Một chút chạnh lòng

C.B.L 27/09/2018 01:50

Hôm qua, khi vào viện thăm bạn, tôi nhìn thấy tấm băng rôn căng trước dãy hành lang: “Mỗi tin nhắn - triệu nghĩa tình gửi trao bệnh nhân ung thư”.  Đọc thông tin về việc ủng hộ vẫn còn thời hạn (từ 10.9 đến hết 8.11.2018) nên tôi thao tác tin nhắn gửi đi. Đây là chiến dịch nhắn tin ủng hộ bệnh nhân ung thư nghèo do Bệnh viện K phối hợp Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng và Cổng thông tin điện tử nhân đạo quốc gia (Cổng 1400) tổ chức. Quỹ Ngày mai tươi sáng đã đi được quãng đường 7 năm, với hàng nghìn bệnh nhân ung thư nghèo trên cả nước được hỗ trợ điều trị, hỗ trợ thuốc, khám sàng lọc…

Liên quan đến bệnh nhân ung thư, chợt nghĩ về quy định “bệnh nhân tự nguyện xin điều trị” của Bộ Y tế gây khó cho người bệnh mà truyền thông đưa tin mấy hôm nay. Đó là Thông tư 01/2017/TT – BYT có hiệu lực từ tháng 5.2017, quy định việc thực hiện hóa trị, xạ trị, hóa trị kết hợp xạ trị ban ngày tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Ở mục 3, Điều 2 Thông tư này nêu: Trường hợp bệnh nhân không cư trú trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoạt động thì việc điều trị ban ngày chỉ áp dụng đối với bệnh nhân tự nguyện xin điều trị, không áp dụng đối với bệnh nhân nghèo, cận nghèo.

Nếu áp dụng thông tư này, bệnh nhân phải viết đơn xin tự nguyện điều trị - điều này được cho là rất bất lợi. Bởi như vậy đồng nghĩa với việc bệnh nhân sử dụng dịch vụ theo yêu cầu, có thể họ sẽ không được BHYT thanh toán mà phải tự chi trả. Trong khi đó, điều trị ung thư thường kéo dài thời gian và chi phí rất lớn, người bệnh không kham nổi. Bệnh nhân ung thư thì đến từ rất nhiều nơi, chứ đâu phải chỉ ở nơi có các bệnh viện điều trị ung thư. Có lẽ vậy nên từ khi Thông tư 01 có hiệu lực, việc thực hiện ký cam kết này vẫn bỏ ngỏ, nhiều bệnh nhân và cả bệnh viện không thực hiện.

Lâu nay, việc các cơ quan nhà nước ban hành văn bản trái pháp luật về thẩm quyền ban hành và nội dung, văn bản sai quy phạm pháp luật về căn cứ pháp lý, văn bản không phải là quy phạm pháp luật nhưng lại chứa quy phạm pháp luật… được nói đến rất nhiều trên các diễn đàn. Hàng ngàn văn bản trái luật được Bộ Tư pháp chỉ ra; sau đó là hủy/dừng/thu hồi nhưng chưa có chế tài xử lý trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong việc ban hành văn bản trái pháp luật (cũng như chưa được cụ thể hóa thành luật).

Nếu không được cụ thể hóa thành luật, thiếu tâm và tầm; những văn bản quy phạm pháp luật không hướng đến phục vụ lợi ích người dân mà chỉ hướng đến thuận lợi cho cơ quan quản lý (như Thông tư 01 nêu trên) vẫn sẽ được ban hành. Trong trường hợp cụ thể của chiến dịch “Mỗi tin nhắn - triệu nghĩa tình gửi trao bệnh nhân ung thư”, liệu có khiến cả những người tham gia lẫn người nhận sự động viên tinh thần chiến thắng bệnh tật chạnh lòng?

C.B.L

C.B.L