Về làng để "vun chữ"

NGUYỄN SÔNG HÀN 07/09/2018 06:28

Chúng tôi gặp lại nhiều bạn cũ là doanh nhân, trí thức từ Thanh Quýt (Điện Bàn) ra đi và trở về làng cũ vào dịp trao phần thưởng khuyến học ở các trường, các thôn, xã và của các tộc họ. Những ngày ấy, họ đều nói với nhau rằng “Về làng để vun chữ, để giúp con cháu các thế hệ vươn lên bằng tri thức!”.

Bí thư xã trao thưởng khuyến học ở Đình Làng. Ảnh: N.S.H
Bí thư xã trao thưởng khuyến học ở Đình Làng. Ảnh: N.S.H

1. Làng Thanh Quýt dân đông đất hẹp, nhưng chỉ nói riêng cái sự học thôi, thì thời nào, tộc họ nào cũng có người tài giỏi giúp dân giúp nước. Khi tôi ngồi viết những dòng này, có thể nhớ ngay đến những tên tuổi như các giáo sư, tiến sĩ như Lê Tự Quốc Thắng, Lê Tự Hải, Trương Công Lập, Trương Công Đức đang giảng dạy ở các đại học danh tiếng như Harvard,  California, Chicago ở Mỹ hay các đại học trong nước. Riêng tiến sĩ Nguyễn Hữu Định, cố Tổng Giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý SJC nổi tiếng, ngoài học vị còn là một nhà kinh doanh rất tài năng, đi đầu trong hoạt động kinh tế thời kỳ đầu đổi mới. Tiến sĩ Võ Văn Lâm (tức Nguyễn Hữu Lâm) - nguyên Giám đốc chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT Quảng Nam cũng là một người con của làng thành đạt từ nỗ lực tự học đáng khâm phục sau khi đã có gia đình… Tất cả họ đều là con cháu của những gia đình nông dân, buôn bán nhỏ. Giáo sư Toán học Lê Tự Hỷ có lần ngồi kể với tôi: Chính cái nhận thức chỉ có con đường học vấn mới có thể vươn lên, thoát nghèo và giúp ích cho đời đã thôi thúc chúng tôi đi học và cố gắng học giỏi. Anh Hỷ rời làng trong thập niên 1950 và ra trọ học ở Đà Nẵng. Phải cơm đùm cơm gói đi ở nhà trọ và dạy kèm để kiếm thêm tiền mua sách vở.

Gia tộc Trương Công, trước đó còn có các cụ Trương Hữu Diệp từng đậu thủ khoa Trường Thông ngôn Đông Dương hay người em là giáo sư Trương Công Cừu, người sáng lập và làm khoa trưởng đầu tiên của Trường Đại học Sư phạm Sài Gòn sau năm 1954. Ông cũng trực tiếp dạy hai môn là Triết học và Văn chương Pháp trong giai đoạn này. Đại học Sư phạm Sài Gòn là tiền thân của Đại học Khoa học xã hội và nhân văn ngày nay. Con cháu của các cụ nay có nhiều người là các nhà khoa học đang làm việc hoặc dạy học tại Pháp và Hoa Kỳ. Trước đó nữa, tộc Trương Công còn có Thượng thư Trương Công Hy là nhà khoa bảng thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, từng dạy cho các ấu chúa ở kinh đô và giữ các chức vụ Trấn thủ Quảng Nam, Thượng thư dưới triều Tây Sơn. Bên tộc Nguyễn Hữu cũng có nhiều vị quan làm việc ở Huế hoặc các cụ tú dạy học ở làng…

2. Chính “cái học” là giềng mối của sự thăng tiến nên từ sau khi đổi mới, phong trào khuyến học ở xã Điện Thắng Trung đã trở nên khởi sắc và có chiều sâu. Một xã mà từ các tộc họ, thôn, xã và các trường học trên địa bàn đều có các cấp hội khuyến học là điều ít có. Hai trường THCS Nguyễn Văn Trỗi và Tiểu học Lê Tự Nhất Thống đều có các chi hội hoạt động khá mạnh. Mỗi niên khóa đã khen thưởng hàng chục triệu đồng từ đóng góp của các doanh nhân xa quê. Riêng Trường Tiểu học Lê Tự Nhất Thống còn vận động các doanh nhân đồng hương từ TP.Hồ Chí Minh qua ông Lê Văn Khoa - nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố giúp hơn 5 tỷ đồng xây dựng thêm cơ sở mới và trang bị hàng chục máy vi tính cho học sinh. Hay như ông Võ Văn Lâm còn vận động các đối tác hỗ trợ hàng tỷ đồng xây dựng thêm phòng học, nhà làm việc cho ban giám hiệu và xây dựng trường mẫu giáo ở xã… Chi hội khuyến học của mỗi thôn hoạt động hiệu quả nhờ vai trò của các cô thầy giáo đã nghỉ hưu về sống trong làng. Họ gắn bó với quê hương, biết rõ khó khăn của từng gia đình và quan trọng nhất là qua các bạn học từ nhỏ - nay làm ăn khá giả ở các tỉnh thành, tạo ra sự kết nối với xóm làng và dòng tộc. Đơn cử như ở Chi hội khuyến học các thôn Thanh Quýt 1, Thanh Quýt 2, Thanh Quýt 4, vai trò đi đầu của các cựu giáo chức và các doanh nhân hết sức rõ nét…

Còn ở cấp xã, một hội khuyến học xã hình thành từ sau khi phục dựng lại đình làng năm 2006 đến nay, đã tạo cho địa chỉ văn hóa này một sinh khí mới. Hàng năm, vào ngày mồng 4 tết là  ngày hội khuyến học toàn xã. Ở đó, ngoài sự có mặt của các cựu sinh viên và doanh nhân về quê đón tết còn là lễ vinh danh và tặng thưởng cho các tân sinh viên vừa đậu vào các đại học trong năm. Doanh nhân Lê Tự Kiện ngoài đóng góp chung còn hỗ trợ riêng hàng chục triệu đồng cho một sinh viên học y khoa để trang trải mọi chi phí trong 7 năm học đại học. Thạc sĩ Sử học Nguyễn Văn Đoàn  sau khi hỗ trợ 2 sinh viên mồ côi học phí hằng năm, từ năm 2018 nâng lên thành học bổng mang tên cha anh là Nguyễn Văn Đường, mỗi năm trao 20 suất (1 triệu đồng/suất) cho 20 học sinh các cấp. Giáo sư Lê Tự Hỷ lập quỹ học bổng mang tên cụ Biện Thoan với 16 suất học bổng tiểu học mỗi niên khóa.

Tại các tộc họ lớn như Nguyễn Hữu, Lê Tự, Trương Công, Nguyễn Bá, Nguyễn Văn, từ hơn chục năm qua, cứ vào Chủ nhật cuối tháng 8 lại đón chào tân sinh viên về dâng hương trước tổ tiên và nhận khen thưởng. Học sinh các cấp từ tiểu học đến THPT học giỏi cũng được khen thưởng, động viên kịp thời. Quỹ khuyến học tộc Trương Công sau 13 năm hoạt động, đã khen thưởng gần 1.000 học sinh, sinh viên với tổng số tiền hơn 1,2 tỷ đồng. Riêng tổng số tiền thưởng năm 2018 là 127 triệu đồng; trong đó sinh viên tốt nghiệp và mới thi đậu đại học chính quy được thưởng 5 triệu đồng mỗi người. Ông Trương Công Bè - Chi hội phó khuyến học, cho biết: “Chúng tôi có website và một trang facebook, mọi thông tin tộc họ được đăng tải trên đó. Chi hội có tài khoản riêng, có kế toán và thủ quỹ. Trong tộc còn có các doanh nhân như Trương Công Nam, Trương Công Tám và cụ Trương Công Bái có thêm những đóng góp đặc biệt giúp cho các em học sinh nghèo, cả gia đình neo đơn mỗi năm hàng chục triệu đồng, nên đã tạo được không khí đoàn kết, phấn chấn và thi đua trong học tập của con cháu”.

NGUYỄN SÔNG HÀN

NGUYỄN SÔNG HÀN