Ngăn chặn nạn tảo hôn ở Sông Trà
(QNO) - Trước đây, tình trạng tảo hôn ở mức cao trên địa bàn xã Sông Trà (Hiệp Đức) trở thành vấn đề nan giải đối với chính quyền địa phương. Nhờ đa dạng hình thức tuyên truyền và nâng cao công tác giáo dục, vấn nạn này đang dần được ngăn chặn một cách hiệu quả.
Nạn tảo hôn ở xã Sông Trà đang giảm dần. Ảnh: QUÂN NHẬT |
Trước năm 2014, nạn tảo hôn và những hệ lụy đi kèm chính là mối trăn trở lớn đối với chính quyền xã Sông Trà. Theo ông Trương Văn Phổ - cán bộ dân số kế hoạch hóa gia đình xã, tỷ lệ tảo hôn trước đây của địa phương thuộc nhóm cao nhất huyện Hiệp Đức.
Từ năm 2010 - 2014, toàn xã có gần 50 trường hợp trẻ em vị thành niên lập gia đình không được pháp luật công nhận. Đa phần những trường hợp này rơi vào các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đông con và ba mẹ ít quan tâm đến con cái.
Theo ông Phổ, dù địa phương đã xác định, muốn xóa nạn tảo hôn, tạo điều kiện thúc đẩy xã hội phát triển thì phải thay đổi nhận thức của cả người lớn và trẻ em, nhưng việc tuyên truyền gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với đồng bào Ca Dong ở khu vực vùng cao.
“Từ năm 2015 đến nay, các cán bộ dân số đã chủ động phối hợp với các hội, đoàn thể xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Hôn nhân và gia đình một cách sâu rộng bằng nhiều hình thức đa dạng theo từng đối tượng cụ thể. Ngoài lồng ghép công tác tuyên truyền hằng tuần, hằng tháng trong các buổi sinh hoạt văn hóa thôn thì địa phương còn thể hiện qua tiết mục trong các đêm văn nghệ, buổi chiếu phim, các nội dung trong cuộc thi về tìm hiểu pháp luật” - ông Phổ nói.
Xã Sông Trà tập trung tuyên truyền đối với những thôn vùng cao. Ảnh: QUÂN NHẬT |
Ông Lâm Chí Quyết - Phó Chủ tịch HĐND xã Sông Trà cho biết, tại các buổi tiếp xúc cử tri và đợt sinh hoạt chi bộ, chính quyền địa phương luôn dành thời gian lắng nghe ý kiến, tâm tư của người dân về vấn đề tảo hôn để có hướng xử lý và giải pháp cụ thể. “Bên cạnh tuyên truyền nội dung các điều luật, chúng tôi còn kết hợp hướng dẫn các phương pháp kế hoạch hóa gia đình và tạo điều kiện cho người dân vươn lên phát triển kinh tế. Bởi, khi xóa đói giảm nghèo, cuộc sống bắt đầu cải thiện, nhận thức người dân sẽ dần thay đổi. Trẻ em sẽ được ba mẹ quan tâm, được tạo điều kiện ăn học đến nơi đến chốn thì nạn tảo hôn sẽ dần được xóa bỏ” - ông Quyết nhấn mạnh. |
Xã Sông Trà còn dựa vào vai trò của đội ngũ già làng, người có uy tín trong các thôn để tuyên truyền nạn tảo hôn. Như tại thôn 4, bà Hồ Thị Anh Thơ - nguyên Bí thư Chi bộ thôn, người được dân làng rất tin tưởng đã có nhiều đóng góp lớn vào công tác này.
“Nhờ hiểu rõ phong tục, tập quán của đồng bào mình nên không khó để đem chủ trương, pháp luật của nhà nước phổ biến vào trong đời sống người dân thông qua các buổi lễ hội, sinh hoạt văn hóa. Riêng với một số hộ chưa tiếp thu, mình sẽ đến tận nhà nói chuyện, khuyên nhủ để họ biết cách răn dạy con và tạo điều kiện cho con em đến trường” - bà Thơ tâm sự.
Ông Trương Văn Phổ cho biết thêm, hơn 3 năm vào cuộc quyết liệt, nạn tảo hôn ở xã Sông Trà đã giảm đáng kể. Từ con số hơn 15 trường hợp mỗi năm trước 2014, đến năm 2018 đã giảm xuống còn 4 trường hợp. Tuy vẫn ở mức cao nhưng từng bước thay đổi được nhận thức người dân đã là thành công rất lớn. Đặc biệt, đối với trẻ em địa phương, được tạo điều kiện đến lớp 100% đã giảm đi đáng kể các trường hợp lập gia đình khi chưa đến tuổi.
Công tác tuyên truyền cũng được đẩy mạnh trong trường học. Ảnh: QUÂN NHẬT |
“Hiện tại, bên cạnh giao nhiệm vụ giáo dục cho thầy cô giáo ở các trường trên địa bàn, chính quyền xã đã chủ trương tập trung học sinh tuyên truyền trong đợt sinh hoạt cuối tuần và sinh hoạt hè. Đây là cách hạn chế sự lôi kéo, dụ dỗ của một số đối tượng xấu bên ngoài nhắm vào sự bồng bột ở tuổi vị thành niên” - ông Phổ nói.
Tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú - THCS Hiệp Đức, nhà trường phối hợp chặt chẽ với phụ huynh và chính quyền xã thực hiện đồng bộ để đẩy lùi nạn tảo hôn. Theo thầy Trần Văn Xinh - Tổng phụ trách Đội của trường, nếu như trước 2015, tình trạng học sinh bỏ học do tảo hôn xảy ra thường xuyên thì những năm gần đây chưa có trường hợp nào vi phạm.
“Học sinh cũng bắt đầu suy nghĩ tiến bộ và thành tích học tập cũng dần được nâng cao. Gần đây, chúng tôi còn thành lập tổ tư vấn tâm lý - kỹ năng sống, mỗi năm học tổ chức 4 chương trình ngoại khóa để học sinh nâng cao nhận thức về sức khỏe sinh sản ở tuổi vị thành niên” - thầy Xinh cho biết thêm.
HỒ QUÂN - NHẬT TRƯƠNG