Phụ nữ Tây Giang với an toàn thực phẩm

HIỀN THÚY 17/09/2018 05:54

Việc tổ chức hội thi “Nói không với thực phẩm bẩn” là một trong những hoạt động thiết thực của  Hội LHPN huyện Tây Giang, nhằm nâng cao nhận thức trong hội viên để mang đến bữa cơm an toàn cho mỗi gia đình.

Kịch “Sản xuất rượu phi pháp” do Hội LHPN xã Ch’ơm thể hiện. Ảnh: H.THÚY
Kịch “Sản xuất rượu phi pháp” do Hội LHPN xã Ch’ơm thể hiện. Ảnh: H.THÚY

Hội thi thu hút 90 chị em là hội viên, phụ nữ của 13 đội đến từ Hội LHPN các xã, Hội phụ nữ Công an huyện, câu lạc bộ Phụ nữ tiểu thương, các tổ nữ công của huyện. Nội dung hội thi chú trọng vấn đề an toàn thực phẩm, cảnh báo thực phẩm bẩn, nâng cao ý thức của hội viên phụ nữ về sử dụng thực phẩm sạch... Các phần thi được sân khấu hóa rất sinh động, phong phú, phản ánh đúng về hiện tượng thực phẩm bẩn tràn lan trên thị trường ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, môi trường sống cũng như nâng cao ý thức của con người trong việc sản xuất, tiêu thụ và mua bán thực phẩm. Đáng chú ý, vở kịch “Gậy ông đập lưng ông” của Hội LHPN xã Lăng thể hiện trong phần thi xử lý tình huống đã để lại khá nhiều ấn tượng cho người xem. Vở kịch ngắn phản ánh về một gia đình bán rau, hoa quả thường xuyên sử dụng chất kích thích tăng trưởng để giúp rau, hoa quả tươi xanh. Nhưng thật không may, chính đứa con gái ruột vô tình ăn phải bị ngộ độc, làm nguy hại đến sức khỏe. Chị Hôih Thị Sơm - Chủ tịch Hội LHPN xã Lăng cho biết: “Qua vở kịch ngắn này, chúng tôi muốn tuyên truyền mọi người nâng cao nhận thức về vấn đề an toàn thực phẩm, nhất là mỗi chị em phụ nữ phải có tiếng nói mạnh mẽ nói không với thực phẩm bẩn”.

Hay như vở kịch “Sản xuất rau sạch” của Hội LHPN xã A Nông thể hiện phần thi về người dân rất thật thà trong việc trồng rau, họ đã trồng chăm sóc và bón phân tự nhiên không sử dụng một loại hóa chất gây hại nào và được người dân rất tin tưởng sử dụng chế biến thức ăn hằng ngày. Chị Bhling Thị Nan, hội viên phụ nữ xã A Nông chia sẻ: “Trước tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan, qua đây chúng tôi phát động phong trào tự tay trồng rau rạch để ăn và bán ra thị trường, chăn nuôi gia súc gia cầm để có thực phẩm sạch, vừa phục vụ cho gia đình vừa có thêm thu nhập. Nếu những người nông dân như chúng tôi đều có ý thức trong việc chăn nuôi, trồng trọt theo hướng an toàn sẽ không lo ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, kể cả vấn đề đầu ra sản phẩm”.

Theo bà Bh’ríu Thị Sen - Chủ tịch Hội LHPN Tây Giang, trước thực trạng thực phẩm bẩn tràn lan, ảnh hưởng tới sức khỏe của mỗi người dân, việc tổ chức hội thi “Phụ nữ nói không với thực phẩm bẩn” rất ý nghĩa, cần được nhân rộng. Mục đích tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân trên địa bàn trong việc sản xuất, mua bán và sử dụng thực phẩm sạch, nâng cao sức khỏe và đời sống của cộng đồng dân cư. Đồng thời tuyên truyền cho chị em hội viên, phụ nữ nhận thức đúng về vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là sự nguy hiểm của việc sử dụng các chất độc hại trong sản xuất và chế biến.

HIỀN THÚY

HIỀN THÚY