Trong giấc mơ nơm của Vĩnh
Ngót 9 năm ấp ủ cho một ý tưởng kiến trúc, tháp 5 tầng “độc đáo nhất tại Việt Nam” mang dáng dấp chiếc nơm bắt cá đã thành hình, hé lộ giấc mơ lạ của người từng có trong tay 7 kỷ lục…
Lê Văn Vĩnh bên ngoài tháp nơm. |
1. Vài ngày sau khi công bố hoàn tất bề mặt tháp gỗ 5 tầng, Lê Văn Vĩnh dẫn tôi lần theo cầu thang xoắn kết cấu theo hệ trính hình rẽ quạt. Ở tầng thứ 4, tầm nhìn đã trượt khỏi rặng dừa ở khu nghỉ dưỡng cao cấp The Nam Hai resort ở bên kia đường ven biển, mép biển Hà My (Điện Dương, Điện Bàn) đã hiện ra xanh ngắt cách đó chừng 400 mét. Cũng chừng đó khoảng cách về phía tây, là mép nước của “lạch” sông Cổ Cò mùa cạn đang chờ ngày khơi thông. Kéo dần vô phía trong, con nước cạn sẽ nối với dòng Đế Võng…
Lên đến tầng 5, không gian bên trong lòng tháp thu hẹp dần theo hình dáng nơm úp cá, thon thon theo đúng kiểu nơm cá miền Trung. Nhưng luồng gió tự nhiên lấy theo các khe và ánh sáng lọc qua lớp kính dày tạo cảm giác thư thái.
Lê Văn Vĩnh, ông chủ trẻ của Không gian nhà Việt Nam (Vinahouse), đã đeo đuổi giấc-mơ-nơm rất sớm, từ năm 2009. Trong ký ức ngày cũ, anh từng vác nơm đi bắt cá ven ruộng trũng ở đất Điện Minh, Điện Bàn. Cho đến khi cất công sưu tầm nhà cổ truyền xứ Quảng, với những dụng cụ bắt cá truyền thống được lưu giữ, trong anh lóe lên hình dáng công trình cao tầng kiểu chiếc nơm. Thêm 2 năm nữa, năm 2011, khi ý tưởng được phác thảo trọn vẹn trên giấy, anh mới tự tin mang bản vẽ thiết kế để đăng ký với Cục Bản quyền tác giả (Bộ VH-TT&DL). Túc tắc như thế, hơn 6 năm để những súc gỗ lớn uốn cong khéo léo ghép lại, đan vào nhau, hệ kết cấu trính theo lối rẽ quạt và khớp nối bằng mộng đuôi cá. Nơm Việt phải được “đan” bằng kỹ thuật truyền thống của nhà Việt. Mãi rồi hôm nay tháp nơm mới thành hình, như những gì anh tự tin giới thiệu cho khách trong một ngày cuối tuần đầu tháng 10.
Càng leo lên cao, kết cấu gỗ càng xoắn lấy nhau rất vững chãi nhưng cũng không kém phần mềm mại. Tôi đếm được 33 thanh gỗ chạy dọc theo chiều chiếc nơm khổng lồ cao 13,5 mét. Mỗi “cộng nơm” được xẻ từ gỗ khối kiền kiền, theo kích cỡ 22x30cm. Thêm viền gỗ dựng trong để định hình cầu thang xoắn. Chưa kể ván sàn được xẻ từ gỗ hương. Tính ra tháp “ngốn” đến 300 khối gỗ quý, hết nhẵn lô hàng anh đặt mua từ Gia Lai.
2. Tháp 5 tầng mà phần rộng nhất của “miệng nơm” cũng chỉ 81m2 thoạt tiên cho cảm giác mong manh. Nhưng các kỹ sư trấn an ngay bằng giải pháp kỹ thuật từ khi làm đế móng, có khung kiền chữ nhật mạ kẽm để bỏ lọt thanh gỗ lớn, và ít nhất được kiểm nghiệm qua nhiều trận bão lớn dù tháp dựng khá gần bờ biển.
Tháp của Vĩnh không chỉ đáng quan tâm ở kết cấu. Anh nghiền ngẫm nhiều khía cạnh khác nữa, cả phong thủy và những ký ức dân gian. Tháp nằm không xa luồng lạch sông phía tây, nơi lạch nước dẫn về phía nam sẽ gặp sông Đế Võng. Hôm tôi cùng Vĩnh leo lên các bậc thang gỗ xoắn ốc, người dân sống ven sông và đầm Trà Quế cũng vừa khép lại mùa nơm cá vui như hội…
Hình ảnh bắt cá dân dã đã đánh động Vĩnh với ý định dựng nên đôi tháp: một cao 5 tầng, một xấp xỉ 4 tầng. Cuối cùng, anh dồn sức cho một cụm 5 tầng. Thật thú vị khi hình mẫu tháp nơm này được gợi ý bởi dáng dấp “ụ rơm” mà kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa và cộng sự từng diễn đạt qua công trình đoạt giải cao nhất của giải thưởng Hội Kiến trúc sư châu Á (Arcasia Awards) hồi năm 2007 - 2008: quán cà phê Gió và nước ở Bình Dương. Bởi ban đầu Vĩnh cũng định chọn chất liệu tre. “Nhưng với tháp cao đến 5 tầng thì chất liệu tre không đáp ứng nổi. Tuổi thọ” cũng sẽ ngắn, chỉ chừng 5 - 7 năm” - Vĩnh lý giải nguyên do chọn gỗ.
Tại sao lại là tháp nơm 5 tầng? Lại lấy cảm xúc từ một công trình kiến trúc khác ở phía bắc. Đấy là ngôi nhà 5 tầng ở Hà Tĩnh, cao 20 mét, được dựng từ gỗ sao xanh. Vĩnh cũng muốn dựng một ngôi nhà thuần Việt cao như thế, nhưng nhận ra loại hình kiến trúc đã được dựng nhiều ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… Vậy là anh quay về với hình dáng chiếc nơm, vừa có thể thỏa mãn niềm yêu thích của mình về công trình nhà 5 tầng nhưng chuyên chở trọn vẹn hồn Việt, văn hóa Việt.
Bây giờ, Lê Văn Vĩnh đủ tự tin để giới thiệu câu chuyện tháp nơm với cộng đồng. Như những gì mà người ta vừa lướt qua với clip dài khoảng 1,5 phút, dưới góc máy flycam trông ngọn tháp sinh động hẳn. Hoặc biết đến với những dòng giới thiệu sơ lược về tháp được truyền cảm hứng từ hình ảnh một dụng cụ bắt cá truyền thống của người Việt có sự kết hợp hài hòa giữa nét đẹp truyền thống và nét tinh túy của kiến trúc đương đại, “công trình bằng gỗ 5 tầng cao nhất và độc đáo nhất tại Việt Nam”.
Bên trong tháp nơm, Lê Văn Vĩnh định đặt vào đấy những sản phẩm trưng bày cao cấp gồm trầm hương, đá quý, gỗ quý. Đấy là lý do có lần anh gọi là “tháp trầm hương”. Dưới dãy nhà gỗ phía trước và dựng bao bọc sau lưng, anh muốn quy tụ dòng sản phẩm đến từ làng nghề đúc đồng Phước Kiều, gốm Hạ, gốm Minh Long, gỗ Âu Lạc, áo dài Sỹ Hoàng… Thêm một cuộc chơi mới để quảng bá hình ảnh các làng nghề truyền thống, nhất là với làng nghề xứ Quảng.
...
Cách đó khoảng 9 cây số, có ngôi nhà sinh thái lợp bằng gáo dừa cũng do chính tay Lê Văn Vĩnh dựng nên. “Chiếc nón” ấy góp nên kỷ lục Việt Nam thứ 6 tại quần thể kiến trúc này, cùng với nhà tranh tre truyền thống, hồ khảm sành, bảo tàng kiến trúc, nhà cổ nhiều cột nhất, đĩa bê thui lớn nhất, chưa kể kỷ lục châu Á cho tô mì Quảng. Tất cả gợi nên hình ảnh dân dã trong trường liên tưởng: nón và nơm.
Buổi chiều, khi tôi chạy dọc theo tuyến đường du lịch, tâm trí cứ mường tượng ra chiếc nơm gỗ cao vót kia như vừa bị người khổng lồ nào đó rời hội làng ven sông rồi lơ đễnh bỏ quên…
HỨA XUYÊN HUỲNH