Lời phản ứng

C.B.L 20/09/2018 01:25

Tôi về huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang) giữa nỗi lo toan sạt lở của người dân địa phương. Cách đây chưa lâu, một video chạy trên sóng của đài truyền hình rất ám ảnh. Một đoạn bờ sông kèm nhà cửa đổ ập xuống dòng nước đục ngầu trong tiếng la hét của người dân. Ông Chiến (một cựu chiến binh) ngồi trước hiên nhà, rít thuốc liên tục. Ông kể nhiều về thời chiến tranh, những lần hoạt động bí mật trong lòng kênh rạch được ví như giao thông hào. Ông nói, sau giải phóng, gia đình đã hiến gần 8 công đất để Nhà nước mở rộng con kênh bên hông nhà, thông “đường” lớn ra sông Hậu. Bây giờ bờ kênh đã sát rạt, đất đai mất dần. Ông Chiến nói sạt lở bây giờ dường như đã trở thành một “kẻ giấu mặt” nào đó mà người dân thường nói đến với vẻ dè chừng...

Hạ lưu Đồng bằng sông Cửu Long đang chịu nhiều hệ lụy từ biến đổi khí hậu, từ những công trình thủy điện ở thượng nguồn Mê Kông. Hậu quả dễ thấy là mất đất sản xuất, sạt lở, lũ bất thường hơn, nguồn lợi thủy sản cạn kiệt... Công trình thủy điện của Trung Quốc, Lào được xây dựng ào ạt ở thượng nguồn Mê Kông mấy năm gần đây đã gây nhiều lời phản ứng của dư luận quốc tế. Hôm nay 20.9, tại Viêng Chăn (Lào), Ủy hội sông Mê Kông quốc tế (MRC) tiếp tục tổ chức diễn đàn tham vấn các bên liên quan cấp khu vực về dự án thủy điện Pak Lay. Đây là đập thủy điện thứ tư Lào thông báo sẽ xây dựng trên dòng chính Mê Kông. Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN) trong thông cáo báo chí của mình cho biết quyết định không tham gia các buổi tham vấn này. VRN cho rằng Chính phủ Lào đã không tôn trọng ý kiến tham vấn đóng góp của các tổ chức phi chính phủ và cộng đồng dân cư khi xây dựng những đập thủy điện trước đây. Chính phủ Lào vẫn giữ quan điểm tiếp tục xây dựng các đập thủy điện bằng mọi giá bất chấp hệ lụy xấu gây ảnh hưởng tới hệ sinh thái và tác động xấu tới sinh kế của người dân sống ở hạ lưu sông Mê Kông. Bản thông cáo báo chí này rất được dự luận quan tâm, và được xem là “lời phản ứng” của các chuyên gia về sông ngòi trước những toan tính vì mục tiêu kinh tế trước mắt trên dòng Mê Kông.

Diễn biến trên dòng Mê Kông có điều gì đó như là “mô típ” của những “dòng sông thủy điện” ở Quảng Nam. Các thành viên của VRN khảo sát tại Quảng Nam cũng đưa ra nhận định, hạ lưu Vu Gia, Thu Bồn cũng đang gặp phải những vấn đề tương tự: khô hạn, sạt lở, lũ lụt bất thường, cạn kiệt nguồn lợi thủy sản... Thậm chí, trên sông Vu Gia, Thu Bồn, hệ thống thủy điện gần như đã cơ bản hoàn thành và các sông có độ dốc lớn, hẹp dòng nên các hệ lụy có thể xảy ra khốc liệt và khó lường hơn. Đơn cử như tình trạng sạt lở dai dẳng ở Cửa Đại, trong các “tranh cãi” về nguyên nhân, thì gần đây nhiều người mới đề cập một phần là do các thủy điện ở thượng nguồn. Hay như hạ nguồn Vu Gia thường khô khát vì thủy điện Đắc Mi chuyển nước qua Thu Bồn, lâu nay cũng được nhận diện. Những hệ lụy này đã không được nói đến trước khi xây dựng các công trình thủy điện, nên những “lời phản ứng” có cơ sở, trở thành cách hữu hiệu để lường trước các hậu quả về sau...

C.B.L

C.B.L