Hậu tái định cư thủy điện: Gánh nặng cho miền núi (bài cuối)
BÀI CUỐI: TÌM LỐI THOÁT NGHÈO BỀN VỮNG
Các địa phương miền núi đã có một số quyết sách tháo gỡ bất cập dự án tái định cư (TĐC) thủy điện, trong đó ưu tiên mở rộng vùng sản xuất, chăm lo tái định canh và dần phục hồi không gian sống cho đồng bào ở vùng cao.
Tin liên quan
|
Cần quản lý sau đầu tư hiệu quả các công trình dân sinh tại làng tái định cư thủy điện.Ảnh: H.P |
Đảm bảo tư liệu sản xuất tối thiểu
Mất đi “văn hóa lúa rẫy”, đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao đối mặt với nhiều thách thức khi tìm kế sinh nhai thay thế. Bà Nguyễn Thị Tuyết Thanh - Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh cho rằng, miền núi cần nhiều đòn bẩy thoát nghèo hơn, tạo môi trường sinh kế đa dạng, phục hồi cho bằng được “văn hóa lúa rẫy” của đồng bào. Tận dụng các nguồn lực đầu tư, tăng thêm hạn mức cấp đất cho mỗi hộ dân ít nhất 2ha trở lên mới đảm bảo đủ diện tích sản xuất, phù hợp với đặc thù ở miền núi.
Ưu tiên giải quyết hạng mục bức xúc nhất Chủ đầu tư dự án thủy điện cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương rà soát lại các hạng mục bức xúc nhất về dân sinh để giải quyết kịp thời; đồng thời đa dạng hóa các ngành nghề đào tạo gắn liền với giải quyết công ăn việc làm tại chỗ cho lao động trẻ. Triển khai gấp rút phương án phục hồi, hoặc mở rộng đất sản xuất cho người dân. |
Từ sai lầm đẩy người dân TĐC vào rừng phòng hộ Sông Tranh, nhiều năm qua, chính quyền huyện Bắc Trà My hầu như tập trung mọi nguồn lực để chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất rừng phòng hộ sang sản xuất, cấp lại diện tích canh tác đảm bảo tối thiểu nhu cầu sử dụng. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My Nguyễn Nhuần, địa phương không thực hiện chính sách hỗ trợ đất sản xuất từ các chương trình, dự án của Chính phủ mà chủ yếu lấy từ nguồn hỗ trợ của chủ đầu tư nhà máy thủy điện, dự án trồng rừng của Ngân hàng Thế giới (WB3) và từ ngân sách huyện. Tại xã Trà Bui (Bắc Trà My), chính quyền đang lập thủ tục hồ sơ để giao 216ha đất sản xuất cho 136 hộ dân TĐC, đồng thời tiến hành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với các trường hợp đã xác lập được địa vị pháp lý rõ ràng. Huyện Bắc Trà My đã xây dựng dự án đầu tư sản xuất và ổn định đời sống cho người dân sau TĐC giai đoạn 2016 - 2020.
Các ngôi làng TĐC thủy điện đầu tiên của tỉnh như Pache Palanh, Cut Chrun (Đông Giang), hay TĐC ở các thôn Alua, K’la, Ka Tiếc (xã Dang, Tây Giang) đã thử nghiệm nhiều mô hình trồng cây ăn quả, rau màu. Đây là thời điểm phù hợp để địa phương quyết định lựa chọn mô hình phù hợp và tiếp tục cải tạo làm giàu dinh dưỡng cho đất. Ở khu TĐC Pache Palanh, theo quy hoạch có 25ha đất được sử dụng để canh tác lúa nước. Tuy nhiên, do chưa đầu tư hệ thống thủy lợi đồng bộ, hiện mới có gần 5ha lúa nước sản xuất thường xuyên; diện tích còn lại đồng bào chuyển sang trồng keo và tràm. Ở khu TĐC này, thổ nhưỡng phù hợp với phát triển các loại cây như dứa, chuối, sả, gừng, măng điền trúc… nhưng diện tích bố trí đất vườn nhỏ, nên sản phẩm thu được không đáng kể.
Đi đôi với hỗ trợ cây giống, con vật nuôi, nhiều địa phương tính toán đầu tư hoạt động kinh tế nương rẫy lâu dài. Mấu chốt của đời sống miền núi phụ thuộc nhiều vào đất nương rẫy và đây cũng là lối thoát nghèo bền vững nhất trong bối cảnh hiện nay. Bà Phạm Thị Như – Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang đề xuất: “Với thói quen canh tác luân canh ở miền núi, định mức cấp mỗi hộ 1,5ha là thấp; vì vậy chính quyền đề nghị được chuyển đổi diện tích đất rừng sản xuất không đủ điều kiện là rừng sang đất khác để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, xem xét bồi thường, hỗ trợ 109ha đất của người dân thôn Pà Păng để giao lại cho các hộ dân TĐC thôn 2, xã Tà Pơơ sản xuất ổn định cuộc sống”.
Đa dạng sinh kế
Ông Đỗ Tài - Bí thư Huyện ủy Đông Giang cho rằng, điều quan tâm nhất của vùng TĐC dự án thủy điện là người dân sống bằng nghề gì và thu nhập chính lấy từ đâu? Việc định cư thì tạm ổn nên bây giờ cần đầu tư mạnh vào chính sách “định canh”. Chính sách của Nhà nước trong giao khoán bảo vệ rừng thời gian qua chỉ mang tính chất hỗ trợ cải thiện thu nhập, chứ không phải là yếu tố quyết định mục tiêu giảm nghèo.
Các bên liên quan cần ngồi lại để giải quyết vướng mắc hậu tái định cư thủy điện. TRONG ẢNH: Đoàn giám sát HĐND tỉnh làm việc với các đơn vị liên quan tại nhà truyền thống của xã Tà Pơơ (Nam Giang).Ảnh: H.P |
Báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB đánh giá, ngoài các trường hợp thất bại vẫn có sự xoay chuyển với tín hiệu tích cực về phục hồi sinh kế của người dân sau khi TĐC. Ví dụ như tại các xã Zuôih, Tà Pơơ (Nam Giang) trước đây hầu như không có hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên từ ngày tích nước hồ Sông Bung 4 năm 2014, có ít nhất 16 hộ ở Đhi, Pà Rum B (xã Zuôih) mua thuyền máy đánh bắt cá ở lòng hồ và 66 hộ ở các thôn có ao cá. ADB đã đào tạo, tập huấn cho dân TĐC kỹ thuật nuôi cá lồng bè để tăng thu nhập. Một tín hiệu lạc quan khác, tiền gửi ngân hàng từ nguồn bồi thường thu hồi đất bắt đầu tăng lên. ADB thống kê năm 2014, số tiền gửi vào ngân hàng của vùng dự án thủy điện Sông Bung 4 là 124 tỷ đồng thì tăng lên 154 tỷ đồng vào năm 2016; và cũng năm nay số tiền lãi cả thôn Pa Rum B hơn 1,2 tỷ đồng. Ngoài thu nhập từ canh tác nương rẫy, giao nhận khoán bảo vệ rừng (mỗi hộ nhận 1 - 1,2 triệu đồng/quý), nguồn sinh kế khác của người dân bản địa là từ khai thác tre, mây, nấm, thu ươi, mật ong…
Sau khi đưa dân ra TĐC, thanh quyết toán công trình, chủ đầu tư các nhà máy thủy điện đã bàn giao quản lý về cho chính quyền địa phương. Trong khi đó, pháp luật chưa quy định chế tài ràng buộc nên doanh nghiệp chưa thấy hết trách nhiệm của mình về giải quyết việc làm, ổn định đời sống của nhân dân trong vùng dự án. Vì vậy mà thách thức về giảm nghèo luôn gây áp lực cho chính quyền sở tại. Hiện nay, Quảng Nam bám sát Bộ Kế hoạch - đầu tư, Bộ Tài chính và Bộ NN&PTNT để thẩm định kết quả nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, thẩm định chủ trương đầu tư dự án ổn định đời sống và sản xuất cho người dân sau TĐC các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương theo Quyết định số 64/2014 ngày 18.11.2014 của Thủ tướng Chính phủ. Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng kiến nghị Thủ tướng hỗ trợ kinh phí đầu tư cho Quảng Nam sớm ổn định đời sống người dân sau khi TĐC thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn như huyện Nam Giang. Theo HĐND tỉnh, việc xác định nguyên nhân nghèo, tái nghèo ở vùng dự án TĐC là không khó, bởi ADB đã đánh giá khá đầy đủ, toàn diện về mối tương quan giữa các hộ thất bại trong phục hồi sinh kế hậu TĐC với tỷ lệ hộ nghèo. Vấn đề nằm ở chỗ, cán bộ cơ sở phải thực sự sát dân, chính quyền cần xây dựng lực lượng tuyên truyền viên hùng mạnh để “chống lại” tâm lý trông chờ ỷ lại của đồng bào dân tộc thiểu số.
Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Đặng Tấn Giản cho rằng, muốn giảm nghèo phải trả lời bằng được câu hỏi ai là người đứng ra tổ chức cho dân phát triển kinh tế. Không thể cấp tiền, gạo, đầu tư công trình dân sinh xong là hết trách nhiệm. Người dân miền núi tư duy khác vùng đồng bằng, một sớm một chiều khó thay đổi thói quen sản xuất, sinh hoạt lẫn văn hóa bản địa của họ. Với công trình dân sinh hư hỏng, cũng cần cơ chế ràng buộc sau đầu tư, cách thức tổ chức quản lý công trình ra làm sao. “Bởi vậy, các bên có liên quan (gồm chính quyền huyện, xã, cộng đồng thôn và chủ đầu tư) phải ngồi lại để tìm tiếng nói chung tháo gỡ khó khăn” - ông Giản nói.
Từ thực trạng ở vùng dự án TĐC thủy điện, HĐND tỉnh nhận định, đây là giai đoạn “chín muồi” để các chính sách vĩ mô của Nhà nước dành nguồn lực cho phát triển hạ tầng cơ bản ở miền núi, hạn chế việc hỗ trợ tiền, gạo để “chống” tư tưởng ỷ lại của đồng bào. Trong trường hợp triển khai các mô hình ổn định đời sống, an sinh xã hội thì phải kiểm tra, giám sát đều đặn cả giai đoạn sau khi thực hiện đầu tư; không để đồng tiền của Nhà nước sử dụng thất thoát, không hiệu quả như thời gian qua.
TRẦN HỮU PHÚC