột đều không cho tôi áp dụng bất cứ điều gì. Ngược lại, họ ép tôi phải làm những điều rất vô lý, khiến tôi vô cùng khó chịu, căng thẳng, từ đó nảy sinh nhiều mâu thuẫn” - chị Trinh chia sẻ.
Theo lời chị Trinh, mẹ ruột chị không cho tắm trong thời gian ở cữ suốt 3 tháng 10 ngày. Mặc dù cơ thể luôn bốc mùi, ảnh hưởng đến hai mẹ con. Không chỉ có thế, bà còn mang cả một chậu than đỏ rực, bắt hai mẹ con phải xông hơ, ngày hai đến ba lần. “Những việc như treo xương rồng trước cửa ra vào, đốt vía khách để tránh cho con khỏi đau ốm và quấy khóc thì mình chiều theo ý các bà, để hạn chế bớt mâu thuẫn, vì dù sao cũng không ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của hai mẹ con. Tuy nhiên, các bài thuốc dân gian thì mình chịu khó tìm hiểu kỹ càng rồi phân tích cho mẹ hiểu để không phải áp dụng vô tội vạ”- chị Trinh nói. Mặc dù vậy, chị cũng không tránh khỏi những phiền phức nhất định với những kinh nghiệm truyền miệng của các bà, các mẹ.
Kiêng sao cho phải?
Giải thích nguồn gốc của những kiêng khem này, bác sĩ Nguyễn Thị Kiều Trinh - Trưởng khoa Phụ sản Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam chia sẻ: “Người dân mình hay có thói quen “xưa bày nay bắt chước”. Không phải ngẫu nhiên mà các cụ ta có những cách kiêng khem sau sinh “hà khắc” như thế. Đó cũng là việc làm mang nhiều ý nghĩa, mục đích cuối là để người phụ nữ được nghỉ ngơi chính đáng. Nhưng không phải mọi thứ điều đúng và nhất nhất làm theo. Ngày nay, y học hay dựa trên chứng cứ, cái gì tốt sẽ được khuyến cáo rộng rãi và ngược lại”.
Theo bác sĩ Trinh, có những bà mẹ sau khi sinh phải chờ nước lên mới cho em bé bú lần đầu tiên, khiến con đói lả, hạ đường huyết, khóc khô cổ, chưa kể còn đem bỏ hết sữa non đầy dưỡng chất và kháng thể. Đây là nguyên nhân khiến em bé còi cọc, yếu ớt sau này. Thay vì massage bầu ngực và tích cực cho em bé bú để “gọi” sữa về thì nhiều mẹ lại “xuống sữa”, nhào bóp bầu ngực dẫn đến đau đớn, ảnh hưởng nặng nề đến thẩm mỹ và sức khỏe của mẹ.
Đối với việc hạn chế tiếp xúc với người ngoài trong những ngày “ở cữ”, điều kiêng này thật ra để nhằm hạn chế việc lây bệnh cho bà mẹ và em bé khi sức đề kháng của cả hai còn yếu, mà không ai dám chắc người đến thăm có mang mầm bệnh hay không. Thứ nữa là việc thường xuyên có người đến thăm chắc chắn sẽ làm môi trường tĩnh dưỡng của bà mẹ bị ảnh hưởng. Sau sinh, cơ thể thường bị lạnh, các bà mẹ nên giữ ấm bằng cách mặc ấm, uống nước ấm, chườm ấm bụng sau ăn, tránh nơi có gió lùa thay cho dùng than củi vì than thải ra CO2 có thể khiến cả mẹ và em bé bị nhiễm độc…
“Những tháng đầu sau sinh, là khoảng thời gian nghỉ ngơi tịnh dưỡng vô cùng quan trọng của mẹ và em bé. Vì lúc này, hai mẹ con vừa trải qua cuộc vượt cạn đầy khó khăn, mất nhiều sức khỏe cần được chăm sóc, bồi bổ để phục hồi. Dù sử dụng các phương pháp dân gian hay liệu pháp khoa học, thì gia đình các sản phụ nên chịu khó tìm hiểu các mặt đúng sai, lợi hại để việc chăm sóc sau sinh mang lại hiệu quả, đảm bảo sức khỏe cho mẹ, giúp bé có những bước phát triển đầu đời thuận lợi và an toàn nhất” - bác sĩ Kiều Trinh chia sẻ.
KIỀU LY