"Chuyện tử tế" ở Đại Bình
Bao thế hệ đã an trú ở Đại Bình, tựa núi, bám sông, nghe gió ngàn reo hòa cùng sóng nước Thu Bồn… Một ngôi làng đặc biệt, mà tên gọi đã như một chỉ dấu đẹp đẽ cho làng quê Quảng. An yên, còn được kể bằng những câu chuyện về lòng tử tế của cư dân Đại Bình…
Làng Đại Bình quanh năm xanh ngát nhờ vườn cây trái. Ảnh: C.V |
1. Vẫn là con đường len lỏi giữa những vườn cây trái, vẫn con dốc dưới bóng tre rợp mát từ bến nước lên làng nhỏ, nhưng màu xanh lạ kỳ của Đại Bình (xã Quế Trung, huyện Nông Sơn) chừng như không cũ. Chúng tôi đi qua từng ngõ làng, bắt gặp đôi quang gánh của bà vẫn thong dong đi qua ngõ, đôi mớ rau xanh gói trong tàu lá chuối, như bước ra từ khoảng trời ký ức. Làng nhỏ, mà như cất giữ trong từng khoảnh sân, từng giếng nước, cất giữ cả tuổi thơ một thời của bao người…
Phạm Văn Bằng, một người trẻ ở làng, đón chúng tôi ngay ở con dốc bến đò. Lớn lên từ màu xanh ngút ngát của Đại Bình, Bằng chọn ở lại với quê, dù nhiều bạn bè cùng trang lứa với anh đã rời đi tứ xứ theo cuộc mưu sinh. Anh nhớ mặt, rõ tên từng người trong làng, phần vì công việc của một bí thư chi bộ thôn, phần vì đó cũng là nếp làng đã ăn sâu trong suy nghĩ cư dân nơi này. Bao việc có tên và không tên đủ để anh tất bật cả ngày, dù hiếm khi đi xa ngôi làng nhỏ. Anh kể, với quê, tình cảm xóm làng như một thứ “hương ước” đặc biệt cho mọi ứng xử, mọi nguyên tắc. Tôi nhớ lại câu chuyện mà mình được nghe vài năm trước, khi cụ Nguyễn Quốc Tín, một bậc cao niên của làng còn sống. Câu chuyện về tộc họ lớn nhất của Đại Bình, là “Lương Bằng tộc”. Một tộc họ chung cho cả làng, không phân biệt họ Phan, họ Trần hay Nguyễn, để xóa bỏ khoảng cách của tộc này tộc kia. “Lương” để nhắc nhớ về thiện lương trong cách sống. “Bằng”, là sự bình đẳng, hòa hợp dù là cháu con của bất cứ tộc nào trên đất Đại Bình. Trên dưới, đều là con cháu của tộc Lương, Bằng. Chỉ có một “nhà chung”, một cội, đùm bọc, chở che cho nhau. Suốt hơn ba trăm năm tuổi đời của ngôi làng, họ đã và vẫn sống với nhau bằng tinh thần đó. “Những dịp quan trọng như giỗ quảy của bất kỳ nhà nào, dù có bận, người làng ít nhất cũng ghé qua, góp một chút thịt, một ít bánh trái cho chủ nhà. Nếp làng, từ rất lâu rồi. Tôi đi vận động xây dựng nông thôn mới, quyên góp ủng hộ các quỹ, họp thôn cũng nhờ các cụ cao tuổi, có uy tín lên tiếng giúp. Chuyện nhỏ to ở làng, đều đưa ra để bà con góp ý. Miễn là vì cái chung, vì làng xóm, bà con luôn ủng hộ”- Bằng kể.
2. Màu xanh của Đại Bình được nhắc đến như một niềm tự hào của dân làng, được gìn giữ bằng chính bàn tay của từng cư dân. Ông Phan Hoài Việt, một người dân thôn Đại Bình, nhiều năm nay quen với việc tự nguyện phát dọn đường vào thôn, đoạn sau lưng nhà máy nhiệt điện. Người trong làng có việc dậy sớm, ra khỏi làng, thường xuyên bắt gặp ông Việt phát chặt những bụi cây che khuất tầm nhìn, vừa quét dọn đoạn đường. Ông Việt còn có “nghề tay trái” là cắt tóc miễn phí cho người dân. Ai nhờ, ông sẵn sàng giúp mà không lấy tiền, thậm chí còn mang cả dụng cụ đến tận nhà cắt tóc giúp những người già không đi lại được. Những hàng chè tàu vuông vức trước ngõ nhà cũng được ông khởi xướng từ nhiều năm trước, trở thành một “đặc sản” của làng Đại Bình trong mắt du khách gần xa. Giản dị mà thầm lặng, chuyện của ông già ở làng Đại Bình như một cánh hoa trắng chầm chậm trôi từ thượng nguồn Hòn Kẽm, xuôi Thu Bồn, đáp đền, và tiếp nối bằng tấm lòng yêu với quê, với làng. Ông bằng lòng và vui vẻ với công việc tưởng “bao đồng” của mình, và chẳng mưu cầu gì ngoài nụ cười và cái gật đầu chào từ những người quen đi ra khỏi làng khi bắt gặp mình đang cầm cây rựa phát dọn đầu con dốc. Việc nhỏ, và rất bình thường, như kiến giải về “tử tế” trong bộ phim nổi tiếng của đạo diễn Trần Văn Thủy, nhưng là một cái đẹp rất sáng trong mà chúng tôi không khỏi yêu mến, với Đại Bình…
Ông Phan Hoài Việt phát dọn hàng chè tàu ở làng Đại Bình. Ảnh: C.V |
Người Đại Bình “tử tế” với nhau, và “tử tế” với cả những người đã khuất. Làng có một đội trợ tang, và khi có ai đó qua đời, cả làng không ai bảo ai, sẽ chung tay vào lo hậu sự cho người đã khuất. Họ đến, dự phần bằng trách nhiệm, bằng tình nghĩa xóm làng, bằng lòng thương cảm với gia đình người đã khuất. Không cần một “dịch vụ” khép kín như ở nhiều nơi khác, sự hiện hữu của những người trong đội trợ tang ở làng Đại Bình cũng giúp gia chủ lo hậu sự vẹn toàn, và còn thắp lên chút ấm nồng từ tình cảm xóm giềng trong lúc đau buồn của gia chủ. Chuyện nhỏ thôi, mà thấy ấm áp quá chừng, khi mà chuyện tang chay ở nhiều nơi bây giờ trở thành một thứ dịch vụ nở rộ, rườm rà mà vô cảm…
3. Có hai cách để đến Đại Bình. Một, là qua cầu Nông Sơn, vòng con đường bên hông nhà máy nhiệt điện. Con đường còn lại, quen thuộc và… thơ hơn, là đi qua bến đò nhỏ gần chợ Trung Phước. Bến đò đã trở thành một phần hồn của Đại Bình, là thứ không thể thiếu trong hành trang ký ức mà bao người Đại Bình đã mang theo trong dặm dài cuộc mưu sinh ở khắp mọi miền. Và nó vẫn ở đó. Con đò nhỏ neo sẵn bên bãi cát dài, không bao giờ nề hà đông hay vắng khách. Một bàn tay vẫy bên kia sông, là nổ máy vòng sang đón. Anh Bằng kể, một dạo, con đò bị cấm hoạt động do… hết giấy phép đăng kiểm. Dù vẫn còn con đường qua nhà máy nhiệt điện, nhưng nhiều người, nhất là các bà, các mẹ vẫn thường chạy chợ Trung Phước mỗi ngày bỗng khổ sở hơn nhiều khi thúng mủng hàng hóa phải đi một đoạn đường vòng rất xa để đến chợ. Vậy là cán bộ thôn, cán bộ huyện khăn gói ra tận… Đà Nẵng, mời đơn vị đăng kiểm về tới Đại Bình, gấp rút làm thủ tục cho đò chạy lại. Một tuần “bó lái” ở bãi cát, con đò chạy trở lại, trong niềm vui của bà con Đại Bình.
Tôi đứng trên bến đò phía chợ Trung Phước, nhìn sang Đại Bình. Cuối mùa nước cạn, sông Thu Bồn như xanh hơn, nắng trải vàng trên bãi cát dài bên kia xóm. Đứng trưa, đò đưa đúng… một người qua sông, nhưng ông lái chẳng chần chừ nấn ná, mà nổ máy quay đầu ngay khi người vừa bước lên đò. Tự hỏi, nếu thiếu con đò kia, thiếu bước chân đội nắng đi giữa bãi cát dài trưa vắng, liệu Đại Bình có đẹp và yên bình đến da diết, như bây giờ?
Chúng tôi ngồi trò chuyện với ông Trà Tiến Tài, Bí thư Đảng ủy xã Quế Trung, người đồng hành với Đại Bình trong suốt nhiều năm qua. “Không nói quá, khi Đại Bình đang là một hòn ngọc quý của Quế Trung, của Nông Sơn bây giờ. Một viên ngọc, dù còn thô, nhưng đã lấp lánh sáng nhờ vẻ đẹp mộc mạc của tự thân Đại Bình. Nhưng đã là ngọc, thì cần mài giũa, để nó càng trở nên có giá trị. Đại Bình cũng vậy. Nếu làm được du lịch, mà phải là du lịch xanh, du lịch sinh thái, thì không chỉ đời sống của dân Đại Bình đi lên, mà vẻ đẹp của nơi này cũng được phát lộ” - ông Tài chia sẻ. Ông Tài cũng là người đã đề xuất về một cơ chế đặc thù cho Đại Bình trong xây dựng khu dân cư mới kiểu mẫu, để giữ lại con đường làng nhỏ, những hàng chè tàu xanh, như một thứ “lá chắn” cho làng quê Đại Bình trước sự đổi thay ồ ạt của đường sá, hạ tầng thời hiện đại.
Đại Bình vẫn xanh. Như màu xanh của dòng Thu Bồn chảy về từ Hòn Kẽm, một màu xanh lắng sâu dịu dàng sau muôn trùng ghềnh thác nơi thượng nguồn. Trưa vắng, con đò cắm sào bên bãi cát, nghe gió thổi xào xạc từ rặng tre già. Bên kia bến sông, là con dốc khuất sau rặng tre già, nẻo về một chốn an yên: Đại Bình.
Ghi chép của THÀNH CÔNG - PHAN VINH