Ngăn ngừa trẻ em vi phạm pháp luật

DIỄM LỆ 18/09/2018 06:35

Ngăn ngừa trẻ em vi phạm pháp luật là trách nhiệm từ gia đình, nhà trường đến xã hội. Một môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em phát triển luôn là điều cả xã hội quan tâm.

Các hoạt động giáo dục kỹ năng dành cho trẻ em cần được đẩy mạnh để hạn chế trẻ em vi phạm pháp luật vì thiếu hiểu biết. Ảnh: D.L
Các hoạt động giáo dục kỹ năng dành cho trẻ em cần được đẩy mạnh để hạn chế trẻ em vi phạm pháp luật vì thiếu hiểu biết. Ảnh: D.L

Những con số đau lòng

Trẻ em là những người ở độ tuổi đang phát triển về thể chất và tinh thần, có những thay đổi về tâm sinh lý. Vì thế sẽ dễ bị tác động, dễ bị mất cân bằng hay bị kích động. Sự quan tâm, quản lý và giáo dục từ gia đình, nhà trường là hết sức cần thiết. Theo Thượng tá Ngô Quốc Ánh - Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh), nếu thiếu sự quan tâm đến trẻ em sẽ tạo điều kiện cho trẻ hình thành những hành vi thiếu chuẩn mực, là nguyên nhân chính dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật và trở thành tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên. Thượng tá Ngô Quốc Ánh cho biết: “Tình hình trẻ em vi phạm pháp luật có chiều hướng suy giảm nhưng vẫn còn phức tạp. Nhiều hình thức giải trí có tính bạo lực, xâm hại sức khỏe trên thị trường, trẻ em tiếp cận nhanh và dễ bị tác động. Từ đó trẻ có lối sống buông thả, muốn tìm cảm giác lạ, xem thường đạo lý và pháp luật nên dẫn đến hành vi phạm pháp. Gia đình lo làm ăn chưa có sự quan tâm đến con cái, xã hội thiếu những điểm vui chơi giải trí lành mạnh, hoạt động ngoại khóa dành cho trẻ ở nhà trường còn thiếu... đã khiến trẻ càng dễ bị lôi kéo phạm tội”.

Từ năm 2016 đến tháng 6.2018, có 413 vụ phạm tội trong lứa tuổi chưa thành niên, 668 em vi phạm pháp luật. Hành vi phạm pháp gồm giết người (1 vụ), cướp tài sản (6 vụ), cưỡng đoạt tài sản (2 vụ), cố ý gây thương tích (33 vụ), trộm cắp tài sản (233 vụ), sử dụng trái phép chất ma túy (42 vụ), mua bán, tàng trữ ma túy (3 vụ)... Cơ quan công an đã khởi tố 78 vụ, xử lý hành chính 330 vụ và 5 vụ đang được điều tra, xử lý. Những vụ án trong lứa tuổi chưa thành niên xảy ra chỉ vì ham muốn những lợi ích rất nhỏ. Chẳng hạn như vào tháng 1.2018, chỉ vì 800 nghìn đồng mà L.C.H. và N.T.T. (Quế Sơn) đã bóp cổ một cụ già để lấy tiền; hoặc như vào tháng 5.2018, chỉ vì mâu thuẫn cá nhân mà T.V.V. (Thăng Bình) đã dùng dao nhọn đâm B.V.T. gây thương tích nặng.

Cộng đồng trách nhiệm

Trong chương trình giáo dục ở nhà trường đã tích hợp, lồng ghép các nội dung về quyền tham gia của trẻ em trong các môn học và hoạt động ngoài giờ lên lớp. Từ năm học 2015 - 2016, Sở GD-ĐT đã tổ chức biên soạn 2 bộ tài liệu giáo dục pháp luật, hiệu chỉnh bổ sung trong năm học 2016 - 2017. Tài liệu này được tích hợp trong môn Giáo dục công nhân, nội dung chủ yếu là Luật Trẻ em năm 2016. Như ở cấp tiểu học, chủ đề “Quyền và bổn phận của trẻ em” có nội dung giáo dục pháp luật cấm kỳ thị, phân biệt đối xử về giới tính, giúp trẻ có cái nhìn đúng, tôn trọng người khác về giới tính, không tạo ra sự kỳ thị, xa lánh gây nên những hành vi vi phạm pháp luật. Ngoài ra, ngành GD-ĐT còn tổ chức Cuộc thi giáo dục pháp luật trực tiếp nhằm nâng cao nhận thức cho học sinh các cấp trong việc tôn trọng pháp luật.

Thiết chế văn hóa, điểm vui chơi giải trí lành mạnh cho trẻ em đã được đầu tư trong thời gian qua, nhưng chủ yếu tập trung ở khu vực đô thị, miền núi và nông thôn còn rất thiếu. Thiếu thiết chế văn hóa dành cho trẻ em cũng là một nguyên nhân khiến các em chọn con đường giải trí khác, không loại trừ những thú vui thiếu lành mạnh. Ông Phan Thanh Tuấn - Phó Trưởng phòng Nếp sống văn hóa và gia đình (Sở VH-TT&DL) cho biết, toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng được 360 điểm vui chơi cho trẻ em nhưng chủ yếu ở đô thị, gần đô thị. Ở miền núi, nông thôn, điểm vui chơi chỉ là những bãi đất trống, nghèo nàn trang thiết bị. Các nhà thiếu nhi chưa được đầu tư bài bản nên nội dung sinh hoạt đơn điệu, không thu hút được thiếu nhi tham gia. Ông Tuấn kiến nghị: “Để các hoạt động văn hóa thu hút được trẻ em tham gia, cần thiết phải có nguồn kinh phí đầu tư xây dựng điểm vui chơi, giải trí lành mạnh, vì sự phát triển toàn diện của trẻ em. Các địa phương cần có cơ chế dành quỹ đất xây dựng các khu vui chơi, giải trí cho trẻ em, kêu gọi đầu tư từ nguồn xã hội hóa...”.

DIỄM LỆ

DIỄM LỆ