Sự độc quyền

C.B.L 04/10/2018 02:02

Xăng dầu đang rục rịch tăng giá khiến dư luận cũng rục rịch nỗi lo về giá cả hàng hóa có thể tăng theo. Đây là thời điểm cuối năm, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân gia tăng, nỗi lo ấy như càng có lý do hơn và có thể sẽ dễ thấy hơn sự tác động của giá cả mặt hàng này lên thị trường.

Trong luồng dư luận xung quanh tăng thuế môi trường, tăng giá xăng dầu, nhiều phương tiện báo chí tiếp tục đề cập câu chuyện độc quyền trong kinh doanh. Báo Giao Thông dẫn lời Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh tại cuộc làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng vừa qua, nhấn mạnh quan điểm không nên cho rằng, Tập đoàn Petrolimex được hưởng đặc quyền, độc quyền trong kinh doanh xăng dầu. Theo ông Khánh, hiện có sự “hiểu nhầm” về việc Petrolimex chiếm 48% thị phần bán lẻ xăng dầu, cho rằng Petrolimex là doanh nghiệp độc quyền. Thị phần bán lẻ này không phải là sở hữu 100% của Petrolimex. Các đại lý là sở hữu của các thành phần kinh tế khác tham gia hệ thống phân phối do Petrolimex lập ra, nếu không thích họ có thể ra đi bất cứ lúc nào. Và nếu để Petrolimex được kinh doanh theo cơ chế thị trường, không phải chịu hạn chế về hành chính, thì hiệu quả kinh doanh còn tốt hơn nữa, lãi lớn hơn nữa.

Hạn chế về hành chính như vừa đề cập, có thể hiểu rằng đó là biện pháp quản lý của Nhà nước nhằm ổn định giá cả xăng dầu, bên cạnh tạo điều kiện để doanh nghiệp cạnh tranh sòng phẳng theo cơ chế thị trường. Doanh nghiệp hoạt động giữa hai mục tiêu này sẽ gặp khó khăn. Thực tế đây không chỉ là cái khó của riêng ngành xăng dầu, mà ở lĩnh vực điện lực cũng gặp phải điều tương tự. Trên địa bàn Quảng Nam, nhiều nông dân đang gặp khó khăn về quy định không được kéo điện 3 pha phục vụ sản xuất trên những ao tôm tự phát. Nếu muốn được kéo điện 3 pha, các điều kiện kèm theo là ao tôm phải nằm trong vùng quy hoạch, có hệ thống xử lý nước thải... Thực tế trên địa bàn tỉnh, không mấy ao nuôi có thể đáp ứng điều kiện này, trong khi đây là nghề chủ lực của người dân ở nhiều địa phương. Nhiều nông dân cho rằng, ngành điện lực đã làm thay cho Nhà nước về quản lý tình trạng nuôi tôm tự phát, bởi đây là cách tốt nhất để hạn chế nông dân mở rộng quy mô sản xuất! Trong khi đó, điện lực cũng là doanh nghiệp, trong xu thế phá vỡ thế độc quyền, họ cũng cần phải cạnh tranh, phải chăm sóc và đáp ứng nhu cầu của khách hàng, nên xét về góc độ này, Nhà nước đã gây ra cái khó cho điện lực.

Tất nhiên, các ngành kinh doanh chủ lực của Nhà nước đôi khi cũng là công cụ để tham gia quản lý xã hội. Vì vậy dễ gây ra sự “hiểu nhầm” cho khách hàng của họ về sự độc quyền. Và để trở thành những công cụ tham gia quản lý xã hội, thì trước hết ở lĩnh vực kinh doanh đó phải có rất ít sự cạnh tranh. Ví dụ người dân nuôi tôm thực ra đã không có sự lựa chọn nào khi ngành điện từ chối nhu cầu của họ, nên “công cụ” này mới được phát huy. Vậy phải hiểu như thế nào để “không nhầm” về sự độc quyền?

C.B.L

C.B.L