Nhân ngày Toàn dân phòng cháy chữa cháy (4.10): Chuyển biến từ nhận thức

THÀNH CÔNG 04/10/2018 02:07

Hiểm họa cháy nổ luôn tiềm ẩn. Bằng nỗ lực ngăn ngừa, phòng chống cháy nổ, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn (PCCC&CHCN) Công an Quảng Nam đã có nhiều hoạt động đồng bộ, tạo được chuyển biến lớn trong nhận thức của các ngành, các cấp và nhân dân, giảm nỗi lo cháy nổ.

Diễn tập PCCC tại khách sạn Mường Thanh (TP.Tam Kỳ). Ảnh: T.C
Diễn tập PCCC tại khách sạn Mường Thanh (TP.Tam Kỳ). Ảnh: T.C

HIỂM HỌA TIỀM ẨN

Hàng chục vụ cháy xảy ra trong 9 tháng đầu năm 2018 tiếp tục đặt ra nhiều áp lực cho công tác PCCC tại địa phương. Những nguyên nhân xảy ra cháy được phân tích, đánh giá để nhìn nhận nguy cơ, từng bước tìm kiếm giải pháp ngăn ngừa nạn cháy nổ.

Nhiều vụ cháy

Năm 2018, hàng chục vụ cháy lớn nhỏ được ghi nhận trên toàn quốc, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của. Hồi chuông báo động về hiểm họa cháy được gióng lên, trong đó, tại Quảng Nam, số vụ cháy cũng tăng cao, nhiều vụ việc cháy mức độ lớn, gây thiệt hại nặng cho người dân và doanh nghiệp. Thống kê cho thấy, đến tháng 10. 2018, toàn tỉnh xảy ra 38 vụ cháy, trong đó có 4 vụ nghiêm trọng, làm chết 1 người, thiệt hại tài sản ước tính hơn 32 tỷ đồng. Vụ cháy lớn đầu tiên được ghi nhận vào ngày 9.1, xảy ra tại nhà máy Ethanol Quảng Nam thuộc Công ty CP Nhiên liệu sinh học Tùng Lâm tại xã Đại Tân (Đại Lộc). Cơ quan chức năng đã phải huy động 11 xe chữa cháy cùng nhiều trang thiết bị chuyên dụng phối hợp chữa cháy, nhưng phải mất hơn một giờ đồng hồ, đám cháy mới được khống chế. Cuối tháng 8.2018, tại cây xăng dầu Khải Hoàng 2 (thị trấn Hà Lam, Thăng Bình) cũng xảy ra cháy, rất may sự có mặt ứng cứu kịp thời của lực lượng PCCC đã giúp khống chế ngọn lửa, không để xảy ra cháy lan, hạn chế thấp nhất thiệt hại. Vào ngày 2.9, tại cơ sở thu mua phế liệu ở thôn La Thọ 2 (xã Điện Hòa, Điện Bàn), ngọn lửa bất ngờ bùng phát đã thiêu rụi khu kho chứa phế liệu.

Các vụ cháy xảy ra rải rác ở khắp các địa phương trong địa bàn tỉnh là lời cảnh báo về hiểm họa cháy nổ vẫn đang hiện hữu. Không riêng các nhà máy, xí nghiệp, kho chứa, năm 2018 cũng đã xuất hiện nhiều vụ cháy nhà dân, đặc biệt là ở miền núi. Ngày 29.9 vừa qua, căn nhà anh Trần Hồng S. (trú thôn 1, xã Trà Dơn, Nam Trà My) bốc cháy dữ dội. Hai cha con anh S. bị bỏng nặng trong vụ cháy, phải đưa đi điều trị tại bệnh viện đa khoa tỉnh, căn nhà bị lửa thiêu rụi hoàn toàn. Đây chỉ là một trong số 10 vụ cháy nhà dân được lực lượng PCCC&CHCN ghi nhận từ đầu năm đến nay, cho thấy rủi ro cháy nổ vẫn đang tiềm ẩn trong từng nhà máy, kho xưởng cho đến nhà dân, từ đồng bằng đến các huyện miền núi.

Nhận diện nguy cơ

Theo Thiếu tá Trương Đức Thuận - Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH  Công an tỉnh, tốc độ phát triển khá nhanh của các khu đô thị, dân cư tập trung, các loại hình du lịch, dịch vụ tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh cháy nổ, đặc biệt ở các chung cư cao tầng, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, nhà ở liên kế. Tại Quảng Nam, dù ít nỗi lo cháy nổ nhiều nhà cao tầng, chung cư… như các địa phương khác trong cả nước, song sự gia tăng số lượng cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC và số lượng cơ sở nguy hiểm về cháy nổ kéo theo nguy cơ xảy ra cháy và cháy lớn ngày càng cao. Trong đó, tập trung vào các cơ sở kinh doanh xăng dầu, khí đốt hóa lỏng, cơ sở sản xuất, bảo quản vật liệu nổ công nghiệp. Ngoài ra, toàn tỉnh có hơn 115 chợ, siêu thị, hơn 100 cơ sở dệt may, hàng trăm cơ sở kinh doanh vũ trường, karaoke… đều là những nơi nguy cơ xảy ra cháy khá lớn. “Hiện nay, có nhiều cơ sở được hình thành và đưa vào hoạt động trước năm 2001, trước thời điểm Luật PCCC có hiệu lực thi hành, nhưng không đảm bảo các điều kiện về an toàn PCCC theo quy định. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có giải pháp giải quyết dứt điểm ở các cơ sở này, nguy cơ cháy nổ vẫn còn tiềm ẩn” - Thiếu tá Trương Đức Thuận cho hay.

Nỗi lo cháy nổ không chỉ tập trung ở các cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC. Trong dân cư, cháy nổ có thể xuất hiện ở bất cứ gia đình nào, trong bất kỳ thời điểm nào, từ những nguyên nhân tưởng chừng nhỏ nhặt. Nhu cầu sử dụng các loại năng lượng điện, xăng dầu, khí đốt, hàng hóa vật tư dễ cháy trong sinh hoạt và sản xuất của người dân ngày càng lớn. Nguy cơ cháy nổ theo đó gia tăng, nhất là ở các gia đình kết hợp nhà ở và sản xuất kinh doanh. Ghi nhận tại nhiều vụ cháy nhà dân đã từng xảy ra, việc chủ quan trong sinh hoạt, sản xuất là nguyên nhân phổ biến. Ở một số địa bàn miền núi, thói quen đặt bếp giữa nhà, đỏ lửa cả ngày lẫn đêm, vật liệu làm nhà bằng gỗ, tre lá dễ bắt lửa là nguyên nhân chính gây cháy. Nhiều nhà ở kết hợp kinh doanh buôn bán, chứa nhiều hàng hóa dễ cháy nhưng lại không có người trông nom, vị trí thắp hương gần chỗ đặt hàng hóa có thể gây cháy. Trong khi đó, cách bố trí, lắp đặt hệ thống điện không đúng thiết kế, chưa đảm bảo an toàn cũng là một trong số nhiều nguyên nhân phổ biến gây cháy. Biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến phức tạp cũng tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy nổ, sự cố tai nạn trên địa bàn tỉnh.

“NGĂN LỬA” Ở PHỐ CỔ

Với hơn 3 triệu lượt khách du lịch mỗi năm, cùng với mật độ cư dân, dịch vụ kinh doanh dày đặc, vấn đề cháy nổ trở thành nỗi lo thường trực đối với nhiều người dân TP.Hội An. Để chủ động “ngăn lửa”, Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Bắc Quảng Nam (đóng tại Hội An) đã chung tay với chính quyền địa phương giữ an toàn cho phố cổ.

Người dân phố cổ Hội An đã tự trang bị bình chữa cháy để phòng ngừa hỏa hoạn. Ảnh: T.C
Người dân phố cổ Hội An đã tự trang bị bình chữa cháy để phòng ngừa hỏa hoạn. Ảnh: T.C

Ông Đinh Ngọc Ánh, chủ tiệm kinh doanh vải vóc, hàng lưu niệm trên tuyến đường Nguyễn Thái Học (phường Minh An) cho hay, cửa hàng ông trang bị đến 4 bình chữa cháy ở các vị trí thuận lợi để dễ dàng sử dụng khi có sự cố cháy . Nhân viên cửa hàng cũng đã được tham gia các lớp tập huấn do chính quyền phối hợp tổ chức, từ đó áp dụng vào thực tiễn để giảm nguy cơ cháy bằng những thao tác đơn giản như ngắt cầu dao điện trước khi đóng cửa, không để nhiều chân nhang trong bát hương, hương tắt hẳn mới rời quán… Ngoài ông Ánh, các cửa hàng khác cũng đều tự trang bị cho mình bình chữa cháy, sẵn sàng sử dụng phòng cháy cho gia đình và hỗ trợ khi có tình huống cháy xảy ra trong khu phố cổ.

Ông Tạ Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch UBND phường Minh An nói, phố cổ là nơi tập trung khá nhiều nhà cổ bằng gỗ, kinh doanh các mặt hàng dễ cháy, lại được bày bán trong không gian nhà cổ vốn rất “tiết kiệm” về diện tích. Đặc biệt, các nhà cổ hầu hết được cho thuê, đến đêm thường đóng cửa, không có người túc trực... nên nguy cơ xảy cháy hiện hữu khá rõ. Liên tiếp trong năm 2016 và 2017, hai căn nhà số 76 và số 95 ở con đường này đã xảy cháy, dù không gây thiệt hại lớn về người và của nhưng cũng làm gia tăng nỗi lo cháy nổ trong nhân dân. Hiện nay, nhờ thường xuyên tuyên truyền, vận động, ý thức của các hộ dân về phòng ngừa cháy nổ đã tăng lên rõ rệt. “Đặc biệt, trong phố cổ hầu hết đều có camera quan sát, nhờ đó người dân đã hỗ trợ cơ quan công an trong việc theo dõi, kịp thời phát hiện các sự cố về an ninh, cháy nổ, giúp việc giám sát, xử lý nhanh hơn so với trước đây” - ông Ánh nói.

Đồng hành với chính quyền địa phương, Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Bắc Quảng Nam một mặt tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân phố cổ về việc đảm bảo an toàn phòng cháy, mặt khác thường xuyên kiểm tra, kịp thời nhắc nhở, đề nghị khắc phục ngay các yếu tố có nguy cơ gây cháy. Thiếu tá Phạm Quang Ngọc - Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, phụ trách Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Bắc Quảng Nam cho hay, đơn vị đã lập hồ sơ, điều tra cơ bản về tình hình an toàn phòng cháy ở toàn khu vực phố cổ, đồng thời cử cán bộ trực tiếp đứng điểm, quản lý công tác PCCC và tăng cường túc trực ngày Rằm, mùng Một. Vừa qua, đơn vị cũng đã phối hợp với Đoàn thanh niên thành phố tổ chức kiểm tra, lắp đặt và thay mới hệ thống điện ở những nơi không đảm bảo an toàn trong nhà dân, hạn chế nguy cơ cháy nổ do chập điện. “Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến việc bảo vệ an toàn cho hai di sản trên địa bàn quản lý là Hội An và Mỹ Sơn. Đối với Hội An, trong điều kiện biên chế nhân lực khá hạn hẹp, song đơn vị vẫn tăng cường cán bộ trong khu vực phố cổ nhằm duy trì việc kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời các thiếu sót và củng cố khả năng xử lý nhanh tình huống cháy nổ phát sinh” - Thiếu tá Phạm Quang Ngọc cho hay.

PHÒNG NGỪA Ở CƠ SỞ

Với vai trò chủ lực trong công tác phòng và chữa cháy, lực lượng Cảnh sát PCCC&CHCN Công an tỉnh đã có nhiều giải pháp phối hợp, tăng cường nhận thức, từ đó nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy ngay từ cơ sở.

Hướng dẫn học sinh kỹ năng chữa cháy trong chương trình “trải nghiệm một ngày làm chiến sĩ PCCC”. Ảnh: T.C
Hướng dẫn học sinh kỹ năng chữa cháy trong chương trình “trải nghiệm một ngày làm chiến sĩ PCCC”. Ảnh: T.C

Tuyên truyền trong trường học

Sáng ngày 1.10.2018, ngay sau giờ chào cờ đầu tuần, hàng trăm học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP.Tam Kỳ) có buổi sinh hoạt ngoại khóa về PCCC. Không chỉ được nghe phần thuyết trình kỹ năng ứng phó sự cố cháy do cán bộ đoàn viên của Chi đoàn Phòng PCCC&CHCN Công an tỉnh trình bày, học sinh nhà trường còn có dịp thực hành xử lý sự cố cháy bình khí gas dưới sự hướng dẫn của chiến sĩ PCCC. Những kiến thức khá mới mẻ, kỹ năng xử lý đơn giản, dễ hiểu giúp học sinh nhanh chóng nắm bắt, có thể áp dụng ngay trong trường hợp xảy ra sự cố cháy. Khi xây dựng nội dung tuyên truyền, cán bộ Phòng PCCC&CHCN cũng sử dụng những tình huống gần gũi nhất, dễ xảy ra nhất trong thực tiễn, nhằm giúp học sinh có cơ hội vận dụng, kịp thời ngăn ngừa tình huống cháy nổ phát sinh. Đây là cách làm khá hiệu quả, được đơn vị áp dụng trong chương trình tuyên truyền PCCC ở nhiều đơn vị, trường học thời gian qua.

Thiếu tá Trương Đức Thuận - Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CHCN Công an tỉnh, để đưa các nội dung PCCC, kỹ năng xử lý sự cố đến gần hơn với đông đảo nhân dân, Phòng Cảnh sát PCCC&CHCN giao nhiệm vụ cho chi đoàn và các hội trực thuộc đơn vị xây dựng công trình, phần việc gắn với thực tiễn hoạt động. Tiêu biểu như chương trình tuyên truyền PCCC trong trường học được giao cho Đoàn thanh niên phụ trách, từ đó các đoàn viên có cơ hội đổi mới, sáng tạo cách thức, áp dụng chuyên môn. Năm 2018 còn được đánh dấu bằng hàng loạt hoạt động tuyên truyền, giáo dục kỹ năng ứng phó với sự cố cháy nổ dưới nhiều hình thức mới lạ, sinh động của lực lượng PCCC&CHCN tỉnh. “Trong công tác xây dựng phong trào toàn dân PCCC, đơn vị đã đổi mới cách thức tuyên truyền, xây dựng và nhân rộng mô hình “Khu dân cư an toàn về PCCC”, “Đội xung kích PCCC”. Đặc biệt, lần đầu tiên chúng tôi tổ chức chương trình trải nghiệm “Một ngày làm chiến sĩ PCCC”, tạo được hiệu ứng khá tích cực đối với học sinh lẫn phụ huynh,  giúp thay đổi nhận thức về PCCC và kỹ năng ứng phó sự cố cháy. Nhiều trường học cũng đã chủ động liên hệ với đơn vị đề nghị phối hợp tổ chức các nội dung ngoại khóa liên quan đến PCCC” - Thiếu tá Trương Đức Thuận thông tin.

Thay đổi tư duy

Hoàn thiện hệ thống văn bản, kế hoạch phòng cháy
Thượng tá Trần Công Tiết - Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CHCN Công an tỉnh cho biết, ngay từ đầu năm đơn vị đã tham mưu lãnh đạo UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản triển khai công tác rà soát, kiểm tra PCCC tại các cơ sở đưa vào sử dụng trước năm 2001; kế hoạch ứng phó sự cố cháy nổ lớn, nhà cao tầng, khu công nghiệp, khu đô thị, dân cư trên địa bàn tỉnh, quy định tiêu chí an toàn PCCC đối với nhà liền kề… Những nội dung này đã góp phần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, là cơ sở để triển khai hoạt động PCCC trên toàn tỉnh. Từ đầu năm đến nay, đơn vị cũng đã thực hiện hướng dẫn, kiểm tra PCCC tại 2.961 lượt cơ sở, hướng dẫn, đề nghị khắc phục 10.471 kiến nghị về PCCC. Qua công tác kiểm tra, phúc tra, đã lập biên bản và thực hiện xử lý vi phạm quy định về PCCC đối với 80 trường hợp, trong đó đình chỉ hoạt động 2 trường hợp, tạm đình chỉ 4 trường hợp và phạt tiền 74 trường hợp với số tiền hơn 200 triệu đồng.

Không chỉ gói gọn trong trường học, lực lượng PCCC&CHCN tỉnh xây dựng khá nhiều nội dung tuyên truyền hướng đến từng đối tượng cụ thể, như các điểm chợ, nhà máy xí nghiệp, nhà hàng khách sạn, khu dân cư tập trung… Từ sự phối hợp với các đơn vị như Tỉnh đoàn, Công đoàn các khu công nghiệp, Đoàn khối doanh nghiệp tỉnh, Phòng Cảnh sát PCCC&CHCN đã tổ chức các hội thi tìm hiểu kỹ năng, kiến thức về PCCC. Gần đây nhất, phòng phối hợp với Chi nhánh xăng dầu khu vực V và UBND phường An Mỹ (TP.Tam Kỳ) tổ chức hai đợt hội thao kỹ thuật PCCC cho lực lượng PCCC cơ sở và lực lượng dân phòng - đội ngũ tiếp cận và có khả năng xử lý sớm nhất khi xảy ra sự cố cháy. Những hoạt động này góp phần không nhỏ trong việc hình thành một nhận thức mới về PCCC, từ đó tạo được sự chuyển biến tích cực trong đông đảo các tầng lớp. Ông Lê Quang Trọng - Phó Giám đốc khách sạn Mường Thanh Quảng Nam chia sẻ, từ công tác phối hợp giữa bộ phận quản lý khách sạn và cán bộ PCCC tỉnh, khách sạn Mường Thanh đã hoàn thiện, củng cố hệ thống trang thiết bị PCCC, được thẩm duyệt đảm bảo an toàn. Ngoài ra, khách sạn xây dựng đội PCCC tại chỗ với 33 cán bộ, nhân viên của khách sạn, được Phòng Cảnh sát PCCC&CHCN huấn luyện nghiệp vụ. “Từ khi đi vào hoạt động đến nay, công tác PCCC luôn được chúng tôi đặc biệt chú trọng, vừa để đảm bảo an toàn trong quá trình vận hành, vừa giữ gìn tài sản, tạo được uy tín về chất lượng dịch vụ của khách sạn bên cạnh một số tiêu chí khác. Chúng tôi cũng đã phối hợp Phòng Cảnh sát PCCC&CHCN tổ chức diễn tập chữa cháy ngay tại khách sạn, nhằm trang bị kỹ năng ứng phó, xử lý sự cố cho cán bộ công nhân viên” - ông Trọng nói.

Để phòng ngừa cháy nhà xưởng sản xuất, tại một số khu cụm công nghiệp, công tác tập huấn, diễn tập phòng và chữa cháy được duy trì thường xuyên. Ông Nguyễn Văn Chúng - Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Chu Lai cho biết, đơn vị luôn chú trọng đến công tác PCCC ở hai khu công nghiệp Bắc Chu Lai và Tam Thăng (do công ty quản lý). Khi đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, đơn vị đã bố trí đầy đủ trụ nước ở các vị trí thích hợp để sẵn sàng phục vụ cho công tác PCCC. Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp cũng đã đệ trình và được cơ quan chức năng phê duyệt phương án PCCC trước khi cấp phép hoạt động. “Công ty luôn phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát đôn đốc các công ty trong hai khu công nghiệp chuẩn bị đầy đủ phương án, phương tiện và lực lượng tại chỗ để sẵn sàng ứng phó trước các sự cố cháy. Hàng năm, chúng tôi tổ chức tập huấn công tác PCCC cho các đơn vị trong hai khu công nghiệp. Tất cả nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối và sẵn sàng ứng phó để hạn chế thấp nhất sự cố có thể xảy ra” - ông Nguyễn Văn Chúng nói.

CẢNH GIÁC VỚI CHÁY TÀU CÁ

Nạn cháy tàu cá dù mới xảy ra trong thời gian gần đây nhưng thiệt hại mỗi vụ là hết sức nặng nề. Ngư dân trắng tay vì hỏa hoạn, dù tàu nằm ngay trên mặt nước, và rủi ro cháy tàu vẫn hiện hữu nếu ngư dân không biết tự bảo vệ tài sản của chính mình.

Một vụ cháy tàu cá nghiêm trọng gây thiệt hại nặng cho ngư dân trong năm 2018. Ảnh: T.C
Một vụ cháy tàu cá nghiêm trọng gây thiệt hại nặng cho ngư dân trong năm 2018. Ảnh: T.C

Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh, từ đầu năm 2018 đến nay trong tỉnh đã xảy ra ít nhất 5 vụ cháy tàu cá gây thiệt hại hàng tỷ đồng cho ngư dân. Trong số 5 vụ này, có 4 vụ tàu cá của ngư dân Quảng Nam bị cháy, vụ còn lại là cháy tàu cá của ngư dân tỉnh Nghệ An đang neo đậu ở Tam Quang, Núi Thành. Gần đây nhất được ghi nhận là vụ cháy tàu cá QNa-94321 của ông Lâm Xuân Sứ (thôn 6, xã Bình Dương, Thăng Bình) khi đang neo đậu trong âu thuyền Hồng Triều. Ngọn lửa bùng lên dữ dội thiêu rụi toàn bộ tàu cá, thiệt hàng ước tính nhiều tỷ đồng. Cháy tàu không còn là tai nạn hy hữu mà đã trở thành hiểm họa thường trực đe dọa đến tính mạng, tài sản của ngư dân.

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nhìn nhận, thời gian gần đây, chính sách hỗ trợ ngư dân khá đa dạng, điều kiện của ngư dân cũng ngày càng được cải thiện nên số tàu cá được cải hoán, nâng công suất và đóng mới càng nhiều, sử dụng thiết bị, máy móc hiện đại hơn. Việc đánh bắt đòi hỏi nhu cầu sử dụng năng lượng cao hơn, hệ thống máy móc cũng nhiều và phức tạp hơn so với trước, nên tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy. Ngoài ra, do đặc thù đánh bắt lâu ngày, ngư dân trữ bếp gas, dầu khá nhiều, là nguồn bắt lửa mạnh nên khi xảy ra sự cố cháy, hầu như không thể dập lửa, gây thiệt hại nặng. Tàu cá phần lớn hoạt động độc lập, do đó khi xảy ra cháy, việc tiếp cận mất nhiều thời gian. Trong khi đó, với lượng lớn xăng dầu, khí gas trên tàu, lửa đã bùng phát thì khả năng ứng cứu gần như là không thể. Ngoài ra, hệ thống điện phức tạp trên tàu dễ gây chập cháy, một số trường hợp khi cập bờ, chuột ở trên bờ chui xuống tàu là nơi chứa hải sản, sau đó cắn phá gây chập điện cũng là nguyên nhân phổ biến gây ra các vụ cháy tàu. “Nhiều nguyên nhân, nhưng chung quy nhất vẫn là sự chủ quan của con người, bao gồm chủ tàu, thuyền trưởng và thuyền viên trong việc tự bảo vệ tài sản của mình. Để khắc phục tình trạng này, chúng tôi đã đề xuất với các địa phương có đội tàu lớn cần phối hợp lực lượng PCCC nâng cao ý thức, nhận thức của người dân, trang bị các phương tiện chữa cháy, tập huấn kỹ năng tác nghiệp ban đầu khi xảy ra cháy tàu. Ngoài ra, khi tàu về cảng neo đậu, lực lượng thủy sản của địa phương và thanh tra thủy sản cũng phối hợp kiểm tra, nhắc nhở ngư dân. Riêng ban quản lý các cảng đều có trang bị hệ thống bình chữa cháy tại chỗ. Chúng tôi cũng có đề xuất đội ngũ đăng kiểm tàu cần có kỹ sư chuyên về điện để kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn của hệ thống điện trên tàu, kịp thời yêu cầu chủ tàu khắc phục để đảm bảo an toàn” - ông Tấn nói.

THÀNH CÔNG

THÀNH CÔNG