Ứng dụng công nghệ thông tin kết nối cơ sở thuốc
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh vừa có công văn chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg (23.8.2018) của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) quản lý, kết nối các cơ sở cung ứng thuốc trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Sở Y tế có trách nhiệm triển khai kết nối các cơ sở cung ứng thuốc, quản lý các cơ sở buôn bán, bán lẻ thuốc trên địa bàn tỉnh, thực hiện việc kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn đúng quy định. Tăng cường thanh tra kiểm tra việc kết nối, thực hiện kê đơn thuốc, mua bán thuốc theo đơn theo đúng quy định. Tăng cường phối hợp với Báo Quảng Nam, Đài PT-TH tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền về kết nối các cơ sở cung ứng thuốc; nâng cao nhận thức của các cơ sở kinh doanh, bán sỉ lẻ thuốc trên địa bàn lẫn người sử dụng về việc mua bán và sử dụng thuốc theo đơn. Đồng thời Sở Y tế tổ chức tổng kết, đánh giá tình hình việc thực hiện Chỉ thị 23 của Thủ tướng Chính phủ, báo cáo Bộ Y tế.
Trước đó, tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chỉ đạo, việc ứng dụng CNTT kết nối các cơ sở thuốc trên toàn quốc cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ ngành trong việc đưa giải pháp mới vào quản lý thuốc, giá thuốc, nguồn gốc, xuất xứ thuốc nhằm tối ưu hóa quá trình bán mua thuốc, giúp người dân hiểu rõ về thông tin thuốc, giá cả, xuất xứ, phục vụ tối đa lợi ích, sức khỏe cho nhân dân.
Theo Bộ Y tế, toàn quốc hiện có 61.867 cơ sở bán lẻ thuốc, trong đó có 19.107 nhà thuốc, 39.032 quầy thuốc, 3.728 tủ thuốc. Trong đó, có nhà thuốc có 71,15% các cơ sở có kết nối internet, 47,85% sử dụng phần mềm để quản lý kinh doanh thuốc của cơ sở với 23 loại phần mềm đang được sử dụng. Đặc biệt các tỉnh thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, tỷ lệ các cơ sở có internet rất cao, hơn 90%... Công tác quản lý, kiểm soát tình hình kinh doanh thuốc trên phạm vi cả nước thời gian qua còn lỏng lẻo, bất cập.
Giai đoạn 2017 - 2019, Bộ Y tế đã xây dựng đề án “Tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn” nhằm thực hiện tốt công tác quản lý hệ thống cung ứng thuốc trong và ngoài bệnh viện, thực hiện đồng bộ các giải pháp truy xuất nguồn gốc thuốc, chấn chỉnh tình trạng bán thuốc không theo đơn. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT kết nối, kiểm soát về xuất xứ, giá cả, tình trạng mua bán theo đơn thuốc trên toàn quốc. Đề án được triển khai thí điểm tại 4 tỉnh Phú Thọ, Hưng Yên, Vĩnh Phúc và Nam Định và hiện nhân rộng ra toàn quốc.
TRIÊU NHAN