Ấm cúng ngôi nhà Cơ Tu
Màu xanh của cây trái bản địa, của cánh rừng nguyên sinh bao bọc các khu dân cư đem lại cho làng Pache Palanh và Cut Chrun (xã Ma Cooih, Đông Giang) tràn trề nhựa sống. Ngôi nhà đồng bào Cơ Tu được “giữ ấm” nhờ sự kiên cố và nét đẹp văn hóa của tục tặng củi bất biến với thời gian.
Một góc làng Cut Chrun.Ảnh: HỮU PHÚC |
1. Gần 10 năm trở lại Ma Cooih, nếu không có người dẫn đường dễ chừng bị lạc lối. Mọi thứ gần như thay đổi, vượt khỏi hình dung ban đầu. Trong ký ức của tôi, Ma Cooih hiện lên là tầng lớp dãy nhà “chuồng cu” bố trí giống ruộng bậc thang giữa thung sâu; là hình ảnh của đàn ông Cơ Tu vô tư ngồi chén rượu, để vợ vừa địu con vừa vất vả với công việc nương rẫy, bếp núc; là con đường độc đạo dẫn vào làng quạnh quẽ bóng người…
Sáng sớm, nắng thu nhàn nhạt xuyên qua tàu lá chuối, từng tia sáng lan rộng trên con đường bê tông dẫn vào làng Cut Chrun (thôn A Đền, xã Ma Cooih). Những dãy nhà liền kề khá tươm tất và khang trang. Người Cơ Tu hầu như tự sửa chữa, nâng cấp cho ngôi nhà của mình. Ông Zơ Rum Cân (thôn A Đền, xã Ma Cooih) cùng người vợ phụ giúp đang quét lại màu sơn mới cho cây đòn tay gỗ và cánh cửa ngôi nhà. Ông bảo, có số tiền Nhà nước hỗ trợ 16 triệu đồng nên gia đình quyết định nâng cấp, cơi nới thêm mái che trong ngôi nhà tái định cư mà dự án thủy điện xây dựng năm 2006. Nhà ở, công trình phụ xuống cấp đều tự tay người dân chủ động khắc phục - thói quen tự lực đã bắt đầu “thấm” vào lối sống của người Cơ Tu nơi đây.
Tận dụng khoảng đất trống dưới nền nhà sàn, đồng bào Cơ Tu làng Pache Palanh hay Cut Chrun chất đầy củi khô để dự trữ phục vụ nấu nướng hàng ngày và dư dả góp tặng cho hàng xóm, người thân. Điều này thể hiện ý thức biết phòng xa của người dân bản địa. Tục “tặng củi” trở thành nét đẹp văn hóa được kế thừa từ bao đời nay. Nhà nào tổ chức lễ lạt, ma chay, cưới hỏi, dân làng thường mang củi khô đến, như là cách thể hiện tấm lòng với gia chủ; gia đình nào khá giả ngoài củi còn có gà, vịt, trứng… kèm theo giống như phong tục dưới đồng bằng. Chỉ vào đống củi trong gian nhà bếp, ông Alăng Niêm (thôn Azal, xã Ma Cooih) bảo, số củi trên dự trữ để chuẩn bị cho mấy cái tiệc mừng về nhà mới, đám cưới con của người hàng xóm sắp tới.
2. Theo Trưởng thôn A Đền - ông Alăng A Rứp, việc chất đầy củi khô trong nhà ngoài mục đích “giữ ấm” cho mùa đông lạnh lẽo ở vùng cao, đồng bào còn xem như “món quà” chia sẻ với dân làng khi có hiếu hỷ, ma chay, lễ mừng lúa nước, tổ chức lễ đâm trâu. Vào mùa hạ, người Cơ Tu ở Đông Giang, Tây Giang có tục pa ngoách (lễ kết nghĩa), mùa xuân có tục rơ dáo (nghĩa là tục đem cơm thăm viếng nhau đầu năm). Còn trong mùa đông, đồng bào dân tộc thiểu số này có thêm tục dáo oói (tục thăm và tặng những gùi củi cho nhau). “Phụ nữ Cơ Tu khi mang thai, ốm đau không có thời gian đi lấy củi nên hầu hết con gái bị bắt về nhà chồng, người mẹ thường gùi củi đến tặng phía nhà chồng. Trong làng tổ chức lễ hội như đâm trâu, mổ heo ăn mừng thì phải có nhiều củi để đun nấu nên mọi người có trách nhiệm đi tìm củi để đóng góp” - ông Alăng A Rứp nói.
Người Cơ Tu luôn biết giữ ấm cho ngôi nhà của mình. |
Thời xa xưa, tục tặng củi chỉ dành cho nhà gái tặng nhà trai. Khi nhà gái mang củi đến, bao giờ cũng được nhà trai đón tiếp niềm nở. Nhà trai tiếp nhận và xếp gọn củi trên giàn bếp của nhà mình. Tuy nhiên, ngày nay, tục tặng củi của đồng bào Cơ Tu trở nên thông thoáng và đa dạng hơn. Để bảo vệ rừng, người dân chỉ khai thác củi khô, cành gãy trong rừng, hay củi keo trồng làm củi tặng. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa miền núi, tục tặng củi khô là nét đẹp văn hóa độc đáo của người Cơ Tu, thể hiện tính nhân văn, đoàn kết, giúp đỡ nhau khi khó khăn, hoạn nạn. Kết cấu làng Pache Palanh, Cut Chrun trở nên bền bỉ hơn bởi ngoài các công trình xây dựng kiên cố còn có bề dày văn hóa tinh thần bất biến với thời gian của người dân bản địa. Hạ tầng các khu tái định cư thủy điện ở Ma Cooih được đánh giá tốt hơn rất nhiều so với chỗ ở cũ trước đây.
Trước mùa đông, ở các ngôi nhà sàn truyền thống hay nhà xây tái định cư thủy điện đều dễ dàng bắt gặp khối lượng lớn củi khô cùng bồ thóc được bảo quản cẩn thận. Với người Cơ Tu, ngôi nhà đỏ lửa mới ấm no, vui vẻ, sum vầy và đẩy đuổi được tà ma, dịch bệnh. Bởi vậy làng Pache Palanh và Cut Chrun với 227 hộ tái định cư tập trung vẫn luôn bảo tồn được giá trị tốt đẹp của văn hóa tục làng.
HỮU PHÚC