Sát cánh cùng nông dân

NGUYỄN SỰ (thực hiện) 12/09/2018 03:27

Sáng nay 12.9, Đại hội đại biểu Hội Nông dân (HND) tỉnh Quảng Nam lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2018 - 2023) khai mạc phiên chính thức. Trước thềm đại hội, phóng viên Báo Quảng Nam đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Văn Thẩm - Chủ tịch HND tỉnh khóa VII về những thành quả nổi bật trong công tác hội và phong trào nông dân 5 năm qua.

Được hỗ trợ vốn ưu đãi và chuyển giao kỹ thuật sản xuất, nông dân Quảng Nam có điều kiện xây dựng những mô hình canh tác cây trồng cạn hiệu quả. Ảnh: VĂN SỰ
Được hỗ trợ vốn ưu đãi và chuyển giao kỹ thuật sản xuất, nông dân Quảng Nam có điều kiện xây dựng những mô hình canh tác cây trồng cạn hiệu quả. Ảnh: VĂN SỰ

* Xin ông cho biết, những năm qua việc xây dựng, củng cố tổ chức HND từ tỉnh đến cơ sở được triển khai ra sao?

Ông Vũ Văn Thẩm - Chủ tịch HND tỉnh khóa VII. Ảnh: VĂN SỰ
Ông Vũ Văn Thẩm - Chủ tịch HND tỉnh khóa VII. Ảnh: VĂN SỰ

Ông Vũ Văn Thẩm: Thực hiện phương châm “bám chi, sát hộ, hiểu nông dân”, thời gian qua các cấp hội không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Nổi bật là việc xây dựng kế hoạch, phân công cán bộ đi cơ sở, trực tiếp tham gia sinh hoạt cùng hội viên nông dân, mỗi đồng chí ít nhất 12 lần/năm. Nhiệm kỳ qua có 3.312 lượt cán bộ hội cấp tỉnh và huyện đi sinh hoạt với cơ sở, qua đó đã hướng dẫn cấp hội cơ sở thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của cán bộ, hội viên nông dân, kịp thời giải quyết những bức xúc và đề xuất cấp ủy, chính quyền địa phương có chính sách phù hợp nhằm hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất.

Nhiệm kỳ qua, toàn tỉnh kết nạp 30.981 hội viên nông dân mới, nâng tổng số lên 223.776 hội viên, chiếm 98,05% lực lượng nông dân của tỉnh, vượt 3,05% so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu HND tỉnh lần thứ VII đề ra. Đáng ghi nhận, các cấp hội đã tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả theo đúng quy định của Trung ương và địa phương; xây dựng đề án vị trí việc làm đảm bảo tỷ lệ tinh giản biên chế 10%. Cạnh đó, công tác quy hoạch, kiện toàn đội ngũ cán bộ được các cấp hội chú trọng; đặc biệt, việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động các chi hội, tổ hội, cơ sở hội luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Theo kết quả kiểm tra, 5 năm qua có 7.225 tổ, 1.678 chi, 241 cơ sở hội đạt loại khá, vững mạnh, chiếm 99,17%, vượt 9,17% so với Nghị quyết Đại hội lần thứ VII đề ra, không có cơ sở hội yếu kém.

* Khi tổ chức hội được củng cố, sự đồng hành với nhà nông cũng sẽ thể hiện rõ hơn. Ông có thể cho biết, các cấp HND trong tỉnh đã thực hiện nhiệm vụ tập huấn, chuyển giao kỹ thuật hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập như thế nào?

Ông Vũ Văn Thẩm: Ngoài việc tích cực hỗ trợ nhà nông đưa nhiều loại giống cây trồng, con vật nuôi có năng suất và chất lượng cao vào sản xuất, trong 5 năm qua, các cấp HND đã phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức 3.203 lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất nông - lâm nghiệp với gần 164 nghìn lượt người dự; thực hiện 500 buổi hội thảo đầu bờ - đầu chuồng, thu hút hàng nghìn hội viên nông dân tham gia. Một số tiến bộ khoa học công nghệ cũng đã được các cấp hội tập huấn, hướng dẫn nông dân ứng dụng hiệu quả, như mô hình canh tác lúa theo gói kỹ thuật IPM, sản xuất rau an toàn, chăn nuôi gia súc và gia cầm theo hướng an toàn sinh học, quản lý dịch hại tổng hợp trên đồng ruộng gắn với bảo vệ môi trường và nguồn nước…

Những năm qua, hàng chục nghìn hộ dân được hưởng lợi từ chương trình cung ứng phân bón trả chậm. Ảnh: VĂN SỰ
Những năm qua, hàng chục nghìn hộ dân được hưởng lợi từ chương trình cung ứng phân bón trả chậm. Ảnh: VĂN SỰ
Từ năm 2013 đến nay, cán bộ, hội viên nông dân toàn tỉnh đã đóng góp hỗ trợ xây dựng 120 nhà tình nghĩa và tặng hàng nghìn sổ tiết kiệm tri ân gia đình có công với nước. Trong 5 năm qua, cán bộ, hội viên nông dân đã giúp 3.380 hộ thoát nghèo; đồng thời tích cực vận động, đóng góp để mua hơn 1.880 sổ tiết kiệm (tổng trị giá hơn 3,2 tỷ đồng) tặng nông dân hoàn cảnh khó khăn và hỗ trợ 237 trường hợp cải thiện nhà ở (tổng trị giá hơn 5,4 tỷ đồng); vận động tổ chức, cá nhân đóng góp trao cho con em nông dân nghèo 3.560 suất học bổng với tổng trị giá hơn 1 tỷ đồng…

Những năm qua HND tỉnh còn phối hợp với Sở Khoa học & công nghệ tổ chức 150 lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi heo theo hướng an toàn dịch bệnh; 120 lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học; 163 lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ phế, phụ phẩm nông nghiệp cho 8.100 nông dân. Đồng thời hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình điểm sản xuất phân hữu cơ vi sinh với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp khoa học công nghệ của tỉnh.

* Vậy, sự hỗ trợ cụ thể về vật chất như thế nào, thưa ông?

Ông Vũ Văn Thẩm: Với vai trò của mình, HND tỉnh đã phối hợp với Quỹ Thiện Tâm thuộc Tập đoàn Vingroup và Báo Tuổi trẻ trao 410 con bò giống sinh sản (tổng trị giá gần 8 tỷ đồng) hỗ trợ nông dân hoàn cảnh khó khăn ở các huyện Tiên Phước, Phú Ninh, Thăng Bình, Phước Sơn, Nam Giang có điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Các cấp HND còn phối hợp với ngành nông nghiệp và một số doanh nghiệp hỗ trợ nông dân mua 603 máy nông cụ phục vụ sản xuất với tổng số tiền hơn 13,6 tỷ đồng.

Trung tâm Dạy nghề & hỗ trợ nông dân trực thuộc HND tỉnh cũng đã tập trung thực hiện hiệu quả Đề án “Cung ứng phân bón trả chậm cho hộ nông dân nghèo, cận nghèo và hộ nông dân khó khăn, thiếu vốn sản xuất”. Qua 5 năm triển khai, đề án được thực hiện tại 100 xã, phường, thị trấn của 10 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Qua đó giúp hàng chục nghìn lượt hộ nông dân ổn định sản xuất, với lượng phân bón được cung ứng hơn 10.232 tấn các loại.

* Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

NGUYỄN SỰ (thực hiện)

NGUYỄN SỰ (thực hiện)