Nhiệt độ trái đất có thể tăng thêm 1,5 độ C
(QNO) - Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) vừa thông báo khuyến cáo hậu quả nghiêm trọng nếu nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 1,5 độ C trong giai đoạn 2030 - 2052.
Các nhà khoa học cho biết trái đất đang nóng dần lên. Ảnh: wyomingpublicmedia |
Cảnh báo thảm họa
Ngày 8.10, tại cuộc họp diễn ra ở Hàn Quốc, IPCC khuyến cáo, nếu thế giới không hành động nhanh hơn để kiềm chế nhiệt độ trái đất tăng thêm thì sẽ dẫn đến nhiều hậu quả.
Cụ thể, với nhiệt độ vào khoảng 1,5 - 2,0 độ C, có thể gây ra những bất ổn trong băng ở Nam Cực hoặc diễn ra tan chảy ở các thềm băng tại Greenland - nơi có lượng băng đá lớn và đóng vai trò quan trọng trong quá trình dâng cao của nước biển. Kết quả có thể là mực nước biển dâng cao gần 2m và kéo dài hàng trăm đến hàng nghìn năm, nhấn chìm các khu vực ven biển, nhiều thành phố.
Từ 70 đến 90% các rạn san hô sẽ bị phá hủy với nhiệt độ trái đất là 1,5 độ C, nhưng hơn 99% các rạn san hô sẽ bị biến mất với 2 độ C.
Tần suất của một đại dương Bắc Cực không có băng trong mùa hè sẽ tăng khoảng một lần mỗi thế kỷ với 1,5 độ C đến một lần chỉ trong một thập kỷ với nhiệt độ 2 độ C. Thiên tai như hạn hán, lũ lụt xảy ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn mà con người phải đối mặt.
Nhiệt độ tăng 1,5 độ C sẽ gây thiệt hại sản lượng và làm giảm chất lượng dinh dưỡng của một số loại cây lương thực.
Chung tay hành động khẩn cấp
Năm 2015 tại Paris, Pháp, 197 quốc gia tham gia nhất trí kiềm chế mức tăng nhiệt độ trên toàn cầu không quá 2 độ C so với nhiệt độ của thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp (vào khoảng những năm 1850). Nhưng theo các nhà khoa học, nếu nhiết độ toàn cầu tăng vượt ngưỡng 1,5 độ C, nhiều thảm họa tồi tệ sẽ xảy ra.
Phát triển rừng - một trong những biện pháp giảm phát thải khí nhà kính. Ảnh: GettyImage |
Để duy trì được mức không tăng quá 1,5 độ C, lượng phát thải khí CO2 sẽ phải giảm 45% từ giờ đến năm 2030 và tiếp tục phải giảm về bằng không đến năm 2050. Việc này sẽ cần đến nhiều thay đổi trên quy mô chưa từng trong tất cả các lĩnh vực năng lượng, công nghiệp, xây dựng, giao thông và đô thị.
Như năng lượng tái tạo phải chiếm 85% lượng điện toàn cầu. Tiêu thụ than đá phải giảm xuống mức gần 0%. Và thế giới sẽ phải dành tới 7 triệu kilomet vuông đất để trồng hoa màu phục vụ sản xuất nhiên liệu sinh học.
IPCC cho biết cần có những công nghệ mới giúp thu giữ lượng khí CO2 dư thừa trong bầu khí quyển. Các chuyên gia của ủy ban này kêu gọi một bước đột phá và yêu cầu các chính trị gia thể hiện trách nhiệm để ngăn chặn một thảm họa khí hậu có thể gây ra hàng trăm triệu nạn nhân
NAM VIỆT