Sức hút của sản phẩm du lịch khác biệt
TP.Hội An vừa tổng kết 20 năm “Tái hiện Đêm phố cổ Hội An đầu thế kỷ 20”, một sản phẩm du lịch độc đáo không chỉ riêng Quảng Nam mà của cả nước. Câu chuyện xây dựng sản phẩm du lịch khác biệt nhằm tạo sức hút một lần nữa được nhắc đến, đặc biệt trong thời điểm khan hiếm những sản phẩm du lịch mới như hiện nay.
Sản phẩm Đêm phố cổ Hội An thể hiện sức hút thông qua sự khác biệt. Ảnh: K.LINH |
“Giẫm chân” sản phẩm
Ông Dương Bá Hiền (phường Cẩm Châu, TP.Hội An) cho biết, từ đầu năm đến nay lượng khách đến tham quan vườn rau hữu cơ nhà ông chỉ đếm trên đầu ngón tay, thậm chí vài tháng gần đây chẳng có khách nào ghé thăm. “Không hiểu sao doanh nghiệp không đưa khách tới?” - ông Hiền thắc mắc. Theo quy hoạch, vườn rau ông Hiền cũng như các vườn rau khác trong làng ngoài cung cấp rau sạch còn là một sản phẩm du lịch phục vụ khách tham quan. Tuy nhiên, đến nay hiệu quả du lịch vẫn chưa như mong muốn, rất ít khách. Nhà ông Dương Bá Hiền là một trong gần 10 hộ được lựa chọn làm điểm đón khách tham quan kể từ khi làng rau An Mỹ khai trương đón khách (10.2017). Hiện tại, trong làng dường như chỉ còn mình nhà ông Hiền duy trì hoạt động. Cùng với Trà Quế và Thanh Đông, An Mỹ là một trong 3 điểm tại Hội An phát triển du lịch dựa trên sản phẩm rau hữu cơ.
Theo ông Lê Hoàng Hà - Giám đốc Công ty TNHH Trải nghiệm và sinh thái Etours Hội An, nguyên nhân vắng khách đến làng rau An Mỹ là thiếu sự khác biệt. “Trong du lịch tính đặc trưng sản phẩm rất quan trọng, việc xây dựng sản phẩm na ná nhau không chỉ khiến sản phẩm trùng lặp mà còn gây khó khăn cho bản thân điểm mới ra đời do phải cạnh tranh với những nơi đã có thương hiệu. Đơn cử, làng rau An Mỹ chắc chắn sẽ khó cạnh tranh được với làng rau Trà Quế hay Thanh Đông, mà khách đã đến Trà Quế hay Thanh Đông thì không cần thiết phải đến An Mỹ nữa. Điều đó nói lên rằng, dù mỗi làng rau có thế mạnh và cảnh quan khác nhau nhưng việc trùng lặp sản phẩm chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc đón khách, rõ nhất chính là việc chia sẻ thị phần khách” - ông Hà phân tích.
Trùng lặp sản phẩm không phải là điều mới mẻ ở Quảng Nam. Tại các huyện Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang việc kết hợp du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng và du lịch văn hóa dù được đánh giá cao thời gian đầu nhưng do không có sự khác biệt đã dẫn đến nhàm chán cho khách. Ông Phạm Vũ Dũng - Giám đốc Công ty Du lịch Hoa Hồng cho rằng, sản phẩm du lịch phía tây Quảng Nam đang có sự trùng lặp từ thổ cẩm, ẩm thực đến văn hóa, văn nghệ. Điều này thể hiện vai trò quản lý của ngành du lịch tỉnh khi chưa có những định hướng quy hoạch tổng thể trong xây dựng sản phẩm dịch vụ, dẫn đến việc mạnh ai nấy làm, mỗi địa phương làm theo ý chí chủ quan dẫn đến lãng phí nguồn lực và tài nguyên du lịch.
Tạo sự khác biệt
Quay lại câu chuyện “Tái hiện Đêm phố cổ Hội An đầu thế kỷ 20”. Trong lễ tổng kết vừa diễn ra giữa tuần qua, ông Võ Phùng - Giám đốc Trung tâm VH-TT Hội An khẳng định, sau 20 năm thực hiện, “Đêm phố cổ” đã trở thành một sản phẩm du lịch văn hóa nổi bật, một món ăn tinh thần đặc sắc đối với nhân dân Hội An cũng như du khách trong và ngoài nước. Chính “Đêm phố cổ” đã góp phần rất lớn để Hội An được mệnh danh là mảnh đất của lễ hội. Còn theo nhận xét của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân, “Đêm phố cổ” là một chương trình đẳng cấp, một sản phẩm đặc trưng của Hội An mà không phải nơi nào cũng có được. Trong đó, yếu tố làm nên sự thành công chính là sự khác biệt. “Sự thành công của “Đêm phố cổ” đã góp phần làm tăng thêm giá trị của di sản văn hóa thế giới Hội An” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân nhìn nhận.
Không phủ nhận, một trong những yếu tố thu hút khách chính là tính độc đáo, khác biệt. Bên cạnh “Đêm phố cổ”, câu chuyện cây Cầu Vàng Bà Nà mới đây khiến du khách khắp nơi “xôn xao” càng minh chứng cho tính khác biệt mà một sản phẩm du lịch mang lại. Theo ông Võ Văn Vân - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, sự trùng lặp sản phẩm du lịch không chỉ dừng lại ở việc giẫm chân, xa hơn là sự nghèo nàn ý tưởng. Đặc biệt, vai trò quản lý nhà nước trong việc xây dựng chiến lược phát triển cũng như quy hoạch tổng thể vẫn chưa có sự đồng nhất. “Du lịch phải có sự khác biệt, độc đáo nếu không sẽ khó thu hút khách. Tuy nhiên, điều này vẫn xảy ra. Chưa kể sự lãng phí nguồn lực và tài nguyên, điều đáng nói ở đây chính là sản phẩm ra đời sau nhưng lại tệ hơn sản phẩm trước. Do đó, cần phải có quy hoạch tổng thể, hay đúng hơn phải có một nhạc trưởng trong xây dựng sản phẩm du lịch” - ông Vân nói.
KHÁNH LINH