Thảo luận, góp ý nội dung sửa đổi, bổ sung về tiêu chuẩn cán bộ

NGUYÊN ĐOAN 14/09/2018 09:11

Tin liên quan

  • Tỉnh ủy tổ chức hội nghị chuyên đề về công tác cán bộ
  • Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Lê Văn Dũng: "Tỉnh ủy sẽ sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 04"

(QNO) - Phát biểu thảo luận tại hội nghị chuyên đề về công tác cán bộ vào sáng 14.9, các đại biểu thống nhất cao với báo cáo đánh giá sơ kết, dự thảo kết luận về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 04 ngày 12.8.2016 của Tỉnh ủy (khóa XXI) về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, kiện toàn tổ chức bộ máy giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025.

Quang cảnh hội nghị chuyên đề sáng 14.9. Ảnh: N.Đ
Quang cảnh hội nghị chuyên đề sáng 14.9. Ảnh: N.Đ

Dự thảo kết luận của Tỉnh ủy (khóa XXI) đề ra 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Nghị quyết 04 về nâng cao chất lượng, kiện toàn tổ chức bộ máy giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025. Đồng thời thống nhất sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị quyết 04.

Đáng chú ý, về tiêu chuẩn bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, dự thảo kết luận đề xuất sửa đổi như sau: “Đối với nhân sự sinh sau năm 1975 khi đề bạt, bổ nhiệm và giới thiệu ứng cử giữ các chức vụ trưởng, phó trưởng phòng và tương đương trở lên thuộc các cơ quan hành chính cấp huyện, cấp tỉnh, phải đạt trình độ đại học chuyên môn hệ chính quy. Trường hợp có bằng đại học hệ không chính quy nhưng có trình độ sau đại học và có triển vọng phát triển tốt thì do cấp có thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ xem xét, quyết định”.

Nhân sự cấp xã sinh sau năm 1975: Khi giới thiệu ứng cử các chức danh bí thư, phó bí thư đảng ủy, chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, chủ tịch, phó chủ tịch UBND; chủ tịch Mặt trận Tổ quốc, chủ tịch phụ nữ, chủ tịch nông dân, bí thư đoàn thanh niên, từ nay đến hết năm 2024 phải có trình độ trung cấp lý luận chính trị và trình độ chuyên môn đại học (ưu tiên nhân sự có đại học chính quy và sau đại học).

Từ năm 2025 trở đi phải có trình độ trung cấp lý luận chính trị và trình độ chuyên môn đại học chính quy, trường hợp có bằng đại học hệ không chính quy nhưng có trình độ sau đại học và có triển vọng phát triển tốt thì do cấp có thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ xem xét, quyết định. Riêng đối với nhân sự là người dân tộc thiểu số công tác ở các huyện miền núi cao phải có trình độ trung cấp lý luận chính trị và trình độ chuyên môn đại học trở lên.

Góp ý, thảo luận nội dung trên, ông Phan Xuân Quang - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho rằng, từng có thời gian công tác tại Đại Lộc nên ông biết công tác cán bộ ở cấp huyện còn gặp nhiều vướng mắc. Từ nhiệm kỳ 2005 - 2010 tỉnh đã đề cập đến tiêu chuẩn cán bộ phải có trình độ đại học chính quy, nhưng nói chung chung chứ chưa đề cập cụ thể như Nghị quyết 04 (khóa XXI).

Theo ông Phan Xuân Quang, dự thảo xác định hết năm 2024, khi đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử thì cán bộ xã sinh sau năm 1975 phải có trình độ chuyên môn đại học chính quy, trường hợp có bằng đại học hệ không chính quy. Các địa phương miền núi vướng mắc nhiều hơn thì nên áp dụng; còn các địa phương đồng bằng có vướng mắc nhưng không nhiều, chỉ rơi vào một số xã khó khăn về công tác cán bộ thì nên giữ nguyên quy định như hiện nay. Nếu đánh đồng thì mục tiêu nâng cao chất lượng  đội ngũ cán bộ theo Nghị quyết 04 sẽ gặp khó khăn.

“Riêng đối với cán bộ đoàn thanh niên xã thì không nằm trong đối tượng điều chỉnh của dự thảo. Vì cán bộ đoàn đều trẻ dưới 30 tuổi, có điều kiện học tập bài bản, đây cũng là nguồn cán bộ kế cận lâu dài. Cùng với đó, trong quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, các địa phương cần hết sức quan tâm đến đối tượng cán bộ thuộc Đề án 500 của tỉnh” - ông Quang phát biểu.

Điều hành thảo luận, góp ý vào các nội dung trình tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Việt Cường giải đáp làm rõ thêm đối với các vấn đề được đại biểu nêu ra. Đồng chí Phan Việt Cường lưu ý, thời gian vừa qua, nhiều cán bộ cấp xã, huyện đi học sau đại học để nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng tiêu chuẩn theo Nghị quyết 04. Việc cán bộ đi học là tốt, thể hiện tinh thần cầu tiến. Nhưng việc đi học của người cán bộ phải gắn với quy hoạch, vị trí việc làm, nhiệm vụ chuyên môn, không học theo “phong trào” gây lãng phí.

Kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Quang tiếp thu, đánh giá cao các ý kiến thảo luận, góp ý của các đại biểu. Đồng thời nêu rõ, việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số nội dung của Nghị quyết 04 cho phù hợp với thực tiễn và các Nghị quyết Trung ương 6, 7 (khóa XII) do Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh quyết định. Chiều nay (14.9), các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh sẽ họp, cho ý kiến góp ý cụ thể và biểu quyết thống nhất thông qua.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Quang, về cơ bản các nội dung đều được các đại biểu thống nhất cao. Liên quan đến tiêu chuẩn đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử lần đầu đối với cán bộ sinh sau năm 1975, nhiều ý kiến cho rằng, ở các địa phương đồng bằng thì quy định từ năm 2020 trở đi, còn đối với các huyện miền núi thì bắt đầu thực hiện từ năm 2025 trở đi. Nhưng dù có sửa đổi, bổ sung như thế nào, thì việc thực hiện Nghị quyết 04 phải được quyết liệt hơn; phải xem đây đang là giai đoạn quá độ trong công tác cán bộ của tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đối với dự thảo kế hoạch thực hiện Nghị quyết 26 (khóa XII) về công tác cán bộ, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Quang yều cầu các đại biểu tiếp tục có góp ý bằng văn bản để Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Tỉnh ủy nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện để thông qua. Với tinh thần chủ động, các cấp ủy tập trung thảo luận, nghiên cứu xây dựng các đề án, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến, thông qua để thực hiện phù hợp với điều kiện thực tiễn. Các đơn vị, địa phương phải xây dựng đề án, đề án phải được phê duyệt để thực hiện; đồng thời quan tâm giải quyết hỗ trợ cơ chế, chính sách đối với các bộ dôi dư do thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy...

NGUYÊN ĐOAN

NGUYÊN ĐOAN