Chăm lo đời sống nữ công nhân
Chăm lo, bảo vệ quyền lợi từ đời sống vật chất đến đời sống tinh thần của nữ công nhân đã nhận được sự quan tâm của các cấp công đoàn cũng như các tổ chức trong tỉnh.
Nữ công nhân được khám toàn diện về mắt. Ảnh: D.L |
Chăm lo sức khỏe đôi mắt
Đây là năm thứ 2 tổ chức The Fred Hollows Foundation (FHF) phối hợp với Ngân hàng Standard Chartered thực hiện dự án Chăm sóc sức khỏe mắt cho công nhân nhà máy tại Quảng Nam. Cuối tuần qua, 3.066 công nhân (hơn 90% là nữ) của Công ty Rieker Việt Nam (KCN Điện Nam - Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn) đã được FHF khám mắt. Số công nhân này sau khi khám tổng quát định kỳ do Công ty Rieker thực hiện, đã phát hiện có các bệnh về mắt và được FHF tiếp tục khám chuyên sâu. Sau khi thăm khám, các bác sĩ kết luận hầu hết công nhân đều có thị lực thấp, một số trường hợp gặp bệnh nặng về mắt cần được phẫu thuật. Trong đó, FHF sẽ chọn khoảng 1.000 trường hợp công nhân có hoàn cảnh khó khăn hỗ trợ miễn phí. Những trường hợp cần phẫu thuật, FHF chi trả số tiền ngoài phần chi trả của bảo hiểm y tế nhưng không vượt quá 3 triệu đồng.
Bà Lê Thị Hạnh - Phó Trưởng ban nữ công (Liên đoàn Lao động tỉnh) cho biết, ngoài khám bệnh chuyên sâu về mắt cho công nhân, FHF còn hỗ trợ tuyên truyền, hướng dẫn cách chăm sóc mắt cho những công nhân có thị lực thấp. Đợt này FHF đã phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh mời bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng hướng dẫn hơn 700 công nhân, chủ yếu là nữ cách bảo vệ đôi mắt. Hầu hết nữ công nhân làm việc ở các công ty, xí nghiệp phần lớn chưa có ý thức bảo vệ đôi mắt, phần do điều kiện làm việc, hoàn cảnh mà họ chưa chú trọng vấn đề này. Dự án của FHF vào cuộc đã giúp nữ công nhân nâng cao ý thức và có điều kiện chăm sóc đôi mắt của mình tốt hơn. Đồng thời qua đó doanh nghiệp cũng biết cách cải thiện môi trường làm việc đảm bảo đủ ánh sáng, hạn chế ảnh hưởng tác động đến sức khỏe về mắt của người lao động.
Sâu sát đời sống
Chăm lo đời sống lao động nữ là nhiệm vụ trong thực hiện mục tiêu bình đẳng giới mà các cấp công đoàn đảm nhận. Hai năm gần đây, các cuộc tọa đàm, đối thoại với chủ đề về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình đã giúp nữ công nhân có điều kiện trải lòng về những “điều khó nói” trong đời sống gia đình. Còn nhớ buổi đối thoại được tổ chức ở Thăng Bình vào năm 2017, nhiều nữ công nhân lúc đầu dè dặt khi đề cập cuộc sống gia đình. Nhưng sau khi nghe các chuyên gia tư vấn tâm lý giải thích, họ hiểu và mạnh dạn chia sẻ, được lắng nghe và tư vấn. Còn tại các công ty, tài liệu tuyên truyền về bình đẳng giới hay kinh nghiệm về phòng chống bạo lực gia đình đã được đưa vào nội dung sinh hoạt của ban nữ công. Nhờ vậy nhiều chị em đã mạnh dạn sẻ chia cùng đồng nghiệp, từ đó có được kinh nghiệm quý trong cách nuôi dạy con, xây dựng gia đình hạnh phúc.
Bên cạnh đó, những hoàn cảnh được hỗ trợ kịp thời là nguồn động viên giúp nữ công nhân gắn bó với công việc, góp phần tạo nên giá trị của cải vật chất cho xã hội. Chị Võ Thị Bình (công nhân Công ty CCI, Núi Thành) chia sẻ: “Năm này tôi đã được công đoàn cơ sở công ty xét, đề nghị cấp trên hỗ trợ nhà “mái ấm công đoàn”. Tôi rất mừng vì từ nay 3 mẹ con đã có chỗ ở đảm bảo. Trước khi chồng tôi chưa mất vì tai nạn giao thông, hoàn cảnh cũng không đến nỗi, nhưng giờ anh ấy không còn, 3 mẹ con vất vả hơn nhiều. Tôi sẽ cố gắng để các con được học hành đầy đủ”. Hoàn cảnh của chị Bình đã nhận được sự quan tâm của công đoàn cấp trên, công đoàn cơ sở công ty và những đồng nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh - Trưởng ban nữ công (Liên đoàn Lao động tỉnh) cho biết: “Những hoàn cảnh nữ công nhân khó khăn đã nhận được sự quan tâm bằng những việc làm thiết thực. Đơn cử như doanh nghiệp lo cải thiện điều kiện làm việc tại nhà máy, chế độ tiền lương, phúc lợi xã hội đảm bảo, con ốm đau được thăm hỏi, tặng quà động viên, được đi tham quan dã ngoại, tham gia các hoạt động văn hóa thể thao, khám chữa bệnh. Hay hàng trăm chị em đã được hỗ trợ nhà “mái ấm công đoàn”, được vay vốn từ các quỹ “mái ấm tình thương”, “vì nữ công nhân lao động nghèo”, “góp vốn quay vòng”... Chị em công nhân ngoài làm việc trong doanh nghiệp, còn được hỗ trợ vốn phát triển kinh tế gia đình hiệu quả”.
LÊ DIỄM