Bình xét, công nhận gia đình văn hóa: Cần nâng cao chất lượng

LÊ NHƯ THỦY 12/09/2018 06:41

Hàng năm vào khoảng trung tuần tháng 9, các khu dân cư trên địa bàn tỉnh triển khai bình xét, đề nghị công nhận danh hiệu gia đình văn hóa (GĐVH) để công bố và trao thưởng trong Ngày hội đoàn kết.

Quang cảnh Tọa đàm nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa ở huyện Núi Thành.  Ảnh: L.N.T
Quang cảnh Tọa đàm nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa ở huyện Núi Thành. Ảnh: L.N.T

Thành quả 17 năm

Xây dựng GĐVH được xác định là nội dung cốt lõi của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, nhiều năm nay, việc thay đổi, bổ sung các tiêu chí về xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc được quan tâm. Theo đó, nhiều mô hình “Câu lạc bộ gia đình hạnh phúc”, “gia đình hòa thuận”, “gia đình ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền”… ra đời và phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh, tạo nên những nét đặc trưng riêng trong công tác xây dựng GĐVH. Phần lớn các gia đình tham gia phong trào đều thực hiện tốt các nội dung, tiêu chí, tiêu chuẩn xây dựng GĐVH, có ý thức tự giác trong việc chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Ông Lê Ngọc Tường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: Năm 2001, toàn tỉnh có 133.576 gia đình văn hóa (chiếm tỷ lệ 42.39%), đến cuối năm 2017, có 346.499 gia đình văn hóa (chiếm tỷ lệ 87.7%). Hầu hết GĐVH là những gia đình gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua ở địa phương; vợ chồng, ông bà, cha mẹ, con, anh, chị, em yêu thương đùm bọc lẫn nhau; vai trò của người phụ nữ ngày càng được đề cao, người già, tàn tật được chăm sóc, trẻ em được tạo mọi điều kiện để vui chơi, học tập và phát triển; ý thức, trách nhiệm với cộng đồng, hàng xóm, láng giềng; quan tâm giúp đỡ người khác trong những lúc khó khăn, hoạn nạn”.

Đối với khu vực miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, theo ông Lê Ngọc Tường, nhờ xây dựng và vận động thực hiện tốt các tiêu chuẩn GĐVH, đồng bào nhận thức đúng đắn hiệu quả của phong trào, những tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan dần được xóa bỏ; quan tâm đầu tư phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Nhiều gia đình ở khu vực miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số mạnh dạn chuyển đổi giống cây trồng, con vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần đáng kể vào nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Đó là mô hình trồng keo lai của nhiều gia đình ở xã Tiên Sơn (Tiên Phước), xã Phước Hiệp (Phước Sơn), xã Ba, xã Tư (Đông Giang); nuôi bò lai, trồng keo lai ở xã Thăng Phước (Hiệp Đức), xã Trà Tân (Bắc Trà My) và nhiều mô hình kinh tế rừng hộ gia đình xã A Nông (Tây Giang)... Từ thành quả chung của việc xây dựng GĐVH đã xuất hiện nhiều cá nhân điển hình trong thi đua lao động sản xuất, giảm nghèo, thực hiện công tác an sinh xã hội, đóng góp tích cực vào phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Trong 17 năm qua, đã có 682 gia đình văn hóa tiêu biểu được tỉnh tuyên dương khen thưởng, trong đó có 45 gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc được tuyên dương khen thưởng tại Hội nghị biểu dương các GĐVH tiêu biểu xuất sắc toàn quốc lần thứ I (năm 2007) và lần thứ II (năm 2013) tại Hà Nội.

Những hướng đi mới

Bên cạnh những thành quả đáng ghi nhận của công tác xây dựng đời sống văn hóa 17 năm qua, cũng cần phải nhìn nhận rằng chất lượng việc xây dựng GĐVH chưa tương xứng với số lượng công nhận. Tình hình an ninh trật tự, tệ nạn xã hội, vi phạm an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, bạo lực gia đình… có dấu hiệu gia tăng. Các giá trị tốt đẹp của gia đình như hiếu nghĩa, thủy chung, kính trên nhường dưới... đang có biểu hiện xuống cấp, sự xung đột giữa các thế hệ về lối sống và việc chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi đang đặt ra những thách thức mới, các tệ nạn xã hội đã và đang xâm nhập và tác động xấu vào các gia đình.

Thực trạng đó đòi hỏi những người có trách nhiệm trong công tác vận động xây dựng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cần phải quan tâm. Nhiều cuộc họp chuyên đề về nâng cao chất lượng các tiêu chí để xét công nhận GĐVH được được tổ chức ở các địa phương đã thể hiện quyết tâm đổi mới công tác bình xét danh hiệu GĐVH theo hướng nâng cao về chất, quan tâm đến việc phát huy vai trò của cộng đồng tự quản ở khu dân cư trong công tác tuyên truyền, vận động, giám sát cán bộ công chức và nhân dân thực hiện. Theo đó, mỗi gia đình phải thực hành tiết kiệm, văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; việc đốt, rải vàng mã, đồ cúng đúng nơi quy định. Ngoài ra, việc xả nước thải bừa bãi ra nơi công cộng, ngã ba đường và nhà hàng xóm; việc sử dụng hóa chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất, kinh doanh buôn bán… (bị cơ quan chức năng nhắc nhở từ 2 lần trở lên có lập biên bản vi phạm); vắng sinh hoạt, hội họp định kỳ (không lý do) ở thôn/khối phố 3 lần trở lên trong năm; có hành vi bạo lực gia đình ở mức bị góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư… được đưa vào thang điểm bình xét GĐVH.

Hy vọng những nội dung mới được bổ sung vào thang điểm bình xét GĐVH, sự quyết tâm vào cuộc của ban chỉ đạo các cấp và hướng đi mới của phong trào, công tác xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn tỉnh sẽ dần khắc phục được những bất cập khó khăn, góp phần nâng cao chất lượng GĐVH ở các địa phương trong tỉnh.

LÊ NHƯ THỦY

LÊ NHƯ THỦY