Giác mạc nhân tạo nhờ công nghệ in 3D
(QNO) - Giác mạc đầu tiên của con người đã được in 3D bởi các nhà khoa học tại Đại học Newcastle. Công nghệ này có thể được sử dụng trong tương lai để đảm bảo cung cấp giác mạc không giới hạn.
Giác mạc nhân tạo nhờ công nghệ in 3D. |
Là lớp ngoài cùng của mắt người, giác mạc có vai trò quan trọng trong việc tập trung tầm nhìn. Tuy nhiên, thế giới đang thiếu hụt nguồn cung để cấy ghép nhằm giúp hơn 10 triệu người thoát cảnh mù lòa vì tổn thương giác mạc do các bệnh đau mắt hột, nhiễm trùng. Ngoài ra, gần 5 triệu người bị mù hoàn toàn do sẹo giác mạc vì bỏng, vết rách, trầy xước hoặc bệnh tật khác.
Thông tin từ Đại học Newcastle tại www.ncl.ac.uk, qua nghiên cứu mắt thực nghiệm, các nhà khoa học đã tách được tế bào gốc giác mạc của con người từ giác mạc khỏe mạnh hiến tặng rồi trộn lẫn với alginate và collagen để tạo ra một loại mực in 3D sinh học. Qua đó sản xuất được hàng loạt giác mạc nhân tạo bởi công nghệ in 3D dưới sự kiểm soát của máy tính.
Máy in 3D sinh học có chi phí thấp và chỉ mất 10 phút là có được sản phẩm. Các tế bào gốc tiếp tục được nuôi cấy, phát triển.
Nghiên cứu do tiến sĩ Steve Swioklo và giáo sư Che Connon tại Đại học Newcastle lãnh đạo cho hay kỹ thuật này vượt qua các quá trình sản xuất truyền thống, cho phép “sản xuất nhanh chóng giác mạc với những đặc điểm riêng biệt, từ đó mỗi giác mạc có thể được làm riêng cho bệnh nhân tại thời điểm chăm sóc”.
Trên thế giới cũng có nhiều nhóm khác cũng theo đuổi việc nghiên cứu mực sinh học để tạo giác mạc. Tuy nhiên, thành công của nhóm Newcastle là đáng chú ý hơn cả.
Kích thước của mô in ban đầu được lấy từ giác mạc thực tế. Bằng cách quét mắt của bệnh nhân, họ có thể sử dụng dữ liệu để in nhanh một giác mạc phù hợp với kích thước và hình dạng.
Giáo sư Connon nói thêm: “Giác mạc in 3D của chúng tôi sẽ phải trải qua thêm nhiều thử nghiệm và sẽ mất vài năm trước khi được sử dụng chúng để cấy ghép đại trà”.
TẠ XUÂN QUAN