Hợp tác Mekong - Nhật Bản: Tăng cường kết nối khu vực

QUỐC HƯNG 09/10/2018 07:23

(QNO) - Hội nghị Cấp cao hợp tác Mekong - Nhật Bản lần thứ 10 diễn ra tại Tokyo, Nhật Bản nhằm thảo luận và thông qua một chiến lược hợp tác mới, phù hợp hơn với tình hình trong khu vực và toàn cầu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (trái) trong chuyến thăm Nhật Bản và tham dự hội nghị Cấp cao hợp tác Mekong - Nhật Bản do Thủ tướng Shinzo Abe (phải) chủ trì. Ảnh: Reuters
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (trái) trong chuyến thăm Nhật Bản và tham dự hội nghị Cấp cao hợp tác Mekong - Nhật Bản do Thủ tướng Shinzo Abe (phải) chủ trì. Ảnh: Reuters

Hội nghị diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, với sự tham gia của lãnh đạo 5 nước thuộc khu vực tiểu vùng Mekong bao gồm Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar và Việt Nam.

Chánh Văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết, Nhật Bản mong muốn thông qua hội nghị sẽ tăng cường hợp tác của Nhật Bản với các nước tiểu vùng Mekong, thực hiện mục tiêu xây dựng một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở.

Hãng tin Kyodo dẫn lời các quan chức Nhật Bản cho biết việc tăng cường hợp tác, thúc đẩy hội nhập của khu vực sông Mekong là một ưu tiên đối với Nhật Bản do khu vực này có vị trí quan trọng chiến lược - nằm giữa Ấn Độ và Trung Quốc và nhìn ra Biển Đông - trong bối cảnh Bắc Kinh đang gia tăng ảnh hưởng trong khu vực.

Bên cạnh nhìn lại cả về khó khăn, thách thức và kết quả nổi bật đạt được trong quá trình 10 năm hợp tác Mekong - Nhật Bản, hội nghị lần này được kỳ vọng sẽ tạo một dấu mốc mới trong hợp tác Mekong - Nhật Bản. Hội nghị sẽ thông qua kế hoạch mới: Chiến lược Tokyo vì hợp tác Mekong - Nhật Bản, định hướng cho hợp tác Mekong - Nhật Bản giai đoạn 2019 - 2021, thay cho Chiến lược Tokyo mới năm 2015.

Kế hoạch mới chú trọng đến 3 điểm hợp tác chính: kết nối, con người và môi trường sẽ được thiết lập. Qua đó góp phần vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng cho khu vực và hơn thế nữa.

Tại hội nghị cấp cao Mekong-Nhật Bản sáng ngày 9.10 ở Tokyo. Ảnh: Kyodo
Tại hội nghị cấp cao Mekong - Nhật Bản sáng ngày 9.10 ở Tokyo. Ảnh: Kyodo

Theo tờ nhật báo Mainichi của Nhật Bản, để đảm bảo khả năng kết nối năng động và hiệu quả, lãnh đạo 5 nước khu vực Đông Nam Á (ASEAN) và Nhật Bản sẽ xúc tiến phát triển cơ sở hạ tầng có chất lượng thông qua việc “tăng cường kết nối hạ tầng cứng”, “kết nối hạ tầng mềm” và “kết nối ngành” trong vùng Mekong và ra ngoài khu vực.

Trong đó, yếu tố con người được chú trọng, đặc biệt là sự tham gia của phụ nữ, phát triển du lịch chất lượng theo “tiêu chuẩn Nhật Bản”, hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục và nhà nước pháp quyền, đối phó với thách thức biến đổi khí hậu, quản lý nguồn nước và giảm thiểu các nguy cơ thiên tai, giao lưu nhân dân.

Nhật Bản hiện triển khai chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và cởi mở, đồng thời tiếp tục tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và phát triển quyền tự do hàng hải, hàng không trong vùng Biển Đông. Trong cuộc gặp các nhà lãnh đạo tiểu vùng Mekong ở Tokyo cách đây 3 năm, Nhật Bản cam kết viện trợ trị giá 6,1 USD để hỗ trợ phát triển chính thức cho 5 nước Mekong trong 3 năm tới để thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng, ổn định của khu vực.

Hợp tác Mekong - Nhật Bản do Nhật Bản khởi xướng vào năm 2008, bao gồm 6 thành viên: Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và Nhật Bản. Mục tiêu là thúc đẩy hợp tác kinh tế và xã hội để tăng cường sự thịnh vượng của các nước vùng Mekong, giảm khoảng cách phát triển trong ASEAN và hỗ trợ phát triển Cộng đồng ASEAN.

Nằm ở vị trí cửa ngõ của khu vực Mekong, Việt Nam luôn coi trọng mối quan hệ hợp tác với các quốc gia tiểu vùng, nhất là cơ chế hợp tác Mekong - Nhật Bản. Ngay từ khi cơ chế hợp tác này được hình thành, Việt Nam đã thể hiện vai trò của một quốc gia có trách nhiệm, năng động và tích cực.

QUỐC HƯNG

QUỐC HƯNG