Nhặt từ bãi rác
Chuyện ở Đà Nẵng, mà có thể đang xảy ra ở bất cứ địa phương nào, bất cứ lĩnh vực nào chứ không chỉ là “bãi rác”.
Một lần nữa, bãi rác Khánh Sơn lại nóng lên mặt báo. Cư dân quanh bãi rác phản đối, kêu van, chịu đựng vì ô nhiễm (đã kéo dài gần 30 năm). Và quan chức chính quyền thị sát, hứa hẹn…
Xin bỏ qua đi, những cật vấn về tầm nhìn, về quy hoạch, về các kế hoạch, về những hành động để giải quyết một vấn đề căn bản của một đô thị lớn: năng lực xử lý rác thải sinh hoạt. Cũng xin bỏ qua những đòi hỏi khảo sát hậu quả của tình trạng ô nhiễm trên sức khỏe của cư dân, những biện pháp thiết thực để bảo vệ dân cư, những đền bù và cam kết…
Chỉ xin nhìn thấu vào một điều. Chính là điều căn cốt sẽ “tháo gỡ” rốt ráo những nan đề nêu trên: ý thức về bổn phận của quan chức chính quyền trước một vấn đề dân sinh.
Nếu tìm lại tất cả bài báo từng đề cập bãi rác Khánh Sơn trong hàng chục năm qua, ngoài cái tên các vị lãnh đạo thành phố, thì câu chuyện được viết lại gần như y hệt. Dường như chung một công thức: vị lãnh đạo đi thị sát, đối thoại với dân, phát biểu những câu thông cảm, hứa hẹn…, rồi mọi chuyện đóng băng lại đó để chờ vị lãnh đạo khác đến, và lại điệp khúc cũ.
Đó không phải là cách thức vận hành của một hệ thống công vụ. Những thứ gọi là “vướng mắc” không thể cứ tồn tại như một khách quan không thể thay đổi hết nhiệm kỳ này đến nhiệm kỳ khác, nhất là chuyện ảnh hưởng trực tiếp, hàng ngày vào đời sống của người dân như vậy. Vấn đề là sự “vô can” giống nhau trong ý thức của những người có trách nhiệm.
Chúng ta thường nghe câu “cơ chế không cho phép” để phủi bỏ những trách nhiệm cụ thể. Thực ra, không có cơ chế nào đặt ra để hành hạ con người ta hết, và nếu có thì đó là một cơ chế lạc hậu.
Trở lại bãi rác Khánh Sơn, chẳng hạn trong số các vị lãnh đạo từng đến đó, có một vị từng nghĩ khác đi một chút, mọi sự hẳn đã khác. Giả dụ vị ấy đặt mình vào vị trí người dân khi ngửi mùi rác thối, vị ấy nhìn cái bãi rác tràn lan khỏi những dự báo, quy hoạch và nhận thức đây chính là chức phận của mình, vị ấy cảm thấy hổ thẹn khi ô nhiễm cứ phủ lên người dân hàng năm trời như thế… Tóm lại là vị ấy thực sự có quyết tâm phải “dứt điểm nó” thì cái bãi rác kia dù có thể không “dứt điểm” ngay, những hệ lụy của nó cũng không đến nỗi ngày càng bành trướng và trêu ngươi mãi vậy.
Làm sao để mỗi vị quan chức (và công chức nói chung) khi bước vào công sở, nhận thức rằng đây là tòa nhà xây bằng thuế của dân. Mỗi tháng nhận lương, nhớ rằng đây là tiền của dân trả cho sự phục vụ của mình. Mỗi biểu hiện quan liêu, tắc trách phải bị phán xét ngay từ trong đáy lòng mỗi người chứ không phải đợi những chế tài của pháp luật, quy chế… Có lẽ để trả lời cái ước mơ vu khoát kia, các quan chức sẽ nói: cơ chế không đòi hỏi/ cho phép chúng tôi tự vấn, chăng?
C.B.L