Hà Lam khó xử nạn lấn chiếm lòng lề đường

PHAN VINH 15/10/2018 03:54

(QNO) - Từ năm 2013, thị trấn Hà Lam (Thăng Bình) phát động xây dựng đô thị văn minh. Tuy nhiên, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường tiềm ẩn tai nạn giao thông và mất mỹ quan đô thị đang trở thành vấn đề nhức nhối ở địa phương này.

Quầy hàng trái cây lấn chiếm hết vỉa hè dành cho người đi bộ. Ảnh: PHAN VINH
Quầy hàng trái cây lấn chiếm vỉa hè dành cho người đi bộ. Ảnh: PHAN VINH

Dai dẳng

Bà Nguyễn Thị Lan (tổ 10) có một gian hàng buôn bán trái cây nằm trên đường Tiểu La gần 20 năm nay. Dù được tuyên truyền quy chế xây dựng đô thị văn minh của UBND thị trấn Hà Lam, trong đó có quy định không được cơi nới quầy hàng lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường, nhưng bà Lan vẫn cố tình vi phạm. Gian hàng trái cây của bà cơi nới hết phần vỉa hè, nhiều người mua hàng còn dựng xe xuống lòng đường gây mất an toàn giao thông.

“Thời gian qua, nhiều lúc đang bán thì lực lượng chức năng của thị trấn xuống dọn dẹp nên tôi phải di dời, đến khi xong việc thì tôi lại dọn ra. Biết như vậy là sai vì lề đường là dành cho người đi bộ, nhưng dọn vào trong thì không có khách, trong khi ai buôn bán ở đây cũng dọn ra vỉa hè” - bà Lan nói.

Chợ tự phát trên đường Tiểu La. Ảnh: PHAN VINH
Chợ tự phát trên đường Tiểu La. Ảnh: PHAN VINH

Không riêng gì quầy hàng trái cây của bà Lan mà nhiều năm nay, hàng trăm hộ kinh doanh lớn nhỏ khác trên trục đường chính Tiểu La đều có hành vi cơi nới hàng quán, lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường. Thậm chí trên đường này còn có 2 khu chợ tự phát ở tổ 3 và tổ 6. Việc mua bán diễn ra rất thiếu tổ chức, người bán thì bày hàng ra vỉa hè, người mua thì dựng xe tràn lan ngay dưới lòng đường.

Chị Nguyễn Thị Hồng (xã Bình Quý, Thăng Bình) là công nhân, chiều nào cũng ghé thị trấn Hà Lam để mua thức ăn. Chị Hồng chia sẻ: “Tôi đi làm về trễ, gấp gáp nên không muốn vào chợ mua hàng rồi phải gửi xe. Sẵn trên đường thấy có người bán hàng thì tranh thủ ghé vào mua ít đồ rồi nhanh chóng lên xe về nhà. Biết là mất an toàn giao thông nhưng… làm vậy cho nhanh”.

Khó xử lý

Theo ông Phan Văn Thơ - Đội trưởng Đội quản lý trật tự đô thị thị trấn Hà Lam, thời gian qua đơn vị gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý dứt điểm tình trạng cơi nới quầy hàng, lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường gây mất an toàn giao thông và mất mỹ quan đô thị. Bởi phần lớn những hộ dân này đều thuộc hộ nghèo, nên khi áp dụng chế tài xử phạt hoặc tịch thu tài sản cũng cần cân nhắc.

“Vì vậy mà địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân; giao cho các hội đoàn thể đảm nhận từng tuyến đường trong nội thị để tuyên truyền. Các hội đoàn thể này còn thực hiện việc xây dựng một mô hình mẫu về trật tự giao thông nhưng kết quả vẫn chưa mang lại như ý muốn” - ông Thơ nói.

Nhiều phương tiện giao thông của người mua hàng để xuống dưới lòng đường. Ảnh: PHAN VINH
Người mua dựng xe tràn lan dưới lòng đường. Ảnh: PHAN VINH

Theo ông Nguyễn Ngọc Duẩn - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Hà Lam, địa phương đang phấn đấu đến năm 2020 sẽ trở thành đô thị loại IV như nghị quyết của Huyện ủy Thăng Bình ban hành. Một trong những lực cản dễ thấy nhất trong việc xây dựng đô thị văn minh là tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường của các hộ kinh doanh. Tuy nhiên, nhìn thẳng vào vấn đề, có cầu thì mới có cung. Chính những người mua hàng cũng mong muốn trao đổi nhanh chóng nên các hộ kinh doanh mới bày bán ra vỉa hè để mời gọi. Vì vậy, để chấm dứt tình trạng này thì phải xử lý nghiêm hành vi để xe dưới lòng đường của người dân.

“Trước tiên là phải xử lý cán bộ, đảng viên của mình để làm gương cho nhân dân noi theo. Chúng tôi sẽ tham mưu lên cấp trên ban hành văn bản để quán triệt trong cán bộ cơ quan, đơn vị mình, nếu phát hiện cán bộ, đảng viên vi phạm thì gửi ngay văn bản về cơ quan đó xem xét kỷ luật. Có như vậy, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường mới thực sự được giải quyết triệt để” - ông Duẩn cho biết thêm.

PHAN VINH

PHAN VINH