"Xã nghèo nhất nước" nhớ ơn nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười

HOÀI NAM 07/10/2018 09:01

Tin liên quan

  • Kỷ niệm nhỏ với cố Tổng Bí thư Đỗ Mười
  • Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: 'Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười luôn có mặt nơi đầu sóng, ngọn gió'
  • Lễ viếng, Lễ truy điệu và Lễ an táng nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười
  • Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười từ trần

(QNO) - Đầu năm 1994, khi đương là Tổng Bí thư, đồng chí Đỗ Mười có lần đến thăm xã Quế Minh (Quế Sơn).

nhà bà Trần Thị Tuấn
Căn nhà bà Trần Thị Tuấn - nơi cố Tổng Bí thư Đỗ Mười đến thăm. Ảnh: HOÀI NAM

Hồi đó, mới chớm xuân mà nơi đây đã khô cằn sỏi đá, ruộng không có nước tưới, đời sống nhân dân vô cùng khó khăn. Sau khi đi thăm các hộ gia đình, chứng kiến cảnh sắn không đủ ăn của bà con xã Quế Minh, đồng chí Đỗ Mười nhận xét rằng đây là “xã nghèo nhất nước”. Ông chỉ đạo lãnh đạo địa phương bằng mọi cách phải đưa nước tưới về xã...

1. Nằm cách trung tâm huyện Quế Sơn chỉ vài cây số, vậy mà, Quế Minh lại là một xã nghèo. Nhiều người ví von đây là nơi “chó ăn đá, gà ăn sỏi”. Hai loại cây chủ lực của địa phương là sắn và mía. Nhưng cây mía thì trồng cả năm mà như bụi sả, cây sắn thì tong teo bằng ngón tay. Cả xã không có lấy một doanh nghiệp hay cơ sở sản xuất nào.

Năm ấy, Tổng Bí thư Đỗ Mười đến thăm bà con vào dịp cận tết. Thường thì thời điểm này, cây lúa vụ đông xuân đã lên xanh tốt, nhà thiếu lao động thì chí ít trong vườn cũng trồng được vài luống rau. Nhưng năm đó trời không mưa, lúa ngoài đồng chết khô, sắn thì rũ lá.

Bà Trần Thị Tuấn ở thôn 3 nhớ lại, lúc đó tầm 2 giờ chiều, đoàn công tác của Trung ương do Tổng Bí thư Đỗ Mười dẫn đầu về đến thôn, bà con tụ tập đông như hội chào đón đoàn. Ông Đỗ Mười ăn mặc giản dị, chậm rãi bước vào nhà bà trong vòng tay chào đón của bà con.

Hồi đó, gần như cả xã đều nhà tranh vách đất, gần tết mà chưa nhà nào chuẩn bị được ký thịt heo, vài cân gạo. Tổng Bí thư Đỗ Mười xúc động nắm chặt tay bà con, dặn đi dặn lại là phải làm sao đưa được nước về thôn để trồng lúa, trồng rau màu mới thoát được đói nghèo.

Bà Nguyễn Thị Láng, gần nhà bà Trần Thị Tuấn không kìm nén nỗi xúc động khi nhắc lại những tháng ngày cơ cực được bác Đỗ Mười đến thăm, động viên. Hồi đó, bà Láng mới sinh con trai chưa được 1 tháng. Nhà quá nghèo, trong chum chỉ còn vài lon gạo để dành cho người mới sinh, bụng yếu ăn sắn khó tiêu.

Bà Láng kể, sau ngày bác Đỗ Mười về thăm, dân làng chợt nhận ra rằng, vùng này mà không có nước tưới thì suốt đời nghèo đói. Nhưng làm sao để đưa được nước tưới đến nơi đây? Nhờ chỉ đạo của bác Đỗ Mười mà vài tháng sau đó, đoàn khảo sát ở trên về phóng tuyến, mở kênh dẫn nước từ hồ chứa Việt An đưa về thôn.

Có nước tưới, bà con chuyển đổi cây trồng, thâm canh tăng vụ, cuộc sống khá dần lên. Bà Láng xúc động: “Nhờ bác về đây mới có kênh mương. Hồi nớ cực khổ ăn sắn, ăn khoai, chừ cuộc sống khá rồi. Nghe bác mất, tôi rất buồn, xa quá không đi thắp hương được”.

2. Ông Nguyễn Phước Phẩm - nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Quế Minh cho biết, đầu năm 1994, Tổng Bí thư Đỗ Mười về thăm địa phương. Lúc đó tìm một hội trường để làm việc rất khó. Xã bố trí làm việc tại hội trường của hợp tác xã nông nghiệp, nhưng hội trường chật hẹp, lâu ngày không sử dụng nên xuống cấp, cán bộ xã phải dùng lá cót ngăn đôi, bố trí chỗ cho Tổng Bí thư làm việc.

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười chụp hình lưu niệm với người dân xã Quế Minh. Ảnh tư liệu
Đồng chí Đỗ Mười chụp hình lưu niệm với người dân xã Quế Minh. Ảnh tư liệu

Tại buổi làm việc, Tổng Bí thư Đỗ Mười đề cập những việc cần làm ngay để cứu đói cho bà con. Lãnh đạo xã đề nghị cần có điện để phát triển kinh tế. Tổng Bí thư Đỗ Mười cho rằng, đó là cái thứ yếu. Điều quan trọng nhất lúc này là nước tưới. Chỉ đạo của Tổng Bí thư lúc đó rất hợp lòng dân. Cuối năm đó, có đoàn khảo sát của tỉnh về làm việc với địa phương bàn việc xây đập, làm kênh mương. Mấy năm sau thì nước tưới về đến xã.

Ông Nguyễn Phước Phẩm kể lại: “Đảng bộ và nhân dân Quế Minh trước đây không nghĩ được làm thế nào để nơi đây có nước. Thực tế 3 đến 4 năm sau là có nước về tưới cho xã Quế Minh là chủ yếu. Hiện nay ở Hồ Việt An có đến 8 xã thuộc các huyện Thăng Bình, Hiệp Đức, Quế Sơn có nước tưới. Riêng Quế Sơn thì các xã Quế Minh, Quế An, Quế Châu có hơn 1.500ha đất sản xuất có nước tưới”.

Từ đói nghèo, người dân xã Quế Minh đã có bước tiến đáng kể trong phát triển kinh tế. Nhớ lời Tổng Bí thư Đỗ Mười căn dặn: “Nước tưới phải đặt lên hàng đầu”, mỗi năm chính quyền xã đầu tư hàng trăm triệu đồng xây mới hệ thống kênh mương nội đồng, sửa chữa, nạo vét các tuyến kênh mương xuống cấp, lắp đặt hệ thống cống phục vụ sản xuất… Từ đó, sản lượng lương thực cây có hạt của địa phương năm sau cao hơn năm trước.

Ông Nguyễn Phước Tân - Chủ tịch UBND xã Quế Minh bày tỏ: “Địa phương mong muốn được bác Đỗ Mười về thăm Quế Minh một lần nữa, để thấy những đổi thay của xã sau những lời dặn dò của bác. Cũng mong muốn bác về, để có chỗ nào chưa được, bác chỉ đạo xây dựng Quế Minh phát triển hơn. Nhưng tiếc là... Xã Quế Minh hết sức tri ân, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với bác trong những năm xã Quế Minh còn khó khăn”.

HOÀI NAM

HOÀI NAM