Quản lý cát sỏi lòng sông: Cần minh bạch và kiểm soát quy hoạch
Tài nguyên cát sỏi lòng sông tiếp tục bị khai thác bừa bãi, là nguyên nhân của tình trạng sạt lở đất, gây bất an cho đời sống người dân và thất thoát lớn nguồn tài nguyên khoáng sản.
Cần kiểm soát quy hoạch cát sỏi lòng sông. Ảnh TR.HỮU |
Quy hoạch thiếu kiểm soát
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và môi trường, trên địa bàn tỉnh có 184 mỏ, điểm mỏ cát, sỏi được quy hoạch thăm dò, khai thác với tổng diện tích 1.777ha và trữ lượng dự kiến khoảng 60 triệu mét khối. Đến nay, có 28 doanh nghiệp được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác cát, sỏi với tổng cộng 37 giấy phép, chủ yếu nằm ở lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn. Trong đó, huyện Đại Lộc có 18 giấy phép, thị xã Điện Bàn 10 giấy phép, huyện Duy Xuyên 5 giấy phép; các huyện Quế Sơn, Nông Sơn, Tiên Phước, Nam Giang mỗi địa phương có 1 giấy phép. Tổng trữ lượng cát, sỏi theo các giấy phép khai thác này là 7,5 triệu mét khối, tổng công suất khai thác 1,43 triệu mét khối/năm. Thách thức lớn của lực lượng chức năng tỉnh là một mặt đấu tranh với các hành vi lén lút rút ruột lòng sông; mặt khác phải kiểm tra, giám sát các đơn vị, doanh nghiệp được phép khai thác.
Tại xã Đại Đồng (Đại Lộc) có 3 công ty được UBND tỉnh cấp phép khai thác cát sỏi. Điều đáng nói là tại các mỏ khai thác, chủ mỏ chưa đảm bảo vị trí, thường xuyên xê dịch, mở rộng hoặc khai thác quá độ sâu cho phép dẫn đến tình trạng sạt lở. Trong khi đó, sông Thu Bồn đoạn qua xã Duy Phước (Duy Xuyên) luôn là “điểm nóng” của nạn cát lậu. Bà Huỳnh Thị Hường - Chủ tịch UBND xã Duy Phước cho rằng, địa bàn giáp ranh với các địa phương khác nên tình trạng khai thác cát sỏi trái phép hết sức phức tạp. Lực lượng chức năng xã, huyện nhiều lần truy quét, tịch thu phương tiện nhưng vẫn không ngăn chặn triệt để. Gầy đây, các địa phương lập ra nhiều chốt kiểm soát có gắn camera giám sát 24/24 tại các vị trí ở ngã ba Đại Hiệp (quốc lộ 14B - ĐT609B), ngã ba Cẩm Lý (ĐT 609 - ĐT 605), ngã ba Tứ Câu (quốc lộ 1 - ĐT603), ngã tư Điện Ngọc (ĐT603 - ĐT607) và ngã ba Vòm (thị trấn Vĩnh Điện).
Về quy hoạch, tỉnh xác định giảm còn không quá 10 doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát, sỏi trên sông Vu Gia - Thu Bồn và mỗi huyện không quá 3 bến, bãi tập kết cát, sỏi. Thực tế cho thấy, hoạt động cạnh tranh giành quyền khai thác cát sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh diễn ra thiếu lành mạnh. Đáng lo hơn, có tuyến sông qua huyện Đại Lộc cấp phép khai thác với mật độ dày, là tác nhân gây sạt lở phía hạ lưu sông Thu Bồn. Xảy ra tình trạng lộn xộn trong hoạt động khai thác khoáng sản thời gian qua, theo Sở Tài nguyên và môi trường, lỗi chủ yếu do chưa có công cụ, hệ thống kiểm soát quy hoạch.
Đấu giá cát sỏi lòng sông
Luật Khoáng sản 2010 có hiệu lực được kỳ vọng sẽ minh bạch hóa hoạt động khai thác khoáng sản nhờ việc đưa ra đấu giá công khai các mỏ khoáng sản. Tuy nhiên, ở Quảng Nam số lượng các mỏ đấu giá vẫn còn khá ít ỏi. Từ năm 2016, hội đồng đấu giá quyền khai thác khoáng sản tỉnh mới tổ chức các phiên đấu giá đối với khoáng sản là vật liệu xây dựng thông thường. Cụ thể, đấu giá khu vực cát làm vật liệu xây dựng thông thường tại thôn 5 (xã Ba, Đông Giang); khu vực khai thác đá tại thôn 2, xã Trà Mai (Nam Trà My) và khu vực khai thác cát tại thôn 4, xã Trà Cang (Nam Trà My). Cát sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh thì chưa được đem ra đấu giá công khai.
Cần đấu giá quyền khai thác cát sỏi lòng sông. Ảnh: TR.HỮU |
Vì sao câu chuyện cát sỏi lòng sông vẫn “nóng” trong thời gian dài? Theo Sở Tài nguyên và môi trường, lý do nằm ở chỗ lợi nhuận kinh tế từ khoáng sản này đem lại rất lớn khiến đối tượng không ngần ngại vi phạm. Hệ thống pháp lý chưa hoàn thiện tạo kẽ hở cho cá nhân, tổ chức lách luật. Một số quy định pháp luật đã có nhưng chưa được áp dụng thực hiện (như Nghị định số 33/2017/NĐ-CP ngày 3.4.2017 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước, khoáng sản…). Ông Lại Hồng Thanh - Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam cho rằng, biện pháp hữu hiệu nhất là thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản trong cấp phép thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông; đảm bảo công khai, minh bạch trong quá trình cấp phép hoạt động thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông nhằm thu tối đa ngân sách nhà nước từ hoạt động đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Nhà nước quy hoạch sử dụng tài nguyên cát, sỏi theo lưu vực sông, đồng thời phân cấp gắn với trách nhiệm quản lý theo địa giới hành chính của các cấp chính quyền địa phương. Cạnh đó, Nhà nước thống nhất quản lý tài nguyên cát, sỏi lòng sông gắn với trách nhiệm UBND cấp tỉnh, các bộ ngành liên quan từ khi lập quy hoạch; cấp phép thăm dò, khai thác cho đến tập kết, mua bán, vận chuyển cát, sỏi lòng sông.
TRẦN HỮU