Kiến nghị nhiều cơ chế, chính sách giải quyết khó khăn trên các lĩnh vực
Sáng 8.10, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tổ chức cuộc làm việc với Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các ngành liên quan nhằm chuẩn bị nội dung cho Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Việt Cường và Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Thái Bình chủ trì; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Xuân Ca dự cuộc làm việc.
Tại cuộc làm việc, đại diện lãnh đạo các sở ngành đã nêu ra các khó khăn vướng mắc trong thực hiện chính sách pháp luật theo lĩnh vực phụ trách và kiến nghị, đề xuất hướng tháo gỡ. Liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, ông Trần Quang Hổ - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Nam cho biết, nợ xấu của chương trình cho vay đóng tàu theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7.7.2014 của Chính phủ trên địa bàn ngày càng tăng. Đến cuối tháng 8.2018, số nợ tăng lên gần 183,67 tỷ đồng (tăng 6,22 lần so với năm 2017). Nêu ra các nguyên nhân, ông Trần Quang Hổ cho rằng, để chính sách trên được triển khai hiệu quả, hạn chế nợ xấu gia tăng trong thời gian tới, ngoài sự nỗ lực của ngành ngân hàng cần có sự vào cuộc quyết liệt của các sở ngành, của UBND tỉnh. Trong đó, UBND tỉnh cần đề xuất Chính phủ có hướng dẫn cụ thể cơ chế chuyển đổi chủ tàu đối với các trường hợp không đủ năng lực hoạt động khai thác hải sản. Trường hợp chủ tàu có khả năng trả nợ vay nhưng cố tình chây ì, không trả nợ theo cam kết, cần kịp thời có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật. Cũng theo ông Trần Quang Hổ, nợ xấu được xác định theo Nghị quyết 42 của Quốc hội trên địa bàn tỉnh đến ngày 14.8.2018 là 2.948 tỷ đồng, tăng 943 tỷ đồng (tăng 47%) so với thời điểm nghị quyết có hiệu lực; do đó cần có sự hỗ trợ hơn nữa của Chính phủ và các ngành chức năng trong xử lý nợ xấu. Chính phủ đóng vai trò chỉ đạo và định hướng thống nhất cho các ngân hàng thương mại trong quá trình xử lý nợ xấu; hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động mua, bán nợ, về hình thành và phát triển thị trường mua, bán nợ...
Trong khi đó, ông Nguyễn Thùy - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH đề nghị cần có quy định hỗ trợ kinh phí xây dựng mộ Bà mẹ Việt Nam anh hùng, đồng thời bổ sung hướng dẫn và cấp kinh phí để gia đình có điều kiện sửa chữa, nâng cấp đối với mộ liệt sĩ do gia đình tự nguyện giữ lại quản lý tại nghĩa trang gia tộc nhưng đến nay đã hư hỏng, xuống cấp. Sửa đổi, bổ sung quy định người sử dụng lao động tại doanh nghiệp cổ phần hóa từ doanh nghiệp nhà nước khi chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động phải có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm cho người lao động chuyển đến làm việc tại doanh nghiệp trước ngày 1.1.1995. Theo đó, Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp khoản kinh phí để chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc trong thời gian người lao động làm việc tại khu vực nhà nước...
Đại diện lãnh đạo Sở Kế hoạch và đầu tư đề nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư sớm xây dựng, trình Chính phủ ban hành nghị định, các văn bản hướng dẫn quy định chi tiết thi hành Luật Quy hoạch và các nội dung liên quan. Đồng thời xem xét, sớm giao vốn kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và kế hoạch vốn 2018, cũng như tổng hợp kế hoạch vốn năm 2019 cho các dự án thuộc nguồn vốn Chương trình mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh tại Công văn số 730/TTg-NN ngày 26.5.2017 của Thủ tướng Chính phủ...
Ngoài trao đổi làm rõ thêm những nội dung được các đại biểu nêu ra tại cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, nợ xấu của Quảng Nam đối với chính sách của Nghị định 67 như vậy là khá cao. Các vấn đề liên quan đến việc thực hiện Nghị định 67 cần được đánh giá cụ thể, tìm ra những nguyên nhân dẫn đến nợ xấu, hoạt động kém hiệu quả của các chủ tàu. Từ đó, có những giải pháp tháo gỡ, triển khai thực hiện hiệu quả hơn, góp phần cụ thể hóa Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 8 (khóa XII) về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” để từng bước đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, dựa vào biển và hướng ra biển.
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Việt Cường đề nghị UBND tỉnh và các ngành liên quan theo thẩm quyền tiếp tục tập trung đôn đốc, chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vấn đề còn tồn tại, qua ghi nhận kiến nghị của cử tri. Đồng thời khẳng định, các nội dung phản ánh, kiến nghị về các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện các chính sách pháp luật sẽ được Đoàn ĐBQH tỉnh tổng hợp, chuyển đến các bộ ngành liên quan để được trả lời, giải quyết theo thẩm quyền...
* Chiều qua 8.10, Đoàn ĐBQH tỉnh gồm Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Thiếu tướng Nguyễn Đình Tiến - Phó Tư lệnh Quân khu 5; Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Thái Bình có buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề với lực lượng vũ trang tỉnh. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn và Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Hoàng Minh đến dự.
Đại diện Đoàn ĐBQH tỉnh báo cáo khái quát với cử tri về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và Quảng Nam nói riêng từ đầu năm đến nay; những nội dung quan trọng sẽ bàn thảo trong Kỳ họp thứ 6 - Quốc hội khóa XIV sắp tới và báo cáo một số nội dung trọng tâm của Luật Quốc phòng; Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đặc xá; Luật Cảnh sát biển Việt Nam.
Cử tri lực lượng vũ trang tỉnh kiến nghị cần tiếp tục tạo điều kiện ổn định về chỗ ở, đảm bảo các vấn đề giáo dục, y tế, an sinh xã hội cho thân nhân của chiến sĩ ở hậu phương, cũng như có chế độ chính sách phù hợp theo từng vùng miền. Đồng thời có hướng giải quyết dứt điểm một số dự án “treo” làm ảnh hưởng đến cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ địa phương. Các cử tri cũng đã tham gia đóng góp ý kiến liên quan đến các dự án luật trong lực lượng vũ trang.
NGUYÊN ĐOAN - ALĂNG NGƯỚC