Tượng đài giữa lòng dân
Sáng nay 5.10, nhân kỷ niệm 40 năm thành lập Hợp tác xã (HTX) Duy Sơn 2, bức tượng Anh hùng Lao động Lưu Ban được dựng lên trên “miền cổ tích thủy điện” đầu tiên ở xứ Quảng.
Trong dịp kỷ niệm 40 năm thành lập, HTX Duy Sơn 2 sẽ tổ chức lễ đặt tượng bán thân Anh hùng Lao động Lưu Ban tại khu vực nhà máy thủy điện của đơn vị. |
Bức tượng đồng chân dung anh hùng Lưu Ban được đúc bằng kinh phí đóng góp tự nguyện thông qua Báo Người lao động. Đầu tư tất thảy cho công trình tượng đài chỉ vài trăm triệu đồng, nhưng đó là tấm lòng của hậu thế ghi nhớ công ơn người “anh hùng chân đất”, “anh hùng thủy điện” một thời làm nức danh vùng đất và con người nơi đây.
Vinh danh cụ Lưu Ban là “anh hùng chân đất” bởi trong hơn một trăm anh hùng xứ Quảng chỉ có 7 anh hùng lao động, trong đó chỉ mình cụ là nông dân, là Chủ nhiệm HTX hàng ngày vẫn bám lấy đồng đất quê hương mà dựng nên cơ nghiệp. Nói ông là “anh hùng thủy điện” bởi gắn với công tích dựng lên thủy điện Duy Sơn 2 từ những năm 80 của thế kỷ trước, bằng cả ý tưởng phiêu lưu “lãng mạn cách mạng” lẫn sự tận tụy chắt chiu của người thấu cảm những mạch nguồn sự sống và khao khát đổi đời của nông dân ở xứ sở này.
Đã có vô số bài báo, bút ký, ghi chép câu chuyện kể về anh hùng Lưu Ban, từ thời ông còn sống hay sau khi về cõi vĩnh hằng (31.12.2009). Có chuyện khó quên là ông Lưu Ban đã sớm biết tập hợp sức mạnh của nông dân trong nỗi khao khát vô cùng về đất đai để làm cuộc chuyển mình trong sản xuất nông nghiệp, đưa vùng Duy Sơn trở thành vựa lúa đạt 13 tấn/ha khi mà nhiều vùng khác còn đang hát “bài ca 5 tấn”. Đó là thành quả làm nên từ sự cần cù, chịu thương chịu khó và đầu tư cả tâm trí, nhờ sớm nghĩ đến việc cải tiến nông cụ, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, “thay trời làm mưa” bằng hệ thống thủy nông đảm bảo nước tưới quanh năm. Nhưng chuyện nổi đình nổi đám cả nước là ý tưởng làm thủy điện. Không kể xiết việc tốn hao bao nhiêu tâm lực của ông Lưu Ban để khai sinh thủy điện Duy Sơn 2 từ năm 1983, với công suất ban đầu 400kW, sau dần nâng lên 1.200kW rồi tới 1.500kW và bán điện cho Nhà nước từ 2.9.1990. Để làm được thủy điện, HTX phải chắt chiu từng đồng, xã viên góp công, còn chủ nhiệm Lưu Ban phải gắng sức vận động từ Nam ra Bắc. Và “nhân hòa” đi với “thiên thời” là ông Lưu Ban đã được các lãnh đạo cấp cao như Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải, Trần Đức Lương… nhiệt tình ủng hộ, giúp đỡ tháo gỡ cơ chế để có đồng vốn vay ưu đãi đầu tư cho thủy điện. Chỉ 3 năm sau thủy điện làm ăn hiệu quả, trả hết vốn vay và lãi cho Nhà nước.
Công tích thì vô lượng, khó kể hết. Điều đáng trân quý hơn là phẩm cách của người anh hùng với cuộc sống bình dị, hồn hậu, chăm lo nuôi dưỡng những hạt mầm hy vọng. Trong lòng dân ở vùng đất này luôn khắc ghi hình ảnh ông già Lưu Ban như cây đa râm mát trên cánh đồng, được phong danh hiệu anh hùng mà mong manh áo vải, ra tới thủ đô nhận tiền thưởng thì dành gần hết để mua kẹo bánh cho các cháu mẫu giáo ở quê nhà. Lúc về già vẫn chăm lo cho con trẻ, đặc biệt đã sớm nhìn ra việc “đầu tư cho tương lai” bằng cách đề xuất HTX hỗ trợ cho con em của xã viên đi học thành tài. Và mặc dù lớn lên từ đồng đất, rồi tham gia kháng chiến, trở về làm nông dân, làm chủ nhiệm nhưng ông Lưu Ban cũng là tấm gương ham học hỏi. Nhớ lời ông kể mình chẳng biết chi mô mà nhờ cha Nguyễn Trường Thăng ở giáo xứ Trà Kiệu tìm giúp tư liệu sách vở để đọc, học mà làm thủy điện. Nhờ vậy, khi thấy thiết kế làm đập xả tràn tốn quá nhiều xi măng ông đã cất công lặn lội khảo sát để cho xả tràn tự nhiên, lại tạo thành con thác đẹp cho thủy điện.
Được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động từ rất sớm (29.8.1985), nhưng ông Lưu Ban vẫn sống như hình ảnh của cây lúa, biết chắt lọc dinh dưỡng đất đai cho nặng hạt nhưng khi chín lại cúi đầu, từ tốn, khiêm nhường. Có người sống cũng thường thôi mà chết làm tượng đài, bia mộ như vương tướng; còn ông Lưu Ban “thương dân dân lập đền thờ” trong tâm khảm. Bức tượng của ông dựng lên trong khuôn viên thủy điện Duy Sơn 2 cũng được đúc nên từ tấm lòng mến mộ, yêu kính ấy - một tượng đài ở giữa lòng dân.
NGUYỄN ĐIỆN NAM