Thợ hồ xóm Cồn Thị

THANH XUÂN - MINH TẤN 04/10/2018 05:52

Xóm Cồn Thị (khối phố 6, phường Phước Hòa, TP.Tam Kỳ) hầu hết gia đình đã xây nhà mới khang trang, đời sống vật chất và tinh thần nâng lên rõ rệt. Đó là nhờ người dân nơi đây chuyển đổi ngành nghề, trong đó chủ yếu làm nghề xây dựng.

Thợ cả của đội thợ hồ xóm Cồn Thị. Ảnh: XUÂN TẤN
Thợ cả của đội thợ hồ xóm Cồn Thị. Ảnh: XUÂN TẤN

Bốn năm nay, chị Huỳnh Thị Nga đã bỏ nghề bán cá để làm phụ hồ cùng chồng. “Bán cá thì khỏe hơn nhưng thu nhập ít, làm phụ hồ tuy vất vả nhưng có tiền hơn” - chị Nga cho biết. Có nhiều lao động ở xóm Cồn Thị trước đây làm nghề sông nước là chính, nay cũng đã chọn nghề thợ hồ bởi thu nhập của nghề này hiện nay khá cao. Anh Huỳnh Tam được biết đến là “con rái cá” của sông nước, bởi anh đánh bắt cá rất giỏi và sống với nghề mấy chục năm, bây giờ anh cũng trở thành thợ phụ hồ. Anh Tam cho biết: “Giờ tôm cá ít dần nên cũng không có thu nhập gì, thỉnh thoảng tôi chỉ đi đánh bắt để cải thiện bữa ăn cho gia đình. Nghề chính hiện nay của tôi là thợ hồ. Mùa nắng, có việc thường xuyên, mỗi ngày tôi kiếm được 200 - 300 nghìn đồng”.

Hiện phần lớn lao động ở xóm Cồn Thị đã chuyển sang nghề thợ hồ. Những người lớn tuổi, lâu năm trong nghề dạy nghề lại cho lớp trẻ, lúc đầu họ làm thợ phụ sau quen dần trở thành thợ chính. Ông Huỳnh Văn Thọ là thợ cả đã 40 năm, đến nay ông vẫn khẳng định nghề này đủ để nuôi sống gia đình. “Cả đời tôi chỉ làm nghề này, bây giờ già rồi, vừa làm vừa dạy nghề cho mấy đứa cháu. Mỗi tháng thu nhập cũng được 7 - 8 triệu đồng” - ông Thọ nói. Còn lớp trẻ không làm công nhân cũng chọn nghề thợ hồ để mưu sinh, hiện có đến một nửa số thợ hồ của xóm có tuổi đời 22 - 30. Anh Nguyễn Văn Việt theo các bậc đàn anh làm thợ hồ từ năm 23 tuổi, chỉ sau 4 năm anh đã lên làm thợ chính. “Hiện nay tìm việc cũng khó nên em quyết định theo nghề thợ hồ, em thích nghề này và cũng có thu nhập cao từ nghề”.

Xóm Cồn Thị hiện có gần 50 người làm thợ hồ, chiếm gần 40% so với tổng số hộ của xóm, đây được xem là địa phương có lực lượng thợ hồ đông nhất thành phố. Nhưng để làm ăn ổn định và hiệu quả, vài năm nay thợ hồ xóm Cồn Thị thành lập thành 3 đội thợ, do những người có năng lực đứng ra quản lý nhận công trình. Họ làm việc đoàn kết, cùng chia sẻ khó khăn, sẵn sàng tạo công ăn việc làm cho bất cứ ai có nhu cầu. Anh Trần Văn Dũng là một trong 3 chủ thầu, đứng ra nhận công trình để 13 thợ hồ của đội anh luôn có việc làm, bản thân anh cũng làm thợ với mọi người. Anh Dũng cho biết: “Nếu làm ăn riêng lẻ sẽ không thể cạnh tranh được với các đội thợ ở những nơi khác nên chúng tôi tập hợp anh em trong xóm thành các đội làm ăn có quy củ. Nếu đội này nhận nhiều công trình thì chia cho đội kia, hoặc gọi thợ của đội kia đi làm để anh em thợ hồ trong xóm luôn có việc”.

Quá trình phát triển đô thị đã tác động đến cuộc sống của người dân Cồn Thị. Thợ hồ xóm Cồn Thị có cơ hội phát triển quy mô, bởi họ có tiếng trong giới thợ hồ và nghề này cũng đã và đang thay đổi cuộc sống của gia đình họ và của cả xóm nghèo bên sông.

THANH XUÂN - MINH TẤN

THANH XUÂN - MINH TẤN