Câu chuyện trách nhiệm
Trên quốc lộ (QL) 1, mặt cắt dự án thành phần 1 mở rộng thuộc đoạn ngoài đô thị từ Thăng Bình ra Điện Bàn chỉ đủ 4 làn xe ô tô, thiếu làn cho xe máy và xe thô sơ. Không phải sau khi hoàn thành, Quảng Nam mới kiến nghị mở rộng thành 20,5m cho đồng bộ toàn tuyến; mà trước đó tỉnh đã có đề xuất để đảm bảo an toàn giao thông (ATGT). Song đáng tiếc, nguyện vọng chính đáng bị bác bỏ vì cho rằng liên quan đến nguồn tài chính, rồi sau khi cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hoàn thành sẽ chia sẻ bớt lưu lượng xe ô tô cho QL1, dù địa phương bày tỏ sẽ lo phần kinh phí giải phóng mặt bằng ngoài phạm vi 16,5m. Để suốt thời gian qua, người tham gia giao thông trên tuyến nơm nớp lo sợ và thực tế đã xảy ra nhiều vụ va chạm thương tâm. Chỉ có 2 làn xe ô tô mỗi bên, một khi phương tiện bên làn trái chạy chậm, tài xế khác muốn tiến phải vượt bên phải. Thiếu hướng đi cho riêng mình, xe máy và xe thô sơ phải điều khiển làn sát lề để lưu thông, dẫu biết rằng rất nguy hiểm nhưng không còn lựa chọn nào khác.
Đứng trước thực trạng đó, Quảng Nam đã kiến nghị nhiều lần lên Bộ Giao thông vận tải (GTVT) quan tâm khảo sát, đầu tư mở rộng thêm 2 làn cho xe thô sơ, xe máy để đảm bảo ATGT. Vấn đề nêu trên còn được đưa ra tại nghị trường Quốc hội. Tuy nhiên, việc quan tâm triển khai chưa được thực thi, trong khi dự án BOT đưa vào khai thác và thu phí từ năm 2015 cho đến nay. Rạng sáng 30.7.2018, một vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra tại lý trình km950+700, QL1 đoạn qua thị xã Điện Bàn (thường gọi là tuyến tránh Vĩnh Điện) khiến 13 người tử vong. Vụ tai nạn thảm khốc một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng mất ATGT trên các tuyến tránh qua địa bàn tỉnh. Do mặt cắt hẹp và thiếu dải phân cách, phần nhiều vụ đau lòng xảy ra do phương tiện đối đầu nhau.
“Điểm đen” xuất hiện trên nhiều đoạn đường, nhưng trách nhiệm khảo sát, tiến hành “xóa” lại chưa thực hiện kịp thời. Sáu Còi từng đề cập, nút giao giữa QL1 với tuyến ĐH8.ĐB, lý trình km946+480 là “điểm đen” TNGT. Tại vị trí này, lưu lượng xe hỗn hợp qua nút rất lớn nên vô cùng phức tạp, không ít vụ va chạm nghiêm trọng xảy ra. Ngày 27.6.2017, UBND tỉnh có công văn kiến nghị Bộ GTVT lắp đặt đèn tín hiệu điều tiết giao thông tại nút giao. Ngày 18.8.2017 Tổng cục Đường bộ Việt Nam có công văn thống nhất chủ trương, giao Công ty CP Xây dựng công trình 545 (nhà đầu tư BOT) bổ sung, lắp đặt đèn tín hiệu điều tiết giao thông; kinh phí thực hiện từ nguồn thu phí của nhà đầu tư BOT và được cập nhật giá trị quyết toán vào phương án tài chính của hợp đồng dự án. Hơn một năm qua, đèn tín hiệu chưa thấy đâu, còn TNGT lại liên miên ập đến. Ngày 27.8.2018, Ban ATGT tỉnh phải tiếp tục gửi công văn đến Ủy ban ATGT quốc gia, Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị chỉ đạo nhà đầu tư BOT khẩn trương lắp đặt.
Đến đây, Sáu tôi nhớ lại các nhà đầu tư mở rộng QL1 cũng đã nhiều lần “trễ hẹn” thực hiện chỉ đạo về đầu tư đèn tín hiệu khu vực nút giao với ĐT615 (ngã tư Kỳ Lý), đường Nguyễn Văn Linh và đường Khu công nghiệp đi cảng Tam Hiệp (Núi Thành), ĐT610 (ngã ba Nam Phước, Duy Xuyên), ĐT613 (Thăng Bình). Câu chuyện trách nhiệm của các đơn vị liên quan vẫn chưa được giải đáp.
SÁU CÒI