Kỷ niệm nhỏ với cố Tổng Bí thư Đỗ Mười

(Ghi theo lời kể và hồi ký “Những năm tháng đã qua” của ông Lê Tư Đặng - NXB Đà Nẵng, 2017) 07/10/2018 00:05

Tin liên quan

  • Lãnh đạo Đảng, Nhà nước viếng nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười
  • Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: 'Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười luôn có mặt nơi đầu sóng, ngọn gió'
  • Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười từ trần

(QNO) - “Núi Thành “nó” quyết tâm vậy thì cho “nó” làm đi!”. Câu nói ấy của đồng chí Đỗ Mười lúc ông còn đương là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng vẫn còn ám ảnh với ông Lê Tư Đặng cho đến bây giờ. Mấy ngày gần đây, khi nghe tin nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười qua đời, ông cứ đi ra đi vào với tâm trạng bồn chồn. Hình như trong ông dấu ấn của vị Phó Thủ tướng, sau này là Tổng Bí thư Đỗ Mười cứ theo ông mãi.

Cố Tổng Bí thư Đỗ Mười trong lần về thăm xã Quế Minh (Quế Sơn).
Cố Tổng Bí thư Đỗ Mười trong lần về thăm xã Quế Minh (Quế Sơn). Ảnh tư liệu

1. Ông Đặng kể lại: Cuối năm 1983, tỉnh có chủ trương chia tách huyện Tam Kỳ thành hai đơn vị hành chính là thị xã Tam Kỳ và huyện Núi Thành. Lúc đó, Tam Kỳ là huyện có địa bàn rộng nhất tỉnh với 23 đơn vị hành chính cấp xã. Vì vậy chia tách huyện để mỗi địa phương phát huy các tiềm năng, thế mạnh là một chủ trương đúng đắn.

Đầu năm 1984, ông Đặng đang là Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Tam Kỳ được phân công về Núi Thành nhận nhiệm vụ Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện. Bà Hồ Thị Kim Thanh được chỉ định làm Bí thư Huyện ủy. Ngày mới chia tách, nghe tên “Núi Thành” ai cũng nghĩ đến vùng rừng núi âm u, còn đồng bằng chỉ toàn cát là cát.

Bắt tay vào xây dựng huyện mới, Đảng bộ huyện đã phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, thử thách to lớn. Nhiều anh em nhận nhiệm vụ ở huyện mới thường nói vui: “Núi Thành là huyện “bốn không”: không có trụ sở làm việc, không đủ người và phương tiện đi lại, không có điện, không có đủ kinh phí hoạt động. Đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, đối tượng chính sách chiếm tỷ lệ khá cao.

Địa hình chia cắt, với nhiều xã miền núi, ven biển và hải đảo, vì vậy giao thông đi lại cách trở, hầu hết những con đường dọc ngang của huyện đều “nắng bụi, mưa bùn”. Hình ảnh người dân vùng cát với đôi đòn gánh trên vai, hàng ngày qua lại trên các nổng cát với “hai bước tiến, một bước lùi” để đem thủy sản lên phía trên quốc lộ 1 đổi lấy lương thực, thực phẩm cứ chờn vờn, ám ảnh những người lãnh đạo của huyện.

Thực tế khó khăn ấy đòi hỏi đội ngũ những người lãnh đạo của huyện phải thật sự quyết tâm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm với những quyết sách mới mẻ nhưng phải đúng đắn với chủ trương, đường lối của Đảng để đưa huyện nhà tiến lên. Hai vấn đề lớn và vô cùng nan giải với huyện Núi Thành lúc bấy giờ là bài toán về giao thông và điện. Đây là những tiền đề đặc biệt quan trọng để huyện phát triển không chỉ là công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp mà còn cả về nông - lâm - ngư nghiệp.

Thế nhưng khi trình báo cáo luận chứng kinh tế - kỹ thuật của huyện với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, trong đó đề cập với tỉnh về chủ trương xin làm đường và điện thì không nhận được sự đồng tình của tỉnh. Những người lãnh đạo cao nhất của huyện lúc đó là bà Hồ Thị Kim Thanh, ông Lương Văn Hận và ông Lê Tư Đặng luôn suy nghĩ, trăn trở phải bắt đầu từ đâu và làm gì để tìm ra lời giải cho hai bài toán hóc búa đó?

2. Sau khi thảo luận trong Ban Thường vụ Huyện ủy, họ thấy rằng chỉ có thể kiến thiết xây dựng quê hương khi có được đường và điện. Nhưng tiền đâu để đầu tư xây dựng khi mà nguồn ngân sách của tỉnh còn hạn hẹp, quỹ tiền mặt của huyện cũng chỉ có 20.000 đồng mang từ huyện cũ vào. Cuối cùng Ban Thường vụ Huyện ủy quyết định cử bà Thanh và ông Đặng ra gặp trực tiếp ông Đỗ Mười - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ) để báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo về xây dựng hệ thống điện trước.

May mà lúc đó bà Thanh đang là đại biểu Quốc hội nên việc xin gặp ông Đỗ Mười cũng không quá khó khăn, không cần giấy giới thiệu. Tại Văn phòng Phủ Thủ tướng, ông Đỗ Mười trong bộ đại cán đã cũ, rót trà mời khách. Ông “vào đề” ngay.

Khi bà Thanh giới thiệu và trình bày các luận chứng kinh tế - kỹ thuật, nhất là sự cần thiết phải kéo được dòng điện về huyện mới Núi Thành, ông chỉ chăm chú lắm nghe mà chẳng nói hay phản biện gì cả. Sau khi nghe xong, ông chỉ hỏi lại bà Thanh một câu: “Kéo điện cần bao nhiêu tiền và cho đối tượng nào dùng”?

Bà Thanh vừa trả lời xong, ông Đỗ Mười nói tiếp, đại khái: Huyện Núi Thành mới thành lập, lại là huyện đói của Quảng Nam thì vốn liếng đâu mà kéo? Nguồn điện đâu mà kéo? Còn nếu làm nhà máy điện thì chưa đủ điều kiện, vật tư. Cả nước bây giờ không tìm đâu ra một tấc dây điện M48, kéo điện dài 51 cây số thì vật tư đâu làm? Mặt khác, tầm huyện mà đi làm điện thì chưa có tiền lệ, cả nước ta đến thời điểm này chỉ mới có duy nhất một huyện làm điện hạ thế được 2 cây số.

Ông Lê Tư Đặng (ngoài cùng bên phải) đón Tổng Bí thư Trường Chinh về thăm huyện Núi Thành năm 1985.
Ông Lê Tư Đặng (ngoài cùng bên phải) đón Tổng Bí thư Trường Chinh về thăm huyện Núi Thành năm 1985. Ảnh tư liệu

Đến đây, ông Đặng mới xin phép trình bày đầy đủ về nguồn điện, về việc xin cơ chế để huyện huy động vốn, về khao khát của bà con, nhất là sự quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân huyện Núi Thành. Sau một lúc suy nghĩ, như cảm thông và thấu hiểu khát vọng vượt khó vươn lên của anh em lãnh đạo huyện, ông Đỗ Mười quay sang ông Hồng Kỳ - Thư ký của ông và chỉ đạo: “Anh viết ngay bức thư cho anh Hoàng Minh Thắng, anh Phạm Đức Nam của Quảng Nam - Đà Nẵng nói đại ý là Núi Thành “nó” quyết tâm cao như vậy thì cho “nó” làm đi!”. 

Sau khi nghe ý kiến chỉ đạo của ông Đỗ Mười, ông Đặng và bà Thanh vui mừng đến trào nước mắt, họ nghe nhẹ cả người như vừa trút được gánh nặng ngàn cân với trọng trách lớn lao mà cả Đảng bộ và nhân dân giao phó. Như vậy về mặt chủ trương thì cấp cao nhất đã đồng ý nhưng bà Thanh, ông Đặng cũng biết rằng con đường đưa dòng điện về với Núi Thành là một hành trình gian nan với vô cùng nhiều những khó khăn và thách thức trước mắt.

3. Quay về tỉnh, ông Đặng và bà Thanh làm việc với tỉnh xin chủ trương về cơ chế huy động vốn để nhập khẩu vật tư thiết bị điện. Núi Thành xin nhận chỉ tiêu xuất khẩu của tỉnh giao nhưng xin tỉnh thay vì phân bổ 60% vốn để nhập hàng tiêu dùng thì Núi Thành xin 40% nhập hàng tiêu dùng, còn 60% nhập vật tư thiết bị điện. Huyện tạm dừng chưa xây trụ sở làm việc để dồn toàn bộ khoảng 166 triệu đồng (thời điểm năm 1984) để làm điện.

Bà Thanh, ông Đặng nhiều lần khăn gói ra Bộ Tư lệnh Quân khu 5 vận động xin trụ điện do quân Mỹ bỏ lại ở căn cứ quân sự Chu Lai; về lại địa phương huy động nhân dân hiến đất, góp công để kéo dây đào trụ. Tháng 5.1984, công trình kéo điện về Núi Thành được khởi công. Đến Tết Âm lịch năm 1985 (2.1985), dòng điện đầu tiên đã về đến Núi Thành, vậy là ước mơ từ bao đời đã trở thành hiện thực.

Nhớ lại khoảnh khắc ấy, ông Đặng tâm sự: “Gần tết, khi gia đình tôi kéo điện về nhà, nhiều người vẫn không tin. Khi đã tận mắt chứng kiến bóng đèn dây đốt sáng rực lên, nhiều gia đình mới tin và mới đi mua dây, thiết bị để kéo về nhà. Sau khi có điện đường, bọn trẻ con trong xóm tôi mất ba đêm không ngủ vì mừng quá. Từ đây, đời sống bà con nhân dân Núi Thành đã bước sang một trang mới”.

Giờ đây khi chứng kiến những bước phát triển mạnh mẽ của Núi Thành, khi nhìn Khu kinh tế mở Chu Lai vươn mình lớn mạnh, những dòng xe nườm nượp từ Công ty CP Ô tô Trường Hải đổ về mọi miền đất nước, không nhiều người hiểu hết những gian truân, khổ cực của cả một thế hệ trong những năm tháng đầu tiên bắt tay vào xây dựng huyện.

Ngồi nhấp chén trà trong cơn mưa đầu đông, ông Đặng như nhớ lại những ngày ở Hà Nội của 34 năm trước, ông nói với giọng buồn buồn: “Thật ra, dòng điện về Núi Thành là công sức, tâm huyết, là mồ hôi và cả nước mắt của toàn Đảng bộ và nhân dân Núi Thành, nhưng công đầu phải kể đến cái gật đầu và bức thư “bật đèn xanh” của ông Đỗ Mười. Công ông Mười với đất Núi Thành này lớn lắm! Giờ ông đi rồi. Tội thật!”.

(Ghi theo lời kể và hồi ký “Những năm tháng đã qua” của ông Lê Tư Đặng - NXB Đà Nẵng, 2017)

LÊ MINH CHIẾN

(Ghi theo lời kể và hồi ký “Những năm tháng đã qua” của ông Lê Tư Đặng - NXB Đà Nẵng, 2017)