Giải việt dã truyền thống Báo Quảng Nam mở rộng lần thứ XXII năm 2018 cúp Agribank: Chất lượng và chuyên nghiệp

ANH SẮC 18/09/2018 02:26

LÚC 6 giờ sáng nay 18.9, tại Quảng trường 24.3 TP.Tam Kỳ, khai mạc giải Việt dã truyền thống Báo Quảng Nam mở rộng lần thứ XXII năm 2018 cúp Agribank. Giải do Báo Quảng Nam, Sở VH-TT&DL, Sở GD-ĐT, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Tỉnh đoàn và UBND TP.Tam Kỳ phối hợp tổ chức. Các nội dung thi đấu của giải được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh - truyền hình Quảng Nam (QRT) và Đài Phát thanh - truyền hình Đà Nẵng (DRT).

Giải Việt dã truyền thống Báo Quảng Nam năm 2018 thu hút 120 đoàn với hơn 1.800 vận động viên tham gia tranh tài. Ảnh: T.V
Giải Việt dã truyền thống Báo Quảng Nam năm 2018 thu hút 120 đoàn với hơn 1.800 vận động viên tham gia tranh tài. Ảnh: T.V

Nâng tầm uy tín, chất lượng

Năm nay, nội dung thi đấu khối đội tuyển tỉnh, thành phố của giải Việt dã truyền thống Báo Quảng Nam có 15 tỉnh, thành phố tham gia. Trong đó, ngoài các đơn vị gắn bó nhiều năm qua gồm Bình Định, Ninh Bình, Gia Lai, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Sơn La, Đăk Lăk, TP.Đà Nẵng, Quảng Bình, Trung tâm Huấn luyện quốc gia Đà Nẵng, Quân đội, còn có một số cái tên mới là Quảng Trị, Kon Tum, Hà Nam và Hà Tĩnh. Đây là nội dung luôn được chờ đợi để xem các tài năng trẻ sẽ đối đầu với vận động viên (VĐV) “hàng tuyển”, những người đã xác lập được thương hiệu qua đấu trường SEA Games hay các giải trẻ quốc gia, khu vực. Sở hữu nhiều gương mặt chất lượng như Dương Văn Thái (á quân giải Việt dã Báo Quảng Nam năm 2017, vô địch SEA Games), Huỳnh Duy Thức, Phạm Thị Thúy Hạnh (vị trí thứ tư giải Việt dã Báo Quảng Nam năm 2017), Lưu Thị Thu, nên Trung tâm Huấn luyện quốc gia Đà Nẵng vẫn là ứng cử viên nặng ký cho ngôi nhất toàn đoàn cũng như các danh hiệu cá nhân. Trong khi đó, trở lại sau một năm vắng mặt, các VĐV Quân đội như Nguyễn Quốc Anh, Đào Minh Chí hay Lê Thị Thoa với kết quả thi đấu ấn tượng trong thời gian vừa qua ở các giải quốc gia, quốc tế cũng sẽ là đối thủ nặng ký trên đường đua.

Các vận động viên tập luyện chuẩn bị cho giải.
Các vận động viên tập luyện chuẩn bị cho giải.

Nhưng chưa hẳn có bản thành tích cao là sẽ thành công ở giải Việt dã Báo Quảng Nam. Thực tế đã từng có VĐV đội tuyển song vẫn thất bại trước những đồng nghiệp trẻ. Cuộc đua ở cự ly dài 5.000m của nữ và 10.000m của nam khá khắc nghiệt, đầy thử thách, VĐV không chỉ tài năng, kinh nghiệm mà còn đòi hỏi sự dẻo dai, khả năng nước rút tốt. Trong một ngày đẹp trời, phong độ vào “phom”, VĐV bị đánh giá yếu hơn có thể đánh bại đối thủ mạnh hơn là điều thường xảy ra trong thể thao. Thế nên, sự góp mặt của các VĐV “có số má” song khó có thể nói trước điều gì khi những tài năng trẻ của các địa phương vẫn là ẩn số.

Dù chỉ là giải phong trào nhưng màn so tài của lực lượng học sinh phổ thông vẫn rất đáng chờ đợi. Nhiều người đang chờ xem những tài năng trẻ xuất hiện trong phong trào việt dã học đường năm nay. Và cũng chờ xem các VĐV học trò Duy Xuyên phá vỡ kỷ lục mà mình xác lập với 7 chiếc cúp toàn đoàn liên tiếp. Trong khi đó, trên đường chạy khối cán bộ, công nhân viên chức lao động hay sinh viên, lực lượng vũ trang cũng hứa hẹn nhiều pha đua tranh sôi nổi. Liên đoàn Lao động TP.Hội An có bảo vệ được ngôi vị nhất toàn đoàn để lập hat tric vô địch hay Liên đoàn Lao động TP.Tam Kỳ sẽ trở lại sau 2 năm thất bại hoặc một cái tên nào đó sẽ lên ngôi?

Xã hội hóa

Khối đội tuyển các tỉnh, thành phố: nam 10.000m, nữ 5.000m; khối học sinh phòng GD-ĐT, trường THPT, khối cơ quan ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh, khối Liên đoàn Lao động các huyện, thị xã, thành phố: nam 2.000m, nữ 1.500m; khối học sinh - sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, lực lượng vũ trang: nam 3.000m, nữ 2.000m; khối phong trào: 3.000m.

Giải Việt dã Báo Quảng Nam là giải thể thao trên tinh thần xã hội hóa. Để phục vụ công tác tổ chức, khen thưởng, các đơn vị thành viên Ban tổ chức giải đóng góp một phần kinh phí. Đặc biệt, trên hành trình 22 năm của giải, Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Quảng Nam có 14 năm liên tiếp tài trợ chính. Đồng tài trợ gồm Công ty CP Kính nổi Chu Lai và năm nay có cái tên mới Công ty CP Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp chi nhánh Đà Nẵng.

Dù là giải xã hội hóa, nguồn kinh phí tài trợ không tăng nhưng để động viên, khuyến khích VĐV nỗ lực hơn trong thi đấu, trong 2 năm liên tiếp tiền thưởng được tăng lên. Năm nay, giải thưởng cá nhân cao nhất 1 triệu đồng và giải nhất toàn đoàn 3 triệu đồng. Khối học sinh phổ thông tuy có ít hơn nhưng vẫn khá cao với 500.000 đồng giải nhất cá nhân và 1,2 triệu đồng giải nhất toàn đoàn. Ngoài ra, nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại, ăn ở, đoàn VĐV các tỉnh, thành phố còn được hỗ trợ một khoản kinh phí.

Nhiều năm qua, đã trở thành nét đẹp, thể hiện tính nhân văn của một hoạt động thể thao, Ban tổ chức giải tiết kiệm một phần kinh phí trong công tác tổ chức để trao 20 suất học bổng (mỗi suất trị giá 2 triệu đồng) hỗ trợ học sinh nghèo, vượt khó học giỏi. Năm nay, 20 học sinh của Trường THPT Võ Chí Công (Tây Giang) sẽ được nhận học bổng tại lễ khai mạc giải, tạo động lực cho các em phấn đấu rèn luyện để học tập đạt kết quả tốt.

ANH SẮC

ANH SẮC