Biến đổi khí hậu gây ra nhiều cơn bão tồi tệ hơn
(QNO) - Trái đất ấm lên, lượng hơi nước trong không khí tăng thêm, đã góp phần hình thành những trận siêu bão với cường độ mạnh chưa từng thấy.
Siêu bão Mangkhut làm chết hơn 60 người tại Philippines. Ảnh: AFP |
Những ngày cuối tuần qua, siêu bão Mangkhut đổ bộ vào Philippines và Hồng Kông (Trung Quốc) khiến hàng chục người chết và thiệt hại kinh tế hàng tỷ USD. Ngay trước đó, bão Florence gây thiệt hại nặng nề khi các bang Bắc Carolina và Nam Carolina của Mỹ có ít nhất 13 người thiệt mạng.
Theo thang bão Saffir-Simpson, được sử dụng để đo lường các cơn bão nhiệt đới xuất hiện nhiều ở khu vực Tây bán cầu, cấp mạnh nhất của bão là 5, như cường độ của cơn bão Mangkhut. Tờ Guardian có bài viết đặt câu hỏi rằng với nhiệt độ trái đất ngày càng nóng lên, liệu nhân loại có thể đối mặt với cường độ bão cấp 6, tức sức gió vượt qua 320km/h hay không?
Các nhà khoa học cho biết, sự nóng lên toàn cầu, chủ yếu do con người tạo ra khiến những thập kỷ gần đây cho thấy lượng hơi nước trong không khí đã tăng thêm 5-8%, góp phần hình thành trên biển những trận siêu bão mạnh chưa từng thấy, trong đó có những biểu hiện của cường độ bão cấp 6.
Biến đổi khí hậu do hoạt động của con người đóng góp khoảng 30% lượng mưa bão Harvey với sức gió 195km/h tấn công bang Texas, Mỹ vào năm 2017 khiến nhiều người thiệt mạng và gây thiệt hại kinh tế hơn 100 tỷ USD.
Giáo sư danh dự Fred Magdoff của Đại học Vermont (Mỹ) nói với hãng thông tấn Sputniknews của Nga rằng: “Tuy không thể nói nếu không có sự nóng lên toàn cầu thì sẽ không có bão, nhưng chắc chắn các cơn bão đã trở nên tồi tệ hơn do trái đất lên”.
NAM VIỆT