Gia tăng bệnh tay chân miệng
Mặc dù không bùng phát thành dịch như ở Quảng Ngãi hay TP.Hồ Chí Minh nhưng diễn tiến của bệnh tay chân miệng đối với các bệnh nhi tại Quảng Nam đang có chiều hướng khó lường.
Dịch bệnh tay chân miệng đang diễn biến khá phức tạp. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần chú ý để đưa trẻ đến cơ sở y tế để kịp thời cứu chữa. Ảnh: N.D |
Hiện nay, tại Bệnh viện Nhi Quảng Nam mỗi ngày tiếp đón, điều trị trên dưới 10 ca bệnh về tay chân miệng. Theo bác sĩ Nguyễn Đình Thoại - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Quảng Nam, trong khoảng một tháng trở lại đây, các ca bệnh bắt đầu có chiều hướng gia tăng. “Hiện tại ở TP.Hồ Chí Minh hay ở Quảng Ngãi đang bùng phát dịch bệnh này. Đặc biệt ở TP.Hồ Chí Minh có chủng vi rút EV71, có thể gây bệnh nặng, thậm chí dẫn đến tử vong. Mà đã là vi rút thì vẫn có thể lây lan trong cộng đồng. Vì vậy, cần phải hết sức cẩn trọng với dịch bệnh này” - bác sĩ Thoại cho biết. Theo bác sĩ Thoại, bệnh tay chân miệng lây lan qua đường tiêu hóa. Các ca bệnh nặng có nguy cơ biến chứng viêm não, rối loạn nhịp tim, suy hô hấp, phù phổi nếu không can thiệp kịp thời. “Vì vậy, khi thấy trẻ có triệu chứng như sốt, ngủ hay bị giật mình... cần phải kiểm tra và đưa đến cơ sở y tế gần nhất để khám chữa ngay. Đừng để đến khi xuất hiện các nốt phỏng tại bàn tay, chân hay miệng mới đưa đến bệnh viện, vì lúc đó bệnh đã chuyển nặng” - bác sĩ Thoại khuyến cáo.
Theo ghi nhận của chúng tôi tại Bệnh viện Nhi Quảng Nam, nhiều trẻ em đã ở đây gần một tuần để điều trị bệnh tay chân miệng. Bà Võ Thị Hạ (thị trấn Hà Lam, Thăng Bình) cho biết, cháu trai của bà bị sốt liên tục trong 2 ngày, sau đó xuất hiện các nốt phỏng ở tay, chân nên đã đưa tới bệnh viện để chữa bệnh. “Cháu cứ sốt kéo dài, cho uống thuốc hạ sốt cũng không giảm. Sau khi phát hiện các nốt phỏng chúng tôi mới biết đó là bệnh tay chân miệng” - bà Hạ nói. Vì đây là bệnh lây qua đường tiêu hóa nên những trường mẫu giáo, mầm non cần thận trọng khâu vệ sinh an toàn. Theo bà Phạm Nguyễn Hồng Nhung - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Hương Sen (TP.Tam Kỳ), từ khi có thông báo về dịch tay chân miệng có thể bùng phát trên địa bàn, nhà trường đã thông báo với đội ngũ giáo viên của các lớp cần vệ sinh sạch sẽ sàn nhà hay chú ý vệ sinh cho các em học sinh sau khi đi vệ sinh, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn cho trẻ. “Đặc biệt lưu ý nhất là phải thường xuyên lau sạch sàn nhà, chú ý mỗi trẻ có biểu hiện của bệnh thì lập tức báo cho phụ huynh để cách ly, tránh lây lan ra cho những thành viên khác trong lớp” - bà Nhung cho hay.
Đối với phụ huynh, bác sĩ Thoại khuyến cáo, cần phải giữ gìn vệ sinh cho trẻ thật tốt. “Trẻ hiếu động nên việc đảm bảo vệ sinh rất quan trọng. Nhất là phải tập thói quen rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn hay sau khi đi vệ sinh. Khi con có biểu hiện sốt cao nhưng không hạ sốt lập tức đưa đến các cơ sở y tế để cách ly và can thiệp kịp thời. Bởi vì bệnh đang có biểu hiện phức tạp, có thể dẫn đến tử vong nên cần biết cách phòng và cách ly kịp thời, không để bị lây lan trên diện rộng” - bác sĩ Thoại nói.
NGUYỄN DƯƠNG