Điều thần kỳ của kinh tế Việt Nam
(QNO) - Việt Nam, một trong những quốc gia từng nghèo nhất thế giới nay vươn lên là ngôi sao của thị trường mới nổi.
Việt Nam đang là một trong những ngôi sao sáng của thị trường mới nổi. Ảnh: Reuters |
Nhân hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) về ASEAN diễn ra tại Hà Nội từ ngày 11-13.9, trang web của WEF đăng tải bài viết của tác giả Peter Vanham có tựa “The story of Viet Nam’s economic miracle” (Câu chuyện về điều thần kỳ của kinh tế Việt Nam).
Theo bài viết, giữa những năm 80 của thế kỷ 20, GDP bình quân đầu người ở Việt Nam khoảng 200-300 USD. Năm 1986, Chính phủ thực hiện chính sách “Đổi mới” với một loạt cải cách kinh tế và chính trị, đưa đất nước trở thành một “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Đến năm 2017, GDP bình quân đầu người tăng lên 2.343 USD.
Việt Nam hiện là một trong những ngôi sao của thị trường mới nổi, tăng trưởng kinh tế 6-7%/năm. Mọi sản phẩm từ đồ thể thao Nike đến điện thoại thông minh Samsung được sản xuất tại Việt Nam. Sheng Lu - trợ lý giáo sư tại Đại học Delaware nói với tờ Financial Times, đó là sự thành công của đất nước này.
Lý giải điều thần kỳ đó, các chuyên gia thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) và Viện Chính sách Brookings cho rằng nhờ 3 yếu tố chính. Đầu tiên là sự bắt nhịp tự do hóa thương mại với việc ký kết một loạt thỏa thuận thương mại tự do trong vòng 20 năm qua. Thứ hai là việc kết hợp thương mại tự do bên ngoài với việc cải tổ từ bên trong như thông qua việc bãi bỏ các quy định hay giảm chi phí kinh doanh, thúc đẩy nền kinh tế mở. Năm 1986, Việt Nam thành lập Luật Đầu tư nước ngoài đầu tiên, cho phép các công ty nước ngoài vào làm ăn tại đây.
Bài báo trích dẫn báo cáo về tính cạnh tranh toàn cầu của WEF, Việt Nam từ thứ hạng 77 năm 2006, tăng lên thứ hạng 55 vào năm 2017. Bảng xếp hạng mức độ dễ dàng để kinh doanh của WB thì Việt Nam ở vị trí 68 vào năm 2017, tăng 36 bậc từ vị trí 104 năm 2007. Năm ngoái, theo WB, Việt Nam tiến bộ trên mọi lĩnh vực từ thực hiện hợp đồng, tiếp cận tín dụng, thanh toán thuế và giao dịch thương mại xuyên biên giới.
Cuối cùng, ngoài chú trọng nguồn nhân lực, Việt Nam đầu tư mạnh cơ sở hạ tầng, đảm bảo tiếp cận internet với giá rẻ. Khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 gõ cửa ASEAN thì sự chuẩn bị đó rất cần thiết. Năm 2017, Việt Nam là nhà xuất khẩu đồ may mặc lớn nhất trong khu vực và lớn thứ hai về xuất khẩu đồ điện tử (sau Singapore).
Tuy nhiên, Việt Nam là quốc gia rất dễ bị tổn thương do toàn cầu hóa. Với xuất khẩu chiếm 99,2% GDP, phần lớn thành công của Việt Nam, như đã thấy trước đây, dựa trên đầu tư và thương mại nước ngoài. Là một thị trường mới nổi, Việt Nam có thể sẽ đối mặt với sự giảm sút đầu tư khi đồng USD mạnh lên.
Dù vậy, Việt Nam dường như hưởng lợi hơn là bị tổn thương trong bối cảnh gia tăng căng thẳng thương mại toàn cầu. Việc Mỹ áp thuế hàng trăm tỷ USD lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, khiến nhiều cơ sở sản xuất tại Trung Quốc xem xét di dời sang các quốc gia khác, bao gồm Việt Nam.
Cũng theo bài báo trên, ngay cả khi Việt Nam bị tác động do chủ nghĩa bảo hộ ở phương Tây đang nổi lên, đất nước ASEAN này vẫn có thể dựa vào tầng lớp trung lưu trong nước đang phát triển nhanh để thúc đẩy tăng trưởng tiếp theo. Việt Nam đang phát triển, theo tốc độ và cách riêng của mình.
QUỐC HƯNG