Khu Bảo Tồn Biển Cù lao Chàm: Báo động khai thác hải sản trái phép
Tình trạng khai thác hải sản trái phép trong Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm - Hội An diễn ra với tần suất ngày càng tăng. Việc điều chỉnh phân vùng chức năng, mở rộng vùng bảo vệ nghiêm ngặt để bảo vệ các hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển, nguồn lợi hải sản và môi trường tại Cù Lao Chàm là vô cùng cấp thiết.
Mở rộng vùng bảo vệ nghiêm ngặt để bảo tồn đa dạng sinh học. Ảnh: Q.HẢI |
VẬT LỘN TRÊN BIỂN
Lực lượng chức năng đã phải “vật lộn” trên biển để xử lý hàng loạt trường hợp khai thác hải sản trái phép trong Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm diễn ra mỗi ngày.
Chống đối
Khoảng 10 giờ đêm, chúng tôi theo lực lượng tuần tra của Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm lên tàu hướng thôn Bãi Hương (xã đảo Tân Hiệp). Trên máy bộ đàm, Tổ tuần tra cộng đồng thôn Bãi Hương cho biết có một tàu làm nghề lưới vây đang đánh bắt trái phép gần Hòn Tai, nằm trong vùng bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn biển, gồm các điểm Đá Đen, Mũi Cạy, Hục Thùng.
Tàu QNa-05475TS đánh bắt trái phép trong Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm. |
Bươn ra chừng 20 phút, chúng tôi đã nhìn thấy hàng chục chiếc đèn của tàu đánh bắt hắt sáng cả một vùng. Nhác thấy ca nô của đội tuần tra, đèn vụt tắt, bóng đêm trùm xuống mặt biển mênh mông. Vài phút tiếp cận tàu QNa-05475TS, mọi thứ diễn ra hấp tấp. Sóng nhấp nhô và con tàu nghiêng hẳn về một bên do 10 bạn nghề trên tàu cố kéo nhanh mẻ lưới lên. Qua ánh đèn pin của lực lượng tuần tra, bầy cá mắc lưới quẫy mạnh đến mức phát sáng trắng. Tiếng loa tay “yêu cầu tàu đánh bắt ngừng mọi hoạt động để chúng tôi thực hiện chức trách!” như sợi dây neo giữ chiếc ca nô tuần tra nhỏ xíu với chiếc tàu đánh bắt trái phép này. Năm cán bộ của tổ tuần tra, trong đó có 2 chiến sĩ biên phòng lên tàu QNa-05475TS yêu cầu chủ tàu xuất trình giấy tờ liên quan nhưng chủ tàu nói lẩy là “không có”. Sau một lúc, 8 thành viên của Tổ tuần tra cộng đồng thôn Bãi Hương cũng áp sát con tàu, yêu cầu thực hiện các thủ tục quy định khi đánh bắt trái phép trong vùng bảo vệ của khu bảo tồn biển nhưng vẫn không có sự hợp tác.
Chủ tàu khai thác bằng nghề lưới vây kết hợp ánh sáng này là ông Huỳnh Thanh Bích (trú huyện Thăng Bình) và 10 bạn nghề không tuân theo những quy định, chế tài của lực lượng tuần tra và còn có hành vi chống đối. Họ đã bỏ cả tàu và phương tiện nhảy xuống biển rồi lên thúng qua một tàu đánh bắt khác gần đó. Hai mươi phút sau, tất cả bạn nghề quay trở lại nhưng vẫn không thực hiện yêu cầu cho tàu chạy vào để tạm giữ. Trong tình hình đó, ông Mai Xinh - Đội trưởng đội tuần tra phải điện thoại xin tăng cường thêm lực lượng biên phòng. Chiếc ca nô nhanh chóng quay lại khu vực Bãi Làng để đón thêm 4 chiếc sĩ biên phòng ra hiện trường. Lúc đó, chủ tàu QNa-05475TS mới chấp nhận chịu lai dắt vào âu thuyền Cù Lao Chàm. Chúng tôi cùng quay trở lại điểm xuất phát thì đã gần 2 giờ sáng.
Ông Mai Xinh nói: “Chỉ trong hai tháng trở lại đây, tình hình vi phạm khai thác thủy hải sản trong Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm diễn ra khá thường xuyên và phức tạp, phải kể đến là trường hợp của các phương tiện có công suất lớn như lặn đêm, lưới vây… Trong đó, đặc biệt nghiêm trọng là trường hợp này và trường hợp của ông Phạm Quốc Hùng - chủ tàu QNa-00595TS, trú xã Tam Hải, Núi Thành, khi bị phát hiện đánh bắt trái phép đã bỏ các thiết bị lặn như dây lặn, ống thở để chạy trốn lực lượng chức năng. Theo số liệu của các đợt tuần tra trước thì ông Hùng đã vi phạm nhiều lần trước đó”.
Nhiều hình thức vi phạm
Từng là ngư dân nhiều năm bám biển, nhưng gần đây ông Nguyễn Văn Thạnh ở thôn Bãi Làng (xã đảo Tân Hiệp) đã cải hoán tàu của mình phục vụ du lịch. Một đêm, cùng đoàn du khách tham quan quanh khu vực Bãi Bấc, ông không khỏi phát hoảng vì chứng kiến cảnh đánh bắt “quá khủng khiếp” đang diễn ra. “Trời, cả ba chục chiếc tàu làm nghề lưới vây, vây quanh khu vực Bãi Bấc. Đây là nơi thường xuyên xảy ra mỗi đêm, bữa vài chiếc, bữa chục chiếc nhưng tập trung đánh cả ba chục chiếc từ Núi Thành ra như rứa là quá khủng khiếp” - ông Thạnh nói.
Có thể thấy, ngư dân các địa phương đã áp dụng bất kể phương thức nhằm lẫn tránh lực lượng chức năng. Nhiều đoàn tàu neo nghỉ ban ngày tại huyện Núi Thành, ban đêm mới ra vùng bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn biển để khai thác. Trong một buổi sáng, chúng tôi đã phát hiện cả chục chiếc tàu neo đậu, thậm chí ngay cả trong vùng biển gần với các đảo nhỏ ở Cù Lao Chàm. Các tàu này không chỉ của ngư dân trong tỉnh mà cả những tỉnh thành phía Nam. Chúng tôi có cuộc trao đổi nhanh ngay trên biển với ngư dân Phạm Hợp Kỳ Nguyên: “Anh từ đâu đến đây? - Em ở Bà Rịa - Vũng Tàu, chiếc ghe cũng ở từ trong đó ra. Răng không hành nghề trong đó mà ra tận đây? - Thì cũng nghe người trong này nói, gọi điện thoại về trong đó kêu ra đây làm đi, ở ngoài này thưa lắm. Anh làm nghề chi? - Thì cũng làm nghề giã cào của mình như trong quê luôn, ra đây phải chỉnh sửa từ từ theo kiểu cách ngoài này. Anh khai thác vùng nào? - Quanh quanh đảo đây cũng có, ra mặt ngoài đảo, có khi lên Đà Nẵng. Cá, mực cũng có nhưng số lượng ít, không bằng trong quê nhưng được cái là ở đây có du lịch nên giá cả cũng ổn định. Anh bán ở đâu ? - Thì đánh đây xong vô cầu Cửa Đại bán”.
Ngư dân trên vừa nói, tàu của anh từ Bà Rịa - Vũng Tàu ra vùng biển Cù Lao Chàm khai thác là “nghe người trong này điện thoại ra” để hành nghề. Như vậy, tình trạng ngư dân địa phương cấu kết với ngư dân các vùng khác để tổ chức khai thác trái phép là có thực. Theo lão ngư Dương Mạnh Tấn, thợ lặn ở thôn Cấm, xã Tân Hiệp (người có hơn 40 năm bám biển), nguồn lợi hải sản nơi đây đang ngày càng giảm sút vì bị khai thác quá mức, thậm chí bị khai thác đến cạn kiệt. “Tôi làm nghề biển hơn 40 năm rồi, trước kia làm nghề lặn, chuyển qua lưới, chừ làm nghề lặn. Nguồn lợi nói chung hiện nay giảm sút rất nhiều bởi vì lượng khai thác, đánh bắt từ các tỉnh bạn đến đây rất nhiều. Cái thì đánh bằng xung điện, con cá mô cũng nổ cả mắt mà trồi lên. Cái thì bắn, lặn làm giảm môi trường phát triển của các loài cá và các loài đặc sản dưới biển cạn kiệt” - ông Tấn, nói.
Thực tế, không chỉ mỗi một nghề lặn, tình trạng khai thác trái phép trong Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm bằng tất cả loại nghề trên biển như giã cào, pha xúc, cao áp, lưới vây, thả lưới, khai thác tôm hùm… trong vùng cấm và cả trong mùa cấm. “Lực lượng bảo vệ của khu bảo tồn biển còn quá mỏng, chia phiên đi kiểm tra không chỉ chuyện đánh bắt mà còn hoạt động du lịch nữa. Kiểm tra đánh bắt trái phép thì chủ yếu ban đêm, mà bảo vệ đi đầu ni thì ngư dân điện thoại cho nhau vô đầu kia đánh bắt. Cứ tự nhiên rứa thôi!” - ngư dân Dương Mạnh Tấn (thôn Cấm, xã đảo Tân Hiệp) chua xót nói.
Từ đầu năm đến nay, Phòng tuần tra, kiểm soát của Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã phối hợp với lực lượng Công an xã Tân Hiệp và lực lượng Biên phòng Cù Lao Chàm triển khai hơn 150 lượt tuần tra, tăng hơn gấp đôi lượt tuần tra so với cùng kỳ năm ngoái. “Số lượt tuần tra tăng gấp đôi vì việc đánh bắt trái phép trong khu bảo tồn biển diễn ra hàng đêm. Chúng tôi đã phải “vật lộn” trên biển nhưng vụ việc không giảm đi do hải sản đánh bắt ở đây chủ yếu là để phục vụ du lịch, bán được giá” - ông Mai Xinh cho biết thêm.
Theo thống kê, 6 tháng đầu năm, Phòng tuần tra, kiểm soát đã phát hiện 21 trường hợp vi phạm, chủ yếu là khai thác bằng nghề giã cào (6 trường hợp), 17 trường hợp lặn trong vùng cấm, 9 trường hợp khai thác bằng lưới vây, 6 trường hợp thả lưới trong vùng cấm, 3 trường hợp khai thác tôm hùm trong mùa cấm… Đáng lưu ý là số lượt vi phạm của ngư dân xã đảo Tân Hiệp cũng có dấu hiệu tăng. Hiện hoạt động khai thác và mua bán trai tai tượng, bàn mai cũng xuất hiện trở lại trong khu bảo tồn biển nhằm phục vụ nhu cầu ăn uống của người dân và du khách trong mùa du lịch cao điểm. Đây là hai trong những đối tượng mục tiêu cần bảo vệ và đã được đưa vào danh sách những loài cấm khai thác, đánh bắt trên đảo.
PHÂN VÙNG BẢO TỒN KHÔNG CÒN PHÙ HỢP
Phân vùng Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm được thực hiện từ năm 2005 nhưng đến nay không còn phù hợp.
Bảy tàu hành nghề lặn đến từ Núi Thành neo đậu trong khu bảo tồn biển. |
Sáng sớm, chúng tôi lên thuyền của ngư dân Phạm Viết Trung ở xã Tam Hải (Núi Thành) đang neo đậu dưới khu vực Hòn Chồng, Cù Lao Chàm. Dù khá mệt sau một đêm lao động nhưng anh vẫn sẵn sàng trả lời những câu hỏi của chúng tôi. “Anh có biết ở đây là khu bảo tồn không? - Biết chứ, mình làm ngoài ni phải am hiểu ngoài ni chứ, quy định là chỉ khai thác ở những nơi không có bù (phao phân vùng), còn vô khu vực cấm là cấm dưới mọi hình thức. Trong Tam Hải ra đây có nhiều phương tiện như anh không? - Bữa ni hàng vắng chứ mấy bữa mười mấy chiếc”.
Còn với ngư dân Lê Văn Tâm ở phường Cửa Đại, ông nắm rất rõ những quy định về vùng bảo vệ nghiêm ngặt của Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm. “Cách bờ ra khoảng 10 hải lý, cách Cù Lao Chàm ra cũng khoảng 5 đến 10 hải lý. Khai thác thì cách bờ ra khoảng 5 đến 10 hải lý chớ còn khai thác gần bờ quá, nhiều quá thì hắn cạn kiệt” - ông Tâm nói. Theo ngư dân Trần Phú ở thôn Cấm, một khi ngăn chặn được tình trạng đánh bắt trái phép của ngư dân các huyện trong tỉnh thì bà con Cù Lao Chàm sẽ ủng hộ việc điều chỉnh phân vùng chức năng của Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm. “Nếu mà bảo tồn có khoanh vùng thêm đi nữa thì phải cấm hẳn không cho ai lên đây khai thác, lúc đó, người dân chắc chắn sẽ đồng tình với bảo tồn biển để khoanh vùng thêm, mở rộng vùng quản lý”.
Với diện tích 23.500ha (tương đương 235km2), khu bảo tồn biển được phân thành các vùng bảo vệ và đã tiến hành cắm phao phân vùng để phục hồi và phát triển. Quy chế quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm ban hành kèm theo Quyết định số 88/2005/QĐ-UBND do UBND tỉnh ban hành ngày 20.12.2005 của UBND tỉnh ghi rõ: “Vùng bảo vệ nghiêm ngặt (vùng lõi) là vùng có hệ sinh thái rạn san hô và đa dạng sinh học biển được bảo toàn nguyên vẹn, được quản lý và bảo vệ chặt chẽ, hạn chế tối đa ảnh hưởng tiêu cực đến sinh cảnh, tạo điều kiện cho việc nghiên cứu khoa học và giáo dục đào tạo. Vùng bảo vệ nghiêm ngặt được giới hạn bởi đường bờ tính từ mực thủy triều thấp nhất chân các đảo ra phía biển đến đường giới hạn bởi các điểm ứng với từng khu vực cụ thể”.
Trong đó, vùng bảo vệ nghiêm ngặt tại Hòn Lao có 5 khu vực bao gồm cả đảo và mặt nước biển tại Bãi Tra, Bãi Nần, Rạn Mè, Mũi Thờ, Bãi Núc, Mũi Kỳ Lân, Mũi Đá Xéo và Hục Đá Trắng, giới hạn bởi đường thẳng nối điểm cắm phao RL15 với 2 vách bờ đảo 2 bên bằng đường thẳng song song với đường vĩ tuyến… Tại khu vực Hòn Tai gồm các vùng Đá Đen, Mũi Cạy, Hục Thùng… Bà Trần Thị Hồng Thúy - Giám đốc Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho biết, phân vùng khu bảo tồn được thực hiện từ năm 2005, bối cảnh Cù Lao Chàm khi đó rất khó khăn với 90% người dân sống phụ thuộc vào khai thác thủy sản, phương tiện khai thác nhỏ nên chủ yếu hoạt động ven đảo hoặc trên các rạn san hô và người dân không có cơ hội để phát triển sinh kế ngoài khai thác hải sản. Tuy nhiên, bối cảnh Cù Lao Chàm hiện nay đã rất khác. Đời sống văn hóa tinh thần và kinh tế đã nâng cao đáng kể. Cùng với nhiều sinh kế mới, đặc biệt là các dịch vụ du lịch, người dân không còn phụ thuộc nhiều vào hoạt động khai thác hải sản. “Trước đây người dân khai thác hải sản được xem như nguồn sinh kế chính, còn bây giờ việc bảo vệ môi trường, nguồn lợi hải sản là động lực để Cù Lao Chàm phát triển kinh tế du lịch bền vững. Chính vì thế, chúng tôi đang đề xuất những giải pháp trước mắt và cả lâu dài, hướng tới bảo vệ tốt hơn các hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển, tiến đến bảo vệ các nguồn lợi hải sản cũng như môi trường tại Cù Lao Chàm, tạo động lực để Cù Lao Chàm phát triển hơn nữa theo hướng thân thiện với thiên nhiên, tôn trọng thiên nhiên để phát triển” - bà Trần Thị Hồng Thúy nói.
GIẢI PHÁP BỀN VỮNG
Điều chỉnh các vùng chức năng của Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, đặc biệt là mở rộng vùng bảo vệ nghiêm ngặt và xây dựng các loại hình du lịch thân thiện với môi trường, du lịch sinh thái sử dụng hợp lý tài nguyên được xem là giải pháp bền vững.
Khai thác bền vững để bảo tồn nguồn lợi hải sản. |
Sinh kế mới
Mỗi ngày, cụm đảo Cù Lao Chàm với 7 hòn đảo nhỏ đón hàng nghìn du khách đến tham quan, khám phá và nghỉ dưỡng. Cùng với ngành khai thác thủy sản, các dịch vụ du lịch phát triển mạnh mẽ đã góp phần thay đổi toàn diện nơi “đầu sóng ngọn gió” này.
Đến với Cù Lao Chàm, chị Ngô Thị Kim Cúc, du khách đến từ TP.Hồ Chí Minh cho biết: “Lần đầu tiên đi tàu ra Cù Lao Chàm thấy không khí rất trong lành, cảm giác giống như mình đang ở chỗ cực kỳ thoải mái. Lên đây nghe hướng dẫn viên giới thiệu ăn vú nàng, nghe câu thơ cũng hay, ăn ngon và ngọt. Giá cả không mắc lắm”. Còn ông Trần Văn Phước ở tổ 2, thôn Cấm, xã Tân Hiệp, người trước đây làm nghề biển nhưng bây giờ đã chuyển sang buôn bán hàng hải sản cho khách du lịch tại Cù Lao Chàm thì chia sẻ: “Du lịch phát triển hơn nên mình nghỉ nghề lặn làm du lịch. Nguồn hải sản mua từ mấy người lặn ở đây luôn. Mình thu mua về bán lại. Khách ra đông mà, họ mua ăn nhiều quá thì phải hết thôi!”.
Chuyện của ngư dân Hồ Thương ở tổ 3, thôn Bãi Làng, xã Tân Hiệp cũng rất đáng quan tâm. Trước đây ông hành nghề đánh bắt xa bờ, sau đó về đánh bắt gần bờ nhưng thu nhập bấp bênh. Sau khi khu bảo tồn biển được thành lập, một chương trình phát triển cộng đồng của Đan Mạch đã hỗ trợ ông 1.500USD (khoảng 30 triệu đồng) để cải hoán tàu đánh cá của mình thành thuyền du lịch đầu tiên trên đảo. Giờ đây, gia đình kinh doanh homestay, cuộc sống ổn định, ông còn tham gia Đội cộng đồng chung tay bảo tồn biển. Ông Thương nói: “Trước đây tôi nghĩ tương lai xã đảo mình sẽ chuyển mình thay đổi, từ đó tôi quyết định dần chuyển đổi kinh tế. Năm đầu khách ít, năm sau lên lần lần rồi đến bây giờ không riêng cho tôi mà trên hòn đảo này ai cũng có được đồng ra đồng vào. Mà muốn làm ăn lâu dài thì phải giữ nguồn hải sản, rạn san hô dưới biển. Mất một rạn san hô thì năm mười năm sau biết có phục hồi lại được không. Lúc đó mình lấy chi làm du lịch?”.
Điều chỉnh phân vùng
Ông Nguyễn Văn Vũ - Trưởng phòng Nghiên cứu và hợp tác quốc tế của Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho biết, nhiều năm qua, với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, trong nước cùng tỉnh và thành phố, Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã triển khai nhiều biện pháp để thực hiện chức năng quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững. Ban quản lý đang có kế hoạch đề xuất với tỉnh nhằm điều chỉnh mở rộng phân vùng, đặc biệt là vùng bảo vệ nghiêm ngặt. Cùng với đó, các loại hình du lịch thân thiện đang được chú trọng như hỗ trợ sản xuất lá lao, hàng lưu niệm, phát triển du lịch sinh thái... Mô hình chuyển đổi của ông Hồ Thương là một ví dụ. Hiện nay, bên cạnh việc truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng, tăng cường tuần tra xử lý những trường hợp khai thác hải sản vi phạm quy định phân vùng, Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đang xây dựng lại hệ thống văn bản pháp luật để xử lý các trường hợp cố tình vi phạm. Cùng với đó, một hệ thống truyền thông kết nối giữa cộng đồng với lực lượng tuần tra cũng đang được thiết lập để phản ứng nhanh trên biển.
Ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An - cố vấn Ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An cho rằng, đối với Cù Lao Chàm phải biết sử dụng tài nguyên một cách khôn ngoan để có thể phát triển bền vững hơn nữa. Việc khai thác hải sản quá mức, khai thác cạn kiệt nguồn lợi để phục vụ du khách hiện nay là không khôn ngoan và đang phá vỡ đi động lực phát triển Cù Lao Chàm. Do đó, việc điều chỉnh các vùng chức năng là rất quan trọng và cần thiết, tạo động lực để Cù Lao Chàm phát triển hơn theo hướng thân thiện với thiên nhiên, tôn trọng thiên nhiên để phát triển. “Muốn phát triển bền vững không có cách nào khác là phải dựa vào thiên nhiên, tôn trọng thiên nhiên để phát triển. Tôi ủng hộ việc điều chỉnh phân vùng chức năng theo hướng mở rộng vùng bảo vệ nghiêm ngặt cho phù hợp với điều kiện hiện nay. Nhưng phạm vi nào, nơi nào thì cần phải nghiên cứu một cách thấu đáo, mở rộng thì người dân được hưởng lợi cái gì phải được nghiên cứu kỹ” - ông Nguyễn Sự nói.
QUỐC HẢI