Lời giải "đoạn đường đen"

CÔNG TÚ 09/10/2018 07:15

Chủ trương cho phép nâng cấp, mở rộng đoạn tuyến ngã ba Đại Hiệp - ngã ba Hòa Đông chính là lời giải xóa “đoạn đường đen” trên tỉnh lộ (ĐT) 609B đã tồn tại bấy lâu nay.

Mặt cắt hẹp nhưng xe cộ lưu thông trên ĐT609B rất đông. Ảnh: C.T
Mặt cắt hẹp nhưng xe cộ lưu thông trên ĐT609B rất đông. Ảnh: C.T

Đoạn đường ám ảnh

Đoạn tuyến vừa nêu thuộc ĐT609B, có chiều dài khoảng 4,5km, qua địa phận huyện Đại Lộc. Điểm đầu tiếp giáp với quốc lộ (QL) 14B (xã Đại Hiệp), điểm cuối nằm tại ngã ba Hòa Đông (thị trấn Ái Nghĩa). Nguyên thủy mặt cắt rất chật hẹp, nhiều vị trí sở hữu bề rộng mặt đường chỉ chừng hơn 4m. Đóng vai trò kết nối ĐT609 và QL 14B đi ra TP.Đà Nẵng và ngược lại, cho nên xe cộ lưu thông đông đúc với hỗn hợp chủng loại phương tiện, giao thông vì thế mà mất an toàn. Có thời điểm, một ngày trên cung đường xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông gây chết người. Tháng 5.2013, dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi chính thức được khởi công xây dựng. Để chuyên chở nguyên vật liệu đến các gói thầu số 2 và 3A, chủ đầu tư và đơn vị thi công đã mượn đoạn tuyến ngã ba Đại Hiệp - ngã ba Hòa Đông nói riêng làm đường công vụ. Kể từ đây, mỗi ngày đêm có hàng chục nghìn lượt xe tải lưu thông khiến tình hình càng hỗn loạn. Cư dân ven tuyến phải chịu đựng cảnh ô nhiễm môi trường, ô nhiễm về tiếng ồn. Cùng với người đi đường, họ còn phải đối mặt với bao hiểm họa tai nạn giao thông luôn rình rập.

Giao thông trên đoạn tuyến vừa nêu lại thêm phần rối ren, sau khi dự án cầu Giao Thủy bắt đầu triển khai trên thực địa. Nhằm phục vụ cho 2 công trường lớn, đặc biệt là đường cao tốc, ô tô tải chở quá tải qua lại nườm nượp khiến nền sụt lún, mặt đường hư hỏng nặng nề. Thời điểm mưa kéo dài, một số đoạn bị ngập sâu trong nước. “Tai nạn xảy ra liên miên, ở nhiều vị trí khác nhau nên bà con chúng tôi đặt cho nó là “đoạn đường đen” - người dân cư trú tại thôn Phú Mỹ (xã Đại Hiệp) nói. Nhà nằm trên tuyến đường này nên ông Lê Viết Mậu (khu 4, thị trấn Ái Nghĩa) thấu hiểu nỗi bức xúc của người dân về vấn đề này. Đường sá xuống cấp trầm trọng nhưng không được sửa chữa kịp thời. Một số điểm qua trước chợ Đại Hiệp (xã Đại Hiệp), tổ 8 và tổ 6 của khu 4 (thị trấn Ái Nghĩa) có nền bị sụt lún rất nặng và ngập sâu lầy lội, người dân liên tục kêu cứu và báo chí lên tiếng mới được nâng cấp bằng bê tông xi măng. Bản thân ông Lê Viết Mậu thường xuyên mất ngủ. Nhiều đêm đang chợp mắt thì có tiếng va chạm, ông Mậu phải cùng xóm giềng ứng cứu nạn nhân bị té ngã. Mãi đến tháng 3.2017, nhà thầu cao tốc mới hoàn trả xong mặt đường bê tông nhựa.

Chủ trương hợp lòng dân

Vào đầu tháng 10.2018, UBND tỉnh thống nhất chủ trương cho phép Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh lập thủ tục bổ sung đầu tư đoạn tuyến từ ngã ba Hòa Đông đi QL 14B (km0+00 - km1+876,9) vào dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Giao Thủy. Kết nối ĐT609B, hướng tuyến đi thẳng qua Trường THCS Nguyễn Trãi (thị trấn Ái Nghĩa). Bề rộng nền đường 7,5m (mặt đường 5,5m; kết cấu mặt đường bằng bê tông xi măng dày 26cm cùng hệ thống thoát nước, an toàn giao thông và công trình phụ trợ.

Dự án cao tốc hoàn trả nguyên trạng theo cam kết, chính vì vậy mà chiều rộng bề mặt đường… đều hẹp nguyên trạng. Cũng vào tháng 3 năm trước, cầu Giao Thủy đưa vào sử dụng, kết nối thông suốt tuyến ĐT610 (nay là QL 14H) từ Nông Sơn, Duy Xuyên với ĐT609B, ĐT609 qua Đại Lộc ra Đà Nẵng và ngược lại. Xe chở đất cho cao tốc giảm, nhưng xe tải chở cát, nguyên vật liệu khác và xe du lịch, xe máy tăng lên. Độ vênh nhau giữa mặt đường và lề lớn, an toàn giao thông trên tuyến luôn ở tình trạng báo động. Do thiếu mương thoát nước và mái taluy chưa được kiên cố hóa, trận mưa lũ đầu tháng 11.2017 đã cuốn trôi khoảng gần 200m chiều dài bê tông nhựa. Không phải sau khi hoàn thành cầu Giao Thủy, mà trước đó dư luận đã từng lên tiếng cần phải nới rộng đoạn ngã ba Hòa Đông - ngã ba Đại Hiệp để “đón đầu” khớp nối hoàn chỉnh trục giao thông chiến lược phía tây bắc. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đại Hiệp - bà Nguyễn Thị Hồng chia sẻ, vào tháng 8 vừa qua, cử tri phản ánh đã thống nhất hiến đất làm đường, không bồi thường về đất, chỉ bồi thường công trình, vật kiến trúc trên đất để nâng cấp, mở rộng đoạn tuyến từ khá lâu rồi. Tuy nhiên, nhân dân chờ đợi mãi nên họ cần biết thời gian chính thức nào triển khai công trình.

Đầu tháng 10 này, UBND tỉnh thống nhất chủ trương cho phép Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh (chủ đầu tư) lập thủ tục bổ sung đầu tư đoạn tuyến từ ngã ba Hòa Đông đi ngã ba Đại Hiệp (km0+00 - km4+500) vào dự án xây dựng công trình cầu Giao Thủy. Hướng tuyến theo hướng tuyến đường hiện trạng; đường cấp IV đồng bằng theo TCVN 4054-2005. Trong đó, bề rộng nền đường đoạn qua khu dân cư là 10,8m (mặt đường 7m; gia cố lề hai bên rộng 2m; mương thoát nước rộng 0,9m mỗi bên); đoạn qua khu vực ruộng lúa, hoa màu, không có dân cư rộng 9m (mặt đường 7m; gia cố lề rộng 0,5m mỗi bên; lề đất mỗi bên rộng 0,5m). Trên mặt đường cũ được thảm tăng cường lớp bê tông nhựa dày 5cm… Công trình sử dụng nguồn vốn ngân sách đã bố trí cho dự án cầu Giao Thủy đến năm 2018 còn lại chưa sử dụng và phần vốn ngân sách trung ương trong kế hoạch trung hạn 2019 - 2020 bố trí cho dự án. Đón nhận thông tin trên, lãnh đạo huyện Đại Lộc phấn khởi chia sẻ, chủ trương của UBND tỉnh rất hợp lòng dân. Công trình hoàn thành sẽ xóa được nhiều “điểm đen” tai nạn đang tồn tại. Cử tri thì mong rằng, chủ đầu tư cần sớm hoàn thiện các thủ tục, nhất là công tác giải phóng mặt bằng để có công địa sạch triển khai dự án.

CÔNG TÚ

CÔNG TÚ