Rằng hay thì thật là hay...
Báo chí những ngày qua thông tin về cuộc tọa đàm, bàn luận về đề án “Tái hiện Đêm phố cổ Hội An đầu thế kỷ XX” ra đời và tồn tại 20 năm qua. Ý kiến khen chê đều có nhưng rõ ràng đây là sản phẩm du lịch văn hóa nổi bật luôn thu hút sự quan tâm của dư luận.
Phía khen ngợi nhấn mạnh rằng, kể từ khi đưa đề án vào thử nghiệm (8.9.1998) với tên gọi “Ngày phố cổ tại khu phổ cổ Hội An”, sau đó bổ sung chỉnh sửa liên tục để thành sản phẩm “Đêm phố cổ Hội An” gây ấn tượng khá tốt với du khách. Việc tổ chức đêm hội dần đi vào nền nếp khi thành phố quy định không gian tổ chức “Đêm phố cổ” hàng tháng, giao trách nhiệm tổ chức và quản lý các hoạt động cho các cơ quan, địa phương liên quan. Từ đó đến nay đã có 230 “Đêm phố cổ” được tổ chức định kỳ, thu hút đông đảo du khách đến thưởng lãm và người dân có thêm thu nhập, văn hóa và di tích được bảo tồn, phát huy giá trị.
Có ý kiến chỉ ra những mặt còn hạn chế bất cập, những vấn đề phức tạp nảy sinh trong thực hiện “Đêm phố cổ”. Đơn cử như trong không gian “Đêm phố cổ” có tình trạng buôn bán hàng hóa thiếu ngăn nắp, môi trường buôn bán chưa đảm bảo yếu tố truyền thống; một số nhà hàng, khách sạn mở âm thanh lớn; công tác vệ sinh môi trường tại một số tuyến phố chưa đảm bảo; một số di tích tập thể thường đóng cửa đang trong thời điểm diễn ra “Đêm phố cổ”… Đặc biệt, khi khách đến thưởng lãm ngày càng tăng thì nảy sinh tình trạng cạnh tranh chưa lành mạnh để thu hút khách mua sắm. Một số cửa hiệu, nhà hàng lạm dụng quá mức ánh sáng trắng để bán hàng, ảnh hưởng đến không gian chung của “Đêm phố cổ”; một số hộ không kinh doanh thì đóng cửa, tắt đèn, không thắp đèn lồng. Tình trạng tranh giành khách, để trẻ em bán hoa đăng, có du thuyền trên sông chở quá lượng người cho phép, không niêm yết giá cả… vẫn diễn ra. Một trong những người theo sát việc thực hiện đề án từ ban đầu, là ông Võ Phùng - Giám đốc Trung tâm VH-TT Hội An, còn cho biết nhiều nghệ nhân, cộng tác viên lớn tuổi, khó khăn trong việc đi lại, thiếu lực lượng kế thừa nên ngày càng vắng người tham gia “Đêm phố cổ”, nội dung chưa phong phú, còn nặng trình diễn, ít thu hút khách như chiếu hát bội, thơ Đường và thơ truyền thống, hò khoan đối đáp, trình tấu nhạc cụ cổ truyền,…
Thực tế sản phẩm du lịch nào cũng có ưu điểm và hạn chế. Nhưng cần thấy rằng hay thì thật là hay, nhưng hay mà lặp lại mãi cũng sẽ mất hấp dẫn, gây nhàm chán. Cũng như bài hát “Đêm hội phố Hoài” quá tuyệt, nhưng lần nào cũng bắt đầu bằng bài đó thì người nghe không khỏi chép miệng “đêm hội… hát hoài”. Cho nên sau 20 năm duy trì tổ chức, bây giờ chính là lúc cần “làm mới” lại sản phẩm để tạo sức hút với du khách và sự cộng cảm của nhân dân trong khu phố cổ.
C.B.L