10 năm thực hiện Chiến lược biển Việt Nam: Phát triển du lịch biển đảo
Sở hữu nhiều bãi biển đẹp như Hà My, An Bàng, Bình Minh, Tam Thanh, Bãi Rạn…, 10 năm qua du lịch biển đảo đã trở thành yếu tố không thể thiếu, để cùng với các di sản, góp phần đưa Quảng Nam trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Bãi biển Quảng Nam thu hút du khách. Ảnh: V.L |
Khai phóng tiềm năng
Quyết định số 16/2009/QĐ-UBND về ban hành chương trình hành động của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 khẳng định, từ năm 2009 – 2020, bên cạnh thúc đẩy các ngành kinh tế biển, việc phát triển mạnh du lịch biển đảo, xây dựng các khu vui chơi giải trí cao cấp… là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tập trung quy hoạch các dịch vụ hậu cần phục vụ du lịch Hội An, Cù Lao Chàm và phía nam như cảng du lịch, khu nhà hàng khách sạn, khu nghỉ mát, các khu vui chơi giải trí; đẩy mạnh phát triển khu du lịch biển Tam Thanh; xây dựng tiểu khu Bảo tồn biển mũi Bàn Than, vũng An Hòa (Núi Thành) kết hợp chặt chẽ với phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng phục vụ cho Khu kinh tế mở Chu Lai và vùng phụ cận…
Thực tế, không phải đến khi Quyết định 16 ra đời phát triển du lịch ven biển Quảng Nam mới được chú trọng. Kể từ tháng 12.2006, khi khu nghỉ dưỡng 5 sao The Nam Hai (Điện Dương) mở cửa đón khách đã đánh dấu bước chuyển biến mạnh mẽ của du lịch biển. Tiếp sau The Nam Hai, hàng loạt khu resort cao cấp xuất hiện dọc bãi biển từ Điện Bàn đến Hội An như Victoria, Sunrise, Palm Garden, Le Belhamy, Topical, Vinpearl… Trong đó, The Nam Hai liên tiếp được các tạp chí, trang mạng du lịch uy tín quốc tế đánh giá là điểm nghỉ dưỡng đẳng cấp hàng đầu thế giới.
Các khu nghỉ dưỡng đẳng cấp ven biển góp phần thu hút một lượng lớn khách cao cấp đến Quảng Nam. |
Ông Nguyễn Văn Dũng – Chủ tịch UBND TP.Hội An khẳng định, biển đảo có vai trò rất quan trọng trong phát triển du lịch của Hội An, nhất là tạo ra những sản phẩm du lịch cao cấp và giảm áp lực cho di sản phố cổ Hội An. Nhiều năm qua, du lịch biển đảo luôn chiếm 25 - 30% trong tổng thu nhập du lịch của Hội An. “Hiệu quả cao nhất của du lịch biển đảo là giúp tạo thêm những sản phẩm cao cấp cho khách lựa chọn, kéo dài thời gian lưu trú, qua đó cũng giúp giá trị di sản được nâng lên” - ông Dũng nhìn nhận.
Thúc đẩy du lịch biển
Trong chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Bộ VH-TT&DL cũng đã xác định ưu tiên phát triển hệ thống sản phẩm du lịch biển đảo. Trong đó, tập trung vào các sản phẩm như nghỉ dưỡng, du lịch tàu biển; giải trí, thể thao, sinh thái biển... Với Quảng Nam, thời gian qua, việc xây dựng tam giác phát triển du lịch biển đảo Cù Lao Chàm - Tam Hải (Núi Thành) – Lý Sơn (Quảng Ngãi) cũng được thúc đẩy, hứa hẹn mở ra triển vọng hình thành các sản phẩm du lịch biển độc đáo, nhất là khu vực phía nam. Đặc biệt, Nghị quyết 08 của Tỉnh ủy (08-NQ/TU) cũng đã xác định, bên cạnh chỉnh trang tuyến đường du lịch ven biển, việc đầu tư hạ tầng du lịch biển như khu thể thao, khu công viên, dịch vụ tiện ích công cộng; đẩy mạnh du lịch nghỉ dưỡng Nam Hội An… sẽ là mục tiêu chủ đạo thời gian tới.
Theo ông Phan Xuân Thanh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, biển đảo Quảng Nam hội tụ đầy đủ các yếu tố để phát triển du lịch, vấn đề là làm sao biến lợi thế biển đảo trở thành sản phẩm động lực thúc đẩy ngành du lịch phát triển. “Mặc dù sở hữu bờ biển dài 125km với rất nhiều bãi tắm đẹp, nhưng du lịch biển Quảng Nam, nhất là khu vực phía nam gần như chưa được biết đến nhiều, nên việc xúc tiến quảng bá, kêu gọi đầu tư cần được đẩy mạnh hơn nữa” - ông Thanh nói.
Ông Hồ Tấn Cường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, những năm qua bên cạnh hoàn thiện phát triển các dịch vụ, hạ tầng, sở cũng đã tham mưu tỉnh ban hành những quyết định cần thiết cho phát triển du lịch biển. Nổi bật là Quyết định 1633/QĐ-UBND phê duyệt Đề án quản lý và khai thác các bãi biển du lịch Hà My, Cửa Đại và Tam Thanh trong 2 năm 2013 – 2014, và tiếp theo giai đoạn 2016 – 2017 mở rộng ra thêm 2 bãi biển Bình Minh (Thăng Bình) và biển Rạn (Núi Thành). Kết quả, cơ sở hạ tầng tại các bãi biển được cải thiện, công tác vệ sinh và an ninh trật tự, cứu hộ được đảm bảo; từng bước xây dựng hệ thống tiện ích cộng cộng đi đôi với việc phát triển có chọn lọc, thử nghiệm các dịch vụ du lịch để thu hút du khách. “Hiện tại, sở tham mưu UBND tỉnh tiếp tục triển khai đề án giai đoạn 2019 – 2020 tại các bãi biển còn lại trên địa bàn tỉnh. Tiến đến hoàn thiện và thúc đẩy mạnh mẽ hơn các sản phẩm du lịch biển Quảng Nam nhằm phục vụ cho chiến lược phát triển du lịch Quảng Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh những năm tới” - ông Cường nói.
VĨNH LỘC