Rừng núi Chúa
Nằm về phía tây huyện Núi Thành, khu vực núi Chúa (xã Tam Trà) thuộc rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Phú Ninh rất cần bảo tồn hệ sinh thái rừng tự nhiên một cách đặc biệt.
Cây chò 2 người ôm không xuể. Ảnh: P.B |
Khu vực núi Chúa thuộc lâm phận của Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh với tổng diện tích khoảng 3.000ha, phía nam giáp huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi), phía tây giáp huyện Bắc Trà My. Núi Chúa có địa hình hiểm trở, được tạo bởi các dãy núi cao nối tiếp nhau từ tây sang đông, sườn nghiêng về phía bắc, hình thành vòng cung với đỉnh cao nhất 1.400m so với mực nước biển, tạo nên nhiều suối lớn nhỏ chảy về địa bàn xã Tam Trà, Tam Sơn, Tam Mỹ Tây rồi đổ ra hồ Phú Ninh. Khí hậu nơi đây mang đặc điểm chung của khí hậu nhiệt đới ẩm, gió mùa lượng mưa trung bình trong năm là 2.531,5mm. Chịu sự chi phối chung của gió tây nam và gió đông nam hoạt động từ tháng 3 đến tháng 7, gió đông bắc hoạt động từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau.
Thực tế cho thấy, qua khảo sát của đoàn công tác huyện Núi Thành (gồm kiểm lâm, công an, nông nghiệp và địa phương) ở độ cao 1.000m ban ngày nhiệt độ 20 - 220C, ẩm độ 94 - 95%, ban đêm nhiệt độ xuống thấp và ẩm độ tăng, cứ lên cao 100m so với mực nước biển thì nhiệt độ giảm xuống 0,50C. Tuy nhiên, với địa hình hiểm trở và độ cao lớn nên quanh năm khu vực núi Chúa có lượng mưa nhiều và độ ẩm duy trì ở mức khá cao, rất thích nghi cho nhiều loài thực vật sinh trưởng, phát triển, nhất là những loài cây thích nghi với khí hậu lạnh. Đặc biệt, ở khu vực có độ cao từ 700 - 1.300m có một số loài cây dược liệu quý như cây sâm đất, sâm rễ, thạch xương bồ, lan kim tuyến (lan gấm), sa nhân đỏ, chè dây... rất nhiều, nhất là ở độ cao 800 - 1.200 mét so với mực nước biển. Riêng cây sa nhân đỏ phân bố dọc theo các con suối từ chân đến giữa núi. Theo người dân địa phương, những loại cây dược liệu ở khu vực núi Chúa dùng làm thuốc bổ và chữa bệnh rất tốt.
Rừng tự nhiên khu vực núi Chúa có vai trò quan trọng đối với môi trường, nhất là giữ được mạch nước ngầm và điều phối, duy trì dòng chảy của các con sông, suối đổ về hồ Phú Ninh. Trong những năm qua, công tác bảo vệ và phát triển rừng ở khu vực núi Chúa đã được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm, nêu cao tinh thần trách nhiệm, làm tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng khu vực núi Chúa. Vì vậy, diện tích rừng tự nhiên và tài nguyên rừng ở khu vực ít bị tác động, nhiều loại cây gỗ lớn có giá trị như giổi, huỷnh, chò... với đường kính 1 - 1,5m rất nhiều, được phân bố đồng đều và nguyên vẹn. Thiết nghĩ, cùng với việc bảo tồn một số loài cây quý hiếm nêu trên, chúng ta cần di thực trồng thử nghiệm một số loài cây quý và dược liệu có giá trị như sâm Ngọc Linh, ba kích và kết hợp du lịch sinh thái, chắc chắn nơi đây sẽ trở thành điểm đến nổi tiếng trong nay mai bởi mang 4 đặc tính riêng biệt: đặc trưng, đặc thù, đặc sắc và đặc biệt.
PHAN BI