Bên lề thành phố...

LÊ QUÂN 29/09/2018 04:32

Lần thứ bao nhiêu không nhớ, tôi đặt chân đến đất Đà Lạt. Một cảm giác không xa lạ, cũng chẳng phải thân quen, rằng hình như phố thị chốn cao nguyên này cũng đang “ngộp thở”. Nhưng giữa chốn đông đúc vậy, vẫn còn đó những người phải chọn đứng bên lề...

Ở vùng ven đô TP. Đà Lạt.Ảnh: LÊ QUÂN
Ở vùng ven đô TP. Đà Lạt.Ảnh: LÊ QUÂN

1. Tự nhủ mình hãy rũ bỏ cái tiếc nuối khi chựng nghĩ về một Đà Lạt gần 10 năm trước, lúc đi dọc hồ Xuân Hương vẫn còn nghe thông reo trong gió, hay chỉ gần đây nhất, một Đà Lạt còn sương giăng ngay lúc đứng trưa... để mở lòng mình nhìn Đà Lạt của ngày hiện tại. Hàng ngàn di sản kiến trúc, hàng trăm dịch vụ du lịch phục vụ hàng triệu du khách, để dù người ta có càu nhàu đôi chỗ, vẫn phải dặn bạn đường cố gắng đến đây thêm vài lần nữa. Cô em đồng nghiệp làm người dẫn đường, nhắn với mình rằng đừng để bị nhiễu loạn bởi thông tin về thành phố di sản này, hãy cứ cảm nhận nó như những gì lòng mình đang thấy... Và tôi đã chọn cách nhìn thành phố này từ những vùng ven, từ trên một ngọn đồi ngồi lặng hàng giờ, từ trong những con hẻm nơi người Quảng Nam, Quảng Ngãi đến tận Thái Nguyên, Ninh Bình đặt lưng buổi tối, để từ họ nghĩ về thành phố này.

Đà Lạt về đêm có đến hàng chục chốn để trải nghiệm, từ phòng trà ca nhạc đến không khí đường phố bởi những quán ven đường. Và nó khiến người ta nghĩ đến chút “son vàng” của thập niên 60 của thế kỷ trước. Cái không gian đặc quánh khói thuốc kia, men rượu này, áo mũ sùm sụp với những hơi thở chậm rãi bởi sương đêm, khiến đôi người khựng lại với rất nhiều kỷ niệm đã vào âm nhạc, lên văn chương... của Lê Uyên - Phương, của Khánh Ly và Trịnh Công Sơn...

Nhưng một cảnh huống khác, đối lập với cái dấu ấn vàng son ấy, là Đà Lạt ngay thời khắc hiện tại. Có rất nhiều đàn bà hình như đã qua tuổi 60, người Quảng Ngãi, Quảng Nam... với một lò than dùng để nướng bánh, vừa mời chào du khách vừa quan sát... đội trật tự đô thị. Không khó để nhận thấy một Đà Lạt đã bắt đầu giảm hẳn tình trạng chặt chém du khách từ hàng quán vỉa hè. Và cũng không khó để nhìn ra cuộc mưu sinh chật vật hơn của những người mượn hè phố buổi tối làm kế sinh nhai. Người đàn bà trung niên nói, lẽ thường tình thôi, mình không đủ vốn liếng để vào buôn bán ở khu vực chợ đêm, thì bán quanh vỉa hè. Họ đuổi thì mình chạy, vì mình sai. Nhưng cũng từ giọng Quảng đã phai lạt bởi gần 20 năm sống trên đất cao nguyên, hắt một tiếng thở dài rằng cái căn nguyên chính quyền cấm buôn bán hàng rong vì du khách kiện bị chặt chém, không phải từ dân bám hè phố lâu năm như tụi tôi. “Họ bày hàng ra buôn bán như bọn tôi, nhưng thái độ hung tợn, dọa nạt rồi bắt chẹt du khách, để tụi tôi mang tiếng xấu”, người đàn bà phân trần. Người đàn bà này, rồi những người đàn bà đang gồng gánh hàng hóa trên dọc các tuyến phố quanh khu Hòa Bình, đã vài chục năm sống ở Đà Lạt. Nhưng họ, không là cư dân Đà Lạt...

Người dân Cẩm Thanh làm du lịch thay vì đi biển.
Người dân Cẩm Thanh làm du lịch thay vì đi biển.

2. Tôi nhớ chị B. - người đã đưa tôi đi quanh vùng dừa nước Cẩm Thanh (Hội An), nói  về chuyện rời biển làm du lịch, từ chính cái phương tiện sinh nhai hồi hơn mấy năm trước. “Một cuốc” khách đi bằng thúng do chị chèo, thường chị được chia lại khoảng từ 50 - 100 ngàn đồng từ các “chủ”. Khách nào thương có thể “boa” thêm. Chủ ở đây là mấy nhà hàng trong vùng, tranh thủ làm thêm du lịch, hoặc cũng có thể từ một nhóm người làm du lịch chuyên nghiệp, thuê các chị làm dịch vụ đưa du khách tham quan rừng dừa. “Vậy chuyện mở nhạc xập xình, múa may trước mặt du khách, chị có tham gia không?”, chị B. nói, “theo nhu cầu của khách cả”. Nhóm khách Hàn thích ồn ào, thích hát hò rồi mình nhảy múa vậy, còn có thêm tiền “típ” từ khách. Và thường những người phụ nữ trong vùng này chỉ đưa khách lẻ hoặc khách Hàn, Trung, khó có khách Tây. Vì Tây, chị B. nói, họ đã ở trong các khu du lịch có tiếng, có dịch vụ riêng. Thêm một tiếng thở dài. Tôi khựng lại, chẳng muốn hỏi thêm. Gần trăm người phụ nữ Cẩm Thanh tham gia “lực lượng” chèo thúng làm du lịch này. Họ - là cư dân đô thị.

Vùng đô thị, những chốn ven đô thường ít bị “nhòm ngó”, cho đến ngày sự phát triển của thành phố bung ra khỏi giới hạn kiểm soát. Có những người mang hộ khẩu đô thị, hoặc sống lâu năm với phố xá, nhưng vẫn chỉ là những người ở bên lề các cuộc xoay chuyển của thành phố... cho đến khi họ bị cuốn vào tâm vùng xoáy đó. Chính quyền Lâm Đồng định hướng tương lai của du lịch Đà Lạt sẽ là chất lượng, cao cấp. Cũng như Hội An, cũng đã đến lúc không phải nhìn vào số lượng người đến đô thị. Nhưng chậm thử vài khắc, để nghĩ về những người lao động chân tay, sống vùng ven đô. Không ai dời họ đi khỏi vùng mình sống, nhưng họ, chắc phải chật vật để thích nghi...

LÊ QUÂN

LÊ QUÂN