Điểm nhấn mùa Nobel 2018
Mùa giải Nobel 2018 chính thức khép lại với những công trình đột phá đang được dư luận quan tâm.
Công trình nghiên cứu của hai nhà khoa học: James P. Allison (trái) Tasuku Honjo mang lại đột phá chưa từng có trong điều trị ung thư. Ảnh: Rtve.es |
Vinh danh các công trình giàu tính thực tiễn
Sau 55 năm, thế giới lần đầu tiên có nhà khoa học nữ được vinh danh với giải Nobel Vật lý 2018: Donna Strickland người Canada. Bà đồng sở hữu giải thưởng danh giá này cùng hai nhà khoa học: Arthur Ashkin (Mỹ) và Gerard Mourou (Pháp). Họ đã mở ra một kỷ nguyên mới cho ngành vật lý laser, với nhiều ứng dụng trong công nghiệp và y tế. Thủ tướng Canada Justin Trudeau viết, bà Strickland đã truyền cảm hứng cho nữ giới mơ ước không giới hạn và theo đuổi sự nghiệp mà họ lựa chọn.
Giải Nobel Hóa học năm nay cũng bao gồm công trình nghiên cứu trong việc ứng dụng điều trị y khoa. Ba nhà khoa học: Frances Arnold và George Smith (Mỹ), Gregory Winter (Anh) mở đường cho việc sản xuất các vật liệu mới, nhiên liệu sinh học sạch, điều trị bệnh. Trong đó, phương pháp “phage display” của ông Smith được sử dụng để tạo ra các kháng thể có thể giúp làm vô hiệu hóa độc tố, chống lại các bệnh tự miễn dịch và chữa trị ung thư đã di căn. Bà Frances Arnold cũng là phụ nữ thứ năm được trao Nobel Hóa học trong lịch sử của giải thưởng, tiếp sức cho nữ giới tham gia nghiên cứu khoa học.
Giải Nobel Hòa bình 2018 dành tặng hành trình phi thường của cô Nadia Murua Basee (25 tuổi) người Iraq, một nô lệ tình dục. Nếu phần lớn nạn nhân này chấp nhận những điều mặc định của xã hội phải giữ im lặng và xấu hổ, Nadia Murua Basee đã can đảm đứng lên thay cho tiếng nói của các nạn nhân, đòi công lý. Cùng với bác sĩ Denis Muckwege người Congo, họ là những người đi đầu phong trào #MeToo chống lạm dụng tình dục đang lan rộng khắp thế giới.
Hai nhà khoa học người Mỹ William Nordhaus và Paul Romer được Nobel Kinh tế 2018 gọi tên với nghiên cứu tiên phong về mối liên hệ chặt chẽ giữa các hoạt động kinh tế và khí hậu, môi trường. Trong lúc, Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu công bố bản báo cáo, khuyến cáo thế giới hành động nhanh hơn, nếu không muốn đối mặt với viễn cảnh tồi tệ khi nhiệt độ trái đất có thể tăng 1,5°C trong giai đoạn 2030 - 2052, so với thời tiền công nghiệp.
Hy vọng lớn cho bệnh nhân ung thư
Ung thư, căn bệnh nguy hiểm cướp đi sinh mạng của hàng triệu người trên thế giới mỗi năm. Khuyến cáo năm nay gần 10 triệu ca tử vong vì các căn bệnh liên quan đến ung thư. Ung thư trở thành “sát thủ” đáng sợ với thế giới bởi những căn bệnh quái ác không có thuốc chữa. Tại Việt Nam có hơn 100.000 người chết vì ung thư mỗi năm và số người mắc bệnh ung thư tại nước ta vẫn tiếp tục tăng nhanh.
Bởi vậy, không chỉ riêng tại Việt Nam, nhiều bệnh nhân mắc ung thư trên thế giới đang kỳ vọng vào liệu pháp điều trị ung thư mới - công trình được trao giải Nobel Y học 2018 của GS. James P. Allison (Mỹ) và đồng nghiệp Tasuku Honjo (Nhật Bản). Loại thuốc mới hay liệu pháp miễn dịch này vốn được thử nghiệm tại nhiều bệnh viện Việt Nam như Bệnh viện K, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Ung bướu TP.Hồ Chí Minh từ cuối năm 2017.
Thông tin về các loại thuốc điều trị ung thư ra đời từ công trình nghiên cứu đoạt giải Nobel Y học 2018, TS-BS. Đào Văn Tú, Phụ trách Trung tâm nghiên cứu lâm sàng Viện ung thư quốc gia, Bệnh viện K cho hay, hiện chưa có kết quả đánh giá chung, nhưng trên từng bệnh nhân cho thấy, tình trạng được cải thiện, khối u không còn bị di căn. Giáo sư đoạt giải Nobel Y học 2018 Tasuku Honjo cho biết, ông sẽ tiếp tục nghiên cứu để chữa trị cho thật nhiều người, càng nhiều càng tốt.
QUỐC HƯNG