Hậu tái định cư thủy điện: Gánh nặng cho miền núi (bài 1)
Sau chừng 10 năm định hình các ngôi làng tái định cư (TĐC) dự án thủy điện, miền núi đã “cứng hóa” hơn về hạ tầng giao thông, công trình dân sinh, các dãy nhà san sát như… phố. Song di hại mà nó để lại không hề nhỏ, trở thành “món nợ” cho các địa phương trong chuyện tính toán giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và nhất là tìm lại không gian sống đúng nghĩa cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Nhà tái định cư của đồng bào Ca Dong, xã Trà Đốc nằm rải rác, phân tán nhiều nơi giữa rừng. |
BÀI 1: NHÀ VÀ LÀNG TÀN TẠ
Nhà ở, công trình phụ, nhà sinh hoạt cộng đồng, hạng mục cung cấp nước sạch… ở các làng TĐC thủy điện bị xuống cấp nhưng nhiều nơi không được duy tu, sửa chữa để trần ai trong nắng mưa. Ai quản lý, điều hành công trình “hậu thủy điện” là câu hỏi dường như bị bỏ lửng.
Hoang phế công trình dân sinh
“Chưa đến 10 năm nhưng nhà ở TĐC và công trình khác như trường học, trạm y tế đã xuống cấp, hầu hết đều thấm nước vào mùa mưa gây tróc mảng tường do chất lượng xây dựng không đảm bảo, thi công không đúng thiết kế. Thực tế cho thấy các hộ dân từ khi được bàn giao nhà ở đã bảo quản và sử dụng đúng yêu cầu nhưng vẫn bị hư hỏng”. (Chủ tịch UBND xã Trà Bui Hồ Văn Tiến) |
Giữa lưng chừng đồi núi phủ màu xanh bất tận của rừng phòng hộ Sông Tranh, nằm vắt vẻo 5 - 6 ngôi nhà xây đã hoen ố màu. Thôn 2 (xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My) có 3 điểm TĐC, 10 năm trước có tổng cộng 74 hộ ra sinh sống tập trung, giờ tăng lên 100 hộ. Chúng tôi mục sở thị một điểm TĐC thôn 2 với mật độ dân cư đông đúc. Nhà xây kiên cố (kinh phí xây dựng 70 - 150 triệu đồng/nhà, thời điểm năm 2007) then cài cửa đóng. Cửa chính, cửa phụ bằng gỗ chi chít lỗ thủng và mục nát. Lấy ngón tay búng nhẹ vào mảng tường, lớp vôi rơi lả tả. Do người dân không có ý thức sửa chữa hàng năm nên mưa thấm vào gây tróc tường nhà; la phông thì xiêu vẹo, hư hỏng. Nhà vệ sinh nằm cách biệt với nhà ở, không sử dụng, bỏ phế. Nhìn cảnh tượng này, ông Đặng Tấn Giản - Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh ngán ngẩm: “Chất lượng xây dựng quá tệ, cộng với ý thức kém của đồng bào, đã làm cho công trình nhà ở, nhà vệ sinh nhanh xuống cấp. Thiết kế như thế này rõ ràng chẳng hữu dụng chút nào cho đồng bào”.
Cầu treo ở thôn Pà Rum B (xã Zuôih, Nam Giang) xuống cấp.Ảnh: H.P |
Nhà ở, nhà sinh hoạt cộng đồng của người dân TĐC thuộc xã Trà Bui (Bắc Trà My) còn rơi vào tình cảnh tệ hơn. Thực tế, chủ đầu tư nhà máy thủy điện xây dựng nhà TĐC kém chất lượng, không phù hợp với phong tục, tập quán của đồng bào nên người dân ít sử dụng mà phải xây lại nhà mới theo kiểu truyền thống. Điều này dễ dàng nhận thấy tại nhiều làng TĐC ở xã Phước Hòa (Phước Sơn), xã Trà Đốc, Trà Giác, Trà Bui (Bắc Trà My), xuất hiện rất nhiều “nhà ghép”. Nghĩa là bên ngôi nhà tường xây, lợp tôn, người dân còn dựng thêm nhà gỗ truyền thống và mọi sinh hoạt đều ở trong ngôi nhà gỗ này. Chủ tịch UBND xã Trà Bui Hồ Văn Tiến nói: “Nhà TĐC xây dựng theo thiết kế kiểu gì mà dân nhận nhà vào ở thì không có vật kiến trúc kèm theo, các công trình phụ như nhà vệ sinh và nhà tắm đặt vị trí không phù hợp với nhà ở. Ngoài ra, không xây nhà bếp cho dân”.
Nhà tái định cư ở xã Trà Đốc đã xuống cấp. |
Không sử dụng vì thiết kế xa lạ
Nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng thôn tại một điểm TĐC xã Trà Đốc (Bắc Trà My) nằm chơ vơ giữa rừng, được xây dựng khá kiên cố. Khuôn viên sân phía trước nhà được cứng hóa bằng bê tông. Đồng bào Ca Dong ở đây bảo, mỗi năm nhà văn hóa chỉ tổ chức họp thôn vài lần. Các nghi thức lễ ăn trâu huê, trâu thường hay trâu lá của người Ca Dong đều không diễn ra tại nơi này, bởi đồng bào thích nhảy nhót, đánh cồng chiêng, di chuyển trên nền đất giữa không gian bao la của đại ngàn. Nhà văn hóa xây dựng nhưng hầu như không bố trí tường rào cổng ngõ và cơ sở vật chất như điện thắp sáng, bàn ghế trong nhà văn hóa. Lạ hơn, khu vực công trình này lại không thiết kế xây dựng khu vệ sinh và nước sinh hoạt. Vì vậy, nhà văn hóa cộng đồng ở các làng TĐC ở xã Trà Bui, Trà Đốc, Trà Giác (Bắc Trà My) đã bị đồng bào “tẩy chay” từ khi mới ra đời. Nhìn vào công trình này, ông Nguyễn Đình Tiên - Phó Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh lắc đầu: “Nhà sinh hoạt cho người Ca Dong mà bê tông cứng hóa thế này, đồng bào không bỏ hoang mới lạ!”.
Nhà sinh hoạt cộng đồng tại xã Trà Đốc nằm chơ vơ giữa rừng. |
Tại khu TĐC xã Phước Hòa (Phước Sơn), hạng mục đường ống dẫn nước sạch đưa về khu dân cư âm dưới lòng đất hư hỏng nhưng người dân không buồn sửa chữa vì không có kinh phí hoạt động và chưa được hướng dẫn khắc phục khi xảy ra sự cố. Theo chính quyền xã này, dù địa phương và người dân được chủ đầu tư bàn giao các hạng mục công trình dân sinh, nhưng đến bây giờ họ vẫn chưa được phổ biến vị trí đặt đường ống dẫn nước sạch âm dưới lòng đất nên khi xảy ra sự cố không biết cách sửa chữa. Tại các điểm TĐC ở khu số 1b, 4a, 4b và khu số 5 (xã Trà Bui), nhà ở xây dựng trên đồi núi dốc, đối diện với nguy cơ sạt lở cao vào mùa mưa bão. Qua thống kê của UBND xã Trà Bui, có ít nhất 11 hộ bỏ hoang nhà TĐC gần 10 năm nay và tự di chuyển làm nhà ở vị trí khác. Khảo sát tất cả làng TĐC thủy điện tại địa bàn Bắc Trà My, Nam Giang, Phước Sơn, Đoàn giám sát HĐND tỉnh nhận định, kết cấu hạ tầng như điện - đường - nhà ở tại các khu TĐC đảm bảo theo thiết kế, nhưng hầu hết công trình dân sinh do thủy điện đầu tư đều xuống cấp, hư hỏng do thiếu nguồn vốn duy tu bảo dưỡng hàng năm cộng với khâu quản lý, vận hành, sử dụng sau đầu tư chưa hiệu quả.
______
Bài 2: Khát bên biển nước
Nằm bên các hồ chứa nước thủy điện nhưng nghịch lý là người dân các làng TĐC đang đối mặt với tình trạng thiếu nước sạch và nước sản xuất.
TRẦN HỮU PHÚC