Chi trả dịch vụ môi trường rừng: Mở rộng nguồn thu, giải ngân kịp thời

TRẦN HỮU 28/09/2018 07:08

Đối tượng nhận khoán bảo vệ rừng (BVR) từ chính sách dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) theo Nghị định 99 của Chính phủ sẽ được cải thiện nguồn thu nhập, ổn định đời sống nhờ bổ sung nguồn tiền chi trả và cơ chế giải ngân kịp thời.

Người dân được cải thiện đời sống từ chính sách dịch vụ môi trường rừng do nhà máy thủy điện chi trả. TRONG ẢNH: Đập lòng hồ nhà máy thủy điện Sông Bung 4. Ảnh: TR.HỮU
Người dân được cải thiện đời sống từ chính sách dịch vụ môi trường rừng do nhà máy thủy điện chi trả. TRONG ẢNH: Đập lòng hồ nhà máy thủy điện Sông Bung 4. Ảnh: TR.HỮU

Mở rộng đối tượng thu

Thời gian qua, nhiều nơi nhận tiền giao khoán BVR với đơn giá thấp đã được tỉnh bổ sung lên mức tối thiểu mỗi hộ nhận 200 nghìn đồng/ha/năm. Tại lưu vực thủy điện Sông Bung 4, thuộc xã Tà Pơơ (Nam Giang), đồng bào Cơ Tu có nguồn thu nhập đa dạng từ canh tác nương rẫy, giao nhận khoán BVR (mỗi quý nhận 1 - 1,2 triệu đồng) và nguồn sinh kế khác là khai thác tre, mây, nấm, thu ươi, mật ong… Với nguồn tiền chưa có đối tượng chi từ các thời điểm trước đây, Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng đã mạnh dạn đề xuất UBND tỉnh cấp kinh phí bổ sung hàng chục tỷ đồng cho các lưu vực có đơn giá chi trả dưới 200 nghìn đồng/ha/năm. Luật Lâm nghiệp quy định, ngoài các nhà máy thủy điện, cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng nguồn nước, tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh gây phát thải khí nhà kính lớn phải chi trả tiền dịch vụ về hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng. Đối tượng thực hiện chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh được khảo sát đều ý thức tầm quan trọng của các dịch vụ hệ sinh thái rừng đối với hoạt động sản xuất của họ và sẵn sàng đóng góp vào việc bảo vệ và quản lý rừng.

Theo Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh, năm 2018 có 6 đối tượng chi trả DVMTR mở rộng sẽ thực hiện thí điểm gồm Công ty CP Prime Đại Lộc, Công ty CP Xi măng Quảng Nam (Tập đoàn Thái Lan), Công ty CP Than - điện Nông Sơn, FOCOCEV Quảng Nam, Công ty CP Nhiên liệu sinh học Tùng Lâm và Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam. Gần đây, Nhà nước còn điều chỉnh mức thu nộp tiền DVMTR, đối với các cơ sở sản xuất và cung cấp nước sạch từ 40 đồng/m3 nước tăng lên 52 đồng/m3 nước (tăng 1,3 lần và áp dụng từ ngày 1.1.2017); đối với các cơ sở sản xuất thủy điện từ 20 đồng/kWh điện tăng lên 36 đồng/kWh.

Về dịch vụ lưu trữ các-bon của rừng, hiện nay, dự án “Trường Sơn xanh” do Cơ quan phát triển Hoa Kỳ (USAID) tài trợ triển khai thực hiện tại hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam đang hỗ trợ khảo sát nghiên cứu tiềm năng dịch vụ lưu trữ các-bon của rừng. Tuy nhiên đây là loại dịch vụ mới, nên rất cần tiếp tục huy động các cơ quan liên quan trong nước, chương trình dự án, đối tác quốc tế hỗ trợ nghiên cứu thí điểm mở rộng ra các địa phương khác, sau đó sơ kết và trình Chính phủ ban hành quy định, hướng dẫn thực hiện trên phạm vi toàn quốc.

Cần giải ngân kịp thời

Theo kế hoạch, giai đoạn 2013 - 2018 phải giải ngân nguồn chi trả DVMTR hơn 92 tỷ đồng. Tính đến 15.7.2018 đã giải ngân gần 69 tỷ đồng, số tiền phải giải ngân từ nay đến cuối năm 2018 hơn 23,5 tỷ đồng. Để giải ngân hết nguồn vốn này, theo ông Huỳnh Đức - Giám đốc Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh, đơn vị sẽ tham mưu Sở NN&PTNT, Chi cục Kiểm lâm chỉ đạo các đơn vị thực hiện trồng rừng phải thanh quyết toán số tiền đã tạm ứng hơn 38,4 tỷ đồng (số tiền tương đương 20% được giải ngân thanh toán kèm theo hơn 9,5 tỷ đồng). Số tiền còn lại gần 14 tỷ đồng chi cho các công trình trồng rừng thay thế năm 2017 thanh toán trong năm 2018, chi cho công trình trồng rừng mới trong năm 2018 và các công trình chăm sóc rừng. Điều kiện để giải ngân là các đơn vị thực hiện trồng rừng thay thế phải có đầy đủ hồ sơ thủ tục theo quy định.

Tại Quảng Nam, hiện chỉ có 3 loại dịch vụ được thực hiện (thủy điện, cung cấp nước sạch và kinh doanh du lịch), trong khi đó các dịch vụ các-bon rừng và rừng ngập mặn vẫn chưa được áp dụng. Trước đây, thực hiện chính sách chi trả DVMTR  còn những hạn chế như một số địa phương xảy ra việc chi trả không đúng đối tượng rừng. Công tác kiểm tra, nghiệm thu gặp rất nhiều khó khăn do áp dụng những quy định chưa sát thực tế. Số lượng chủ rừng nhiều, diện tích phân tán, nhỏ lẻ nên rất khó khăn trong việc chi trả trực tiếp bằng tiền mặt, nguy cơ rủi ro cao, trong khi đó chưa đẩy mạnh và áp dụng rộng rãi việc chi trả qua tài khoản. Vì vậy, Quỹ bảo vệ - phát triển rừng tỉnh đang có kế hoạch phát triển cơ chế quản lý và sử dụng tiền DVMTR dài hạn, minh bạch.

TRẦN HỮU

TRẦN HỮU