Ngôi làng sạch nhất châu Á
Ngôi làng nhỏ Mawlynnong (Ấn Độ) được xem như một trong những điển hình bảo vệ môi trường và sinh thái tại khu vực.
Du khách thích thú trải nghiệm “chiếc cầu sống” tại làng Mawlynnong, Ấn Độ. Ảnh:Bloomberg |
Nằm nép mình bên những ngọn đồi vùng Đông Khasi xanh mát của bang Meghalaya miền đông bắc của Ấn Độ, Mawlynnong từng được nhiều tạp chí quốc tế và UNESCO bình chọn là ngôi làng sạch sẽ nhất châu Á. Mawlynnong đồng thời là biểu tượng hoàn hảo của “cộng đồng thiên nhiên” bởi người dân sống hài hòa với vùng rừng nơi đây.
Với dân số chỉ 500 người, chủ yếu thuộc cộng đồng Khasi - một phần của một trong những bộ tộc lâu đời nhất trên thế giới, Mawlynnong hiện duy trì chế độ mẫu hệ. Trong đó, người phụ nữ, đặc biệt là người mẹ, giữ vai trò lãnh đạo, quyền lực và tài sản được truyền từ mẹ cho con gái út. Sau khi kết hôn thì người đàn ông đến nhà vợ của mình và những đứa trẻ sinh ra mang họ mẹ. Ngôi làng thanh bình và thơ mộng Mawlynnong nổi tiếng khắp nơi kể từ khi được trao tặng danh hiệu “Ngôi làng sạch nhất châu Á” cách đây hơn 10 năm. Nhiều du khách tìm đến để khám phá thiên đường từng rất bí ẩn được gọi là God’s own garden (Vườn riêng của Chúa).
Một trong những điều gây chú ý khi đến Mawlynnong là những chiếc giỏ đan bằng liễu gai làm thùng đựng rác được đặt ngay ngắn bên cạnh các lối đi và rác thải được tái chế làm phân bón sử dụng trong sản xuất nông nghiệp của làng. Từ nhiều năm nay, rác thải nhựa, kể cả bao ni lông không xuất hiện bởi những thứ này bị cấm sử dụng, và thuốc lá cũng như vậy ở Mawlynnong. Theo quy định, du khách đến Mawlynnong nếu mang theo đồ nhựa thì buộc phải mang trở về và người vi phạm như bỏ rác thải nhựa vào thùng rác, sẽ bị tính phí rất nặng. Những đứa trẻ Mawlynnong ngay từ nhỏ được dạy giữ gìn vệ sinh môi trường sạch sẽ, nhặt các mảnh rác trên đường và bỏ vào thùng rác.
Du khách đến Mawlynnong không khỏi ngạc nhiên khi nhìn thấy người dân địa phương quét rác mọi lúc mọi nơi, không chỉ trong nhà mà còn ra ngoài đường. Bang Meghalaya thường xuyên gánh chịu những cơn mưa rất lớn, gây sạt lở các tuyến đường khiến những ngôi làng xa xôi như Mawlynnong bị cô lập. Nhưng, thay vì xây dựng các công trình bằng bê tông cốt thép được cho sẽ làm tổn thương vùng đất và cảnh quan vốn nguyên sơ, người Mawlynnong tận dụng các bụi rễ cây sum sê, chủ yếu là cây đa búp đỏ hay còn gọi đa cao su, đan chúng lại với nhau để làm nên những chiếc cầu bắc ngang qua con kênh, dòng suối hay thác nước. Người ta gọi đây là những “cây cầu sống”, rất bền chặt và thậm chí trải qua hàng chục năm.
Patrick Rogers, một du khách từ Mỹ nói: “Những cây cầu sống ở Mawlynnong là một trong những kiến trúc độc đáo của thế giới, rất ấn tượng. Những rễ cây thay thế bê tông như gợi cho chúng ta nguồn cảm hứng để đối phó với vô số vấn đề trong thế kỷ 21 như biến đổi khí hậu, bởi các cây cầu sống này có thể trụ vững trong mưa bão hay lũ quét”. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ca ngợi ngôi làng nguyên sơ Mawlynnong trở thành nguồn cảm hứng, một mô hình cho phần còn lại của đất nước, nơi nhiều thành phố đang vật lộn đối phó với ô nhiễm nghiêm trọng.
Dù vậy, ông Laphrang Khong Thohrem (62 tuổi), người dân tại ngôi làng này thừa nhận, khi người Mawlynnong bắt đầu kiếm nhiều tiền hơn từ du lịch để cải thiện đời sống thì việc bảo vệ vẻ đẹp quyến rũ, nét văn hóa độc đáo và hoang sơ của Mawlynnong là vấn đề cấp bách và quan trọng hơn bao giờ hết.
NAM VIỆT