IMF cảnh báo kinh tế toàn cầu phát triển chậm lại
(QNO) - Trong buổi họp báo hôm qua (1.10) tại Washington (Mỹ), Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde lên tiếng báo động về rủi ro kinh tế toàn cầu.
Nhà lãnh đạo IMF - Christine Lagarde. Ảnh: AP |
Bà Christine Lagarde cho biết, trong tháng 7 vừa qua, IMF dự báo tăng trưởng toàn cầu 3,9% cho năm 2018 và 2019. Nhưng triển vọng từ đó trở nên kém tươi sáng và có thể IMF sẽ điều chính mức tăng trưởng này vào tuần tới nhân của họp thường niên của IMF tại Bali, Indonesia.
Bà Lagarde cho rằng “thời tiết kinh tế” bắt đầu thay đổi sau cuộc họp thường niên của IMF tại Washington vào cuối năm 2017, khi phần lớn thế giới đang trải qua giai đoạn tăng trưởng kinh tế mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Mặc dù vẫn có những điểm sáng trong nền kinh tế thế giới như tỷ lệ thất nghiệp giảm, số người sống trong tình trạng nghèo cùng cực giảm xuống mức thấp kỷ lục dưới 10%, tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong 7 năm, nhưng dữ liệu gần đây đã bắt đầu cho thấy sự giảm tốc. Hoạt động của các nhà máy từ châu Á sang châu Âu đồng loạt sụt giảm trong tháng 9.
Theo Bloomberg, nhà lãnh đạo IMF cảnh báo bảo hộ thương mại gia tăng, các cuộc chiến tranh thương mại và tín dụng thắt chặt đang cản trở triển vọng kinh tế toàn cầu. “Sáu tháng trước, tôi chỉ vào những đám mây có nguy cơ trên đường chân trời. Hôm nay, một số trong những rủi ro đã bắt đầu hiện thực hóa” - bà Christine Lagarde nói.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa áp dụng thuế bổ sung 10% lên 200 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Bắc Kinh trả đũa bằng cách áp thuế lên 60 tỷ USD lên hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất, nhì thế giới chưa có hồi kết khi Trung Quốc từ chối lời đề nghị đàm phán mà Mỹ đưa ra vào tháng 9. Đến ngày 1.10, Tổng thống Trump nói giờ là lúc “còn quá sớm” để nối lại đàm phán thương mại với Bắc Kinh.
Bà Christine Lagarde nói, việc sử dụng các rào cản thương mại ngày càng tăng, chẳng hạn như thuế cao hơn đối với hàng nhập khẩu nước ngoài, đã giảm mức độ nhập khẩu và xuất khẩu trên toàn thế giới, tác động đến đầu tư kinh doanh và sản lượng sản xuất. Nếu các tranh chấp thương mại leo thang hơn nữa, có thể gây ra một cú sốc đối với một loạt các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, kiềm chế tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Bà Lagarde cũng lên tiếng báo động về biến động về tài khóa - tài chính, nơi tổng giá trị nợ toàn cầu - cả khu vực công và tư, đã tăng 60% trong vòng một thập kỷ qua, hiện đạt mức cao kỷ lục với 182 nghìn tỷ USD.
Trong cuộc họp vào tuần tới ở Indonesia, 189 quốc gia thành viên IMF hy vọng sẽ tìm được tiếng nói chung về thương mại. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo IMF thừa nhận đây là một thách thức lớn.
QUỐC HƯNG