Dấu ấn "Đêm phố cổ" Hội An

LÊ QUÂN - VĨNH LỘC 02/10/2018 02:31

Nhiều khách du lịch đôi ba lần trở lại Hội An, đều có ý muốn đặt chân đến vùng đô thị cổ này vào những lúc Hội An tổ chức “Đêm phố cổ”. Bây giờ, sự kiện văn hóa này đã trở thành lễ hội - một hoạt động góp phần định danh cho bản sắc lẫn du lịch Hội An...

Du khách thích thú chơi bài chòi trong “Đêm phố cổ”. Ảnh: LỘC QUÂN
Du khách thích thú chơi bài chòi trong “Đêm phố cổ”. Ảnh: LỘC QUÂN

Từ trong di sản...

Theo ông Võ Phùng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Hội An, những ngày đầu thử nghiệm “Đêm phố cổ Hội An” gặp muôn vàn khó khăn. Ông Võ Phùng nói: “Chính thức triển khai vào tháng 9.1998,  “Ngày phố cổ tại khu phố cổ Hội An“ (sau này được gọi là “Đêm phố cổ Hội An”) đã gặp sự phản ứng của người dân trong khu phố cổ do họ chưa nhận thức hết được ý nghĩa và lợi ích của chương trình, nhất là các nội dung làm ảnh hưởng thói quen trong sinh hoạt của người dân như: phố chỉ dành cho người đi bộ, tắt toàn bộ đèn chiếu sáng hiện đại, đèn chiếu sáng công cộng; chỉ chiếu sáng bằng ánh sáng lồng đèn, đèn cổ hoặc đèn giả cổ; toàn bộ hàng hóa phải đưa vào trong ngạch cửa trước…”.

“Đêm phố cổ” đã được Thời báo Kinh tế Việt Nam trao giải “THE GUIDE AWARDS” vào ngày 26.3.2004. Nhiều công ty du lịch lữ hành khắp nơi trên cả nước xây dựng chương trình tham quan “Đêm phố cổ” để giới thiệu cho du khách... Nhiều phóng viên báo chí truyền hình trong nước và quốc tế như NHK Nhật Bản, Đoàn truyền hình Hãng hàng Không ASIANA AIRLINE (Hàn Quốc); VTV Đà Nẵng, VTV1, VTV4, DRT, QRT, HTV7, VTV6, Kênh truyền hình VH Việt VTC10, Phóng viên kênh truyền hình Channel New Asia (Singapore), BBC (Hoa Kỳ)... thường xuyên chọn “Đêm phố cổ” để quay phim, chụp ảnh, làm nhiều bài phóng sự tài liệu và đưa tin.

Tuy nhiên, vượt qua những thách thức ban đầu, sau 20 năm thực hiện, “Đêm phố cổ” đã được khẳng định là một sản phẩm du lịch văn hóa của Hội An, được cộng đồng nhân dân, du khách trong và ngoài nước đánh giá cao. Cùng với cảnh quan phố cổ về đêm được tái hiện như một Hội An của thế kỷ XX, một đoạn phố được dựng lại sinh hoạt của nhiều thập niên trước, khi Hội An vẫn còn thưa vắng du khách. Những chiếc áo dài của đàn ông đàn bà được vận để “bát phố”  hay những nhóm sinh hoạt văn nghệ đường phố đã từng là niềm tự hào phố cổ. Cùng với đó, các chiếu bài chòi trên phố, sinh hoạt văn hóa dân gian từ những trò chơi truyền thống mang đến nhiều thích thú cho du khách.

Theo thống kê của UBND TP.Hội An, trong vòng 20 năm qua, “Đêm phố cổ” đã tổ chức được 230 đêm định kỳ, thu hút hơn 1 triệu lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan và tham gia các hoạt động. “Đặc biệt, đêm phố cổ Hội An cũng được chọn cử đi giới thiệu trong các sự kiện giao lưu văn hóa của Quảng Nam với các địa phương Hà Nội, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh, Thanh Hóa... Hoạt động văn hóa này ngày càng khẳng định thương hiệu của mình, là một hoạt động văn hóa đối ngoại đặc biệt của thành phố” - ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết thêm.

Đa dạng sản phẩm

Từ “Đêm phố cổ”, nhiều sản phẩm dịch vụ du lịch nảy nở góp phần mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách. Cũng từ các đêm hội này, loại hình nghệ thuật bài chòi đã được gìn giữ, phát huy. Đây chính là cú hích để Hội An tiếp tục làm tốt công tác bảo tồn các giá trị văn hóa của vùng đất. “Dân ca bài chòi nói chung, trò chơi bài chòi nói riêng tại Hội An đã góp phần quan trọng để được UNESCO công nhận là Văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại nhờ khởi đầu hoạt động tại không gian “Đêm phố cổ”. Chính từ không gian này, bài chòi ngày càng mở rộng, nâng cao, lan tỏa, phát huy” - ông Võ Phùng nói thêm.

Một hành trình 20 năm đủ dài để “Đêm phố cổ” hoàn thành “sứ mệnh” của một sản phẩm du lịch văn hóa đầu tiên, khơi mở cho hàng loạt sự kiện sau này. Áp lực về số lượng khách đến Hội An ngày càng lớn trong khi lượng khách lưu trú không nhiều, cũng như câu chuyện quản lý kinh doanh trong phố đặt ra khá nhiều vấn đề với các nhà quản lý. Ông Nguyễn Văn Sơn chia sẻ, chính “Đêm phố cổ” đã góp phần rất lớn để Hội An được mệnh danh là mảnh đất của lễ hội, là địa phương giỏi làm du lịch, tổ chức các hoạt động văn hóa, tuy nhiên Hội An cũng đang thực hiện song song thêm các sản phẩm du lịch về đêm khác, góp phần đa dạng hóa trải nghiệm cho du khách khi đến với vùng đất di sản, bao gồm các sản phẩm nghệ thuật của Trung tâm biểu diễn Lune hay Gami Hội An cùng với các không gian đi bộ đang ngày càng mở rộng...

LÊ QUÂN - VĨNH LỘC

LÊ QUÂN - VĨNH LỘC